Năm 1471, tròn 550 năm trước, vua Lê Thánh Tông mang quân chinh phạt Champa, sáp nhập các khu vực Amaravati và Vijaya vào Đại Việt, đổi tên thành Quảng Nam thừa tuyên đạo. Mãi đến năm 1832, vương quốc Champa hoàn toàn sáp nhập vào Đại Nam thời Minh Mạng. Trải qua 18 thế kỷ tồn tại và phát triển, tên gọi vương quốc Champa đến nay vẫn là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ ràng, thống nhất.
Việc nghiên cứu về Champa cần dựa vào các cứ liệu có tính kiểm chứng và các sử liệu mang tính tự sự. TRONG ẢNH: Trưng bày các hiện vật Champa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: N.T |
Những dữ liệu chưa thống nhất
Theo nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa, “nước Chiêm Thành khởi đầu chửa lập thành quốc hiệu (trước Thiên-Chúa giáng sinh 102 năm), chỉ là một quận, thống thuộc bộ Việt Thường nhà Hán đặt chức quan Trưởng Sử cai trị và kiêm quận Nhật Nam (Jènan). Nhà Hậu-Hán vua Thuận-Đế ở quận Tượng-Châu (Tượng-quận) có người tên là Khu-Liên nổi loạn giết quan quân huyện Tầu, rồi tự xưng làm Vua và đổi quận Tượng-Lâm làm nước Lâm-ấp (dương lịch 137).
Đến đời nhà Tùy cai trị nước Tầu, Vua Tùy sai tướng Lưu-Phương sang đánh quốc-đô Lâm-ấp mà chiếm lấy của cải châu báu. Vua nước Lâm-ấp lúc ấy là Phạm Chí năm 630 mới sang cống vua Thái-Tôn nhà Đường. Phạm Chí chết, người dân Lâm-ấp tên là Chư-Cát-Địa lên nối ngôi và đổi hiệu là Hoàn-Vương-Quốc. Thế kỷ thứ IX, sử chép: Đời nhà Đường sai Trương-Châu qua đánh nước Hoàn-Vương và đổi quốc hiệu là Chiêm-Thành, ấy là người Tầu đổi quốc hiệu cho nước Hoàn-Vương. Quốc hiệu Chiêm-Thành lưu truyền cho đến ngày nay”. (Chiêm-Thành lược khảo, Nhà in Đông Tây, Hà Nội, 1936).
Trong khi đó, sách Việt sử xứ Đàng Trong 1558-1777 (Nhà sách Khai Trí, 1967) của GS Phan Khoang viết: “Đến cuối đời Đông Hán, con của viên Công-tào huyện Tượng-Lâm là Khu-Liên nhân trong xứ có loạn, giết quan Huyện-lệnh mà tự lập làm vua. Ấy là năm Sơ-bình thứ 3 đời vua Hiến-đế nhà Hán, tức là năm 192. Theo lời ghi khắc trên một tấm bia tìm được thì vị vua đầu tiên của người Chàm là Cri Mara. Vậy các nhà khảo cứu cho rằng Cri Mara có thể là nhân vật Khu-Liên nói trên. Nước lập nên ấy, sử Trung-hoa gọi là Lâm-ấp, còn người ấy tự xưng là Cam (Chàm) hoặc Chiêm-bà (Champa).
Nước Lâm-ấp lấy đất Quảng-nam ngày nay làm trung tâm điểm, dựng đô ở Trà-kiệu (…) Đời vua Đường Túc-tông, Càn-nguyên năm đầu (758), sử Trung-quốc gọi Lâm-ấp là Hoàn-vương. Ấy là năm đầu của đệ ngũ vương triều Chàm, và quốc hiệu này được giữ cho đến năm vương triều này cáo chung (859)… Năm 875 thì một triều vua mới lên làm vua ở phía bắc tại Indrapura (Đồng-dương) trong tỉnh Quảng Nam ngày nay. Ấy là đệ lục vương triều (875-991). Đồng thời, sử Trung-quốc cũng đổi gọi là nước Chiêm-thành”.
Đây là những tài liệu mang tính sơ khảo, lược khảo về Champa, nhưng dựa trên những nguồn tài liệu nghiên cứu về Champa của các học giả Trung Hoa, Việt Nam hay phương Tây, vì vậy có những cách gọi quốc hiệu và niên đại khác nhau, chưa thống nhất…
Khái niệm Champa cần được định nghĩa lại
Theo các nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương và Bùi Chí Trung: “Cho đến những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu đều thừa nhận rằng, việc tìm hiểu lịch sử của vương quốc cổ Champa quả là khó khăn và phức tạp. Trong những công trình cập nhật mới nhất, các nhà nghiên cứu đều nhận định, sở dĩ có tình trạng trên là vì những tài liệu liên quan đến vương quốc cổ này chủ yếu dựa vào những ghi chép rời rạc và mơ hồ của Trung Hoa hay Việt Nam về vùng đất mà vương quốc này tọa lạc tại miền Trung Việt Nam; hoặc dựa vào những minh văn Champa đã được tìm thấy, mà phần lớn đều không có niên đại chính xác. (Dấu ấn văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam, NXB Đà Nẵng, 2021).
Một điều đáng quan tâm nữa là cùng với thời gian, những cuộc chiến tranh liên miên giữa Champa và các nước láng giềng phá hủy nặng nề những di sản văn hóa, lịch sử, ảnh hưởng lớn đến việc nghiên cứu. Như nhà nghiên cứu Phan Du viết về trận Chiêm phạt đầu tiên của Đại Việt xảy ra vào năm Thiên Phúc thứ III (982): “Lê Đại Hành liền ra lệnh đóng chiến thuyền, sửa soạn binh khí, rồi xuống chiếu thân chinh, đem quân đánh chiếm kinh đô Chiêm Thành, lúc đó là Đồng-dương, san bằng cả thành trì, phá hủy cả tông miếu…
Sau một năm lưu trú tại đây, vua Lê Đại Hành mới quay về, đem theo 100 cung nữ Chiêm, một thầy tăng người Thiên Trúc và rất nhiều bảo vật, bạc, vàng” (Quảng Nam qua các thời đại, Cổ học Tùng thư, 1974). Hay năm 774, “người Java và Mã-Lai vào cướp phá và tiêu hủy ngôi đền cổ Pô Nagar tại Nha-trang. Năm 878, người Java và Mã-Lai lại vào cướp phá và tiêu hủy ngôi đền Bhadrâdhipâticvara ở phía tây thành Virapura gần Phan-rang ngày nay” (Việt sử xứ Đàng Trong - Phan Khoang).
Trước những vấn đề còn tranh cãi về nguồn gốc hình thành và tên gọi vương quốc Champa, nhà nghiên cứu Đổng Thành Danh (Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận) cho rằng, “khái niệm Champa cần phải được định nghĩa lại, vị trí của nó trong bối cảnh quá khứ, trong diễn trình lịch sử cũng nên cần được định vị lại. Để làm được điều đó ta không nên chỉ dựa vào sử liệu Trung Hoa, không nên chỉ dựa vào các lý thuyết hàn lâm mang tính giả định, mà nên dựa vào các cứ liệu có tính kiểm chứng (như khảo cổ học) và các sử liệu mang tính tự sự (bia ký) (Khởi nguồn của Champa: Một tiếp cận dựa trên sử liệu phi truyền thống, 2020).
Việc định nghĩa, định vị lại vương quốc Champa chính là nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, bài bản, thống nhất về một vương quốc cổ có nền văn hóa, văn minh rực rỡ. Đây là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc, dày công của các nhà nghiên cứu; từ đó góp phần tích cực vào xây dựng một nước Việt Nam thống nhất, độc lập trên cơ sở tôn trọng sự đa dạng của lịch sử, văn hóa...
https://baodanang.vn/channel/5433/202110/ve-quoc-hieu-cua-vuong-quoc-champa-3893341/
Theo ANH QUÂN (baodanang)