Về Sa Huỳnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm 80 của thế kỷ trước, thời còn tỉnh Nghĩa Bình (nay là 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định), chúng tôi thường nghe câu hát: “Em đưa anh đi về thăm Sa Huỳnh/Muối Sa Huỳnh mặn mà thân thiết/Như những tấm lòng hiền hậu thủy chung/Bao năm qua vẫn trọn nghĩa tình...”. Câu hát như cuốn hút, quyến rũ ta một lần đặt chân đến vùng biển tuyệt đẹp của Sa Huỳnh.
Sa Huỳnh có bãi biển cong hình lưỡi liềm, uốn cong theo quốc lộ 1A, nằm phía Nam tỉnh Quảng Ngãi, giáp với tỉnh Bình Định. Người dân nơi đây có niềm tự hào về cánh đồng muối lớn nhất nhì miền Trung, bãi biển đẹp mê hồn và một nền văn hóa cổ xưa hơn 5.000 năm.
Một góc bãi biển Chu Me, Sa Huỳnh. Ảnh: T.Đ
Hàng năm, cánh đồng muối lớn và ngon nổi tiếng của Sa Huỳnh cung cấp cho thị trường hơn 10.000 tấn muối hạt. Vào mùa thu hoạch, muối trắng như bông trải một lớp thảm trên cánh đồng bạt ngàn chạy dọc theo bãi biển vàng, tạo ra một không gian mê hoặc. Có người lý giải rằng, Sa Huỳnh trước kia có tên là Sa Hoàng, có nghĩa là bãi cát vàng. Đúng như thế. Cát bãi biển Sa Huỳnh ngả màu vàng óng ả, không trắng như những nơi khác, có lẽ nó pha màu để không nhầm với màu của muối. Cũng có người cho rằng, Sa Hoàng có nghĩa là bãi cát đẹp nhất, tức “vua” của các bãi biển. Sau này, vì trùng với tên chúa Nguyễn Hoàng nên người dân đã gọi chệch đi thành Sa Huỳnh.
Thiên nhiên đã dành cho Sa Huỳnh một đặc ân, đó là nước biển xanh ngắt. Có lẽ, màu xanh ấy được tạo ra từ độ sâu của nước và màu xanh của dãy núi uốn lượn theo bãi. Trước kia, khi đến thăm nơi này, thi sĩ Xuân Diệu đã ngỡ ngàng trước sự ngưng đọng của màu sắc: “Hỏi mình biển đẹp vô ngần/Sóng xanh như đến dừng chân Sa Huỳnh”. Biển Sa Huỳnh nước sâu nhưng khi vào gần đến bờ thì nông dần tạo thành bờ biển thoai thoải. Sóng bạc đầu ngoài xa xếp từng lớp vỗ vào bãi cát vàng. Trong cuốn nhật ký của mình, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm từng viết: “Khi nhìn về dãy núi phương Nam, sóng biển Sa Huỳnh vẫn mặn nhớ thương”. Ba chữ “mặn nhớ thương” cho thấy, Đặng Thùy Trâm đã thấu được lời tự tình của bãi Sa Huỳnh này.
Do sở hữu những bãi biển đẹp nên ngành Du lịch ở đây rất phát triển. Những khách sạn, resort mọc lên ngay mép sóng. Đêm nằm nghe tiếng sóng vỗ rất gần, cứ ngỡ mình nằm trên sóng. Du khách về đây mới thỏa chí với biển, vừa ngắm bãi biển đẹp vừa được thưởng thức hải sản tươi ngon từ những “tấm lòng hiền hậu thủy chung”. Hải sản ở đây đa dạng, có cả hải sản nước mặn lẫn nước lợ. Nhiều du khách ăn xong tính tiền bất ngờ thốt lên: sao rẻ vậy, có tính tiền nhầm không? Chị chủ quán cười tươi tỏa một niềm hân hoan bằng chất giọng Quảng Ngãi rất dễ thương: “Không có đâu, tính vậy là mắc rồi đó!”.
Đến Sa Huỳnh, du khách còn được đắm chìm trong trầm tích của văn hóa Sa Huỳnh phát tích từ hàng ngàn năm trước. Năm 1909, các nhà khảo cổ Pháp đã phát hiện ở Sa Huỳnh hàng trăm ngôi mộ chum. Từ những ngôi mộ chum này, người ta tìm thấy dấu vết của một nền văn hóa cổ xưa trải dài từ đèo Ngang đến Nam bộ và Tây Nguyên. Các tộc người tiền sử đã xuất hiện tại đây từ hậu thời đại đồ đá đến đầu thời đại đồ sắt. Qua hơn 5.000 năm, những khai quật đã cho thấy một nền văn minh cổ xưa của người Sa Huỳnh cùng những mỹ cảm tuyệt vời thể hiện ở hình dáng thanh nhã, hoa văn tinh tế trên đồ gốm.
Cứ vậy, những thắng cảnh và trầm tích văn hóa đã hun đúc cho nơi đây một vị “mặn nhớ thương, bao năm qua vẫn trọn nghĩa tình” làm bao người mê mẩn.
 TRƯỜNG ĐĂNG

Có thể bạn quan tâm