Phóng sự - Ký sự

Về Tân An - 'Mù lử gia tuờ'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tân An, không phải thôn của người Kinh. Khi đặt tên, người ta mong muốn có một nơi mới bình an cho đồng bào. Năm 1982, người Mông từ huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng sơ tán về xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Năm đó, chiến tranh biên giới phía Bắc đang diễn ra ác liệt.

Câu nói của bí thư chi bộ, trưởng thôn Lý Văn Súa, nói khi chia tay chúng tôi, “Mù lử gia tuờ” mà tôi cảm thấy thật ấn tượng, sâu nặng, có nghĩa là “đi rồi nhớ trở lại”.

Từ thành phố Tuyên Quang về thôn không xa, chỉ gần một tiếng đồng hồ đi xe máy. Tân An là bản cửa ngõ phía bắc của xã Đông Thọ. Về đây, chúng tôi được đi trong màu xanh của vườn mía, rừng keo. Màu xanh của rau màu vụ đông như tấm thảm đa sắc màu của đồng đất, nương bãi. Su hào, cải bắp, bí xanh, đỗ đũa mươn mướt cánh đồng vụ đông xuân. Màu xanh ấy đã mọc lên từ gian khó nhọc nhằn của đồng bào Mông. Để có được màu no ấm ấy, biết bao công sức của bà con, trong đó, không thể không kể đến vai trò của Bí thư chi bộ, trưởng thôn Lý Văn Súa.

Anh Lý Văn Súa triển khai mô hình nuôi gà lai chọi, gà xương đen bản địa cho bà con trong thôn.

Anh Lý Văn Súa triển khai mô hình nuôi gà lai chọi, gà xương đen bản địa cho bà con trong thôn.

Năm 1982, chiến tranh biên giới phía Bắc đang nóng bỏng. Dọc dải biên cương huyện Hà Quảng, Cao Bằng chiến sự xảy ra ác liệt. Nhiều gia đình người Mông ở đây, và gia đình Súa phải đi sơ tán. Bố mẹ Súa đem một đàn con, 8 người về định cư ở Tân An. Súa là con thứ tư, lúc đó mới 11 tuổi. Về nơi ở mới, bố mẹ Súa lại có thêm một em bé nữa là 9.

Cậu bé Súa ấy lớn lên, tiếp tục đi học phổ thông trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, nghèo túng. Đất đồi núi ở đây yên bình, dù bao la, thừa thãi, nhưng không nuôi nổi hơn trăm hộ dân, chân ướt, chân ráo từ vùng chiến sự về. Bông lúa lép, hạt ngô sâu, không làm cho người Mông ấm bụng. Hết lớp 7 phổ thông, Súa phải nghỉ học lo kiếm sống, phụ giúp bố mẹ. Súa lên rừng kiếm củi, ra ruộng trồng ngô. Mang sức trai, khai phá đồi hoang, mua thêm đất núi do dân cũ khai phá để trồng rừng.

Khi sức vóc vạm vỡ, chàng trai chân đất ấy đạp băng đá sắc, gai cào ươm gieo từng mầm keo cho xanh lại núi rừng. Hết việc nhà, anh Súa đi làm thuê, chặt đốn, khai thác gỗ. Anh học làm kinh tế đồi rừng theo người Kinh ở quanh vùng. Tìm việc để làm ra tiền, ra gạo, hướng dẫn trai, gái bản cùng làm. Người Mông ở Tân An suốt ngày trên nương, dưới ruộng, chỉ lo làm ăn, làm mặc mà chẳng giàu lên được. Họ bắt đầu tin và học theo cách làm của chàng trai trẻ. Vừa cần cù, chịu khó, anh Súa còn biết thương đồng bào mình, bảo ban hướng dẫn đến nơi đến chốn. Một người trẻ, yêu lao động, lại biết thương yêu đùm bọc bà con, anh là tấm gương sáng cho bà con noi theo. Hai mươi tuổi anh Súa lấy vợ là chị Lầu Thi Mỵ, người cùng bản. Hai người cùng tuổi, càng hợp nhau. Anh tâm sự: vợ nó chịu khó làm nương rẫy, nên nhà chẳng bao giờ thiếu ngô, thóc.

Đồi keo của bà con người Mông ở thôn Tân An.

Đồi keo của bà con người Mông ở thôn Tân An.

Năm 1998, anh Súa được kết nạp Đảng. Nhận nhiệm vụ trọng trách và vinh dự ấy, chàng trai Mông càng quyết tâm đem tuổi trẻ phục vụ quê hương. Một năm sau đó, anh được chi bộ giao nhiệm vụ Bí thư chi bộ và bà con trong bản bầu làm trưởng thôn. Vừa bỡ ngỡ, vừa loay hoay với công việc mới.

Giữa một vùng rừng núi hoang sơ, đường giao thông khó khăn, trình độ văn hóa của bà con còn thấp, biết làm gì để bà con phát triển kinh tế? Quá nửa số hộ trong thôn thuộc diện nghèo. Một số hủ tục lạc hậu từ bao đời còn đeo đẳng. Trong khi đó, có tà đạo ngấm ngầm, luồn lách tìm đến lừa phỉnh, ru ngủ những người dân lạc hậu. Luồng tư tưởng đó đã tác động, làm một bộ phận đồng bào thờ ơ với các phong trào chung, ngoảnh mặt lại các chính sách, dự án phát triển kinh tế ở địa phương.

Chăm sóc mía.

Chăm sóc mía.

Bí thư Chi bộ, trưởng thôn đến từng nhà giải thích, vận động bà con. Nói đúng, hợp lòng người thì ai cũng nghe. Rồi anh trực tiếp cùng bà con lên nương, ra ruộng, chỉ bảo từng việc cụ thể. Anh Súa thăm hỏi, dành ưu tiên những ưu đãi của Nhà nước cho gia đình khó khăn hơn trước. Bao giờ anh cũng nhận về mình phần thiệt thòi hơn. Anh cùng người có uy tín, chi hội phụ nữ trong thôn đến nhà nhắc nhở, khuyên răn người đi theo tà đạo, bỏ bê việc trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Một lần, hai lần, rồi ba lần… Mưa dầm thấm lâu, nhiều người đã nghe theo Bí thư chi bộ trẻ.

Hai vợ chồng anh Súa chỉ sinh ba con thôi. Nhưng có nỗi đau lắm. Năm 2014, con trai sang Thái Nguyên chơi, rồi bị đuối nước, bỏ gia đình đi… Anh buồn nhiều quá rồi. 9 năm nay, chưa nguôi nỗi đau ấy. Giờ còn hai đứa con, một gái, một trai, chúng đã có tổ ấm. Vợ chồng anh Súa ở cùng con trai cả. Đến giờ, anh đã thành ông nội, ông ngoại của 5 đứa cháu.

Năm 2000, cả bố và mẹ anh rủ nhau về Trời, đó là nỗi đau lớn nhất của anh. Ba chị gái lấy chồng tận Cao Bằng, mọi gánh vác cho đàn em anh phải thay cha mẹ đảm nhiệm. Mỗi người một phận riêng, với anh, chăm sóc cho các em là nhiệm vụ của mình. Việc nhà, việc thôn phải gồng mình xoay xở lo trọn. Có người vợ chăm chỉ, anh Súa lại được các con ngoan; dâu, rể hiếu thảo, đó là chỗ dựa vững bền cho anh tham gia công tác xã hội.

Làm Bí thư, Trưởng thôn, phải được lòng dân, phải biết vì lợi ích của đồng bào mình. Anh mang tiếng nói của người Mông lên xã, lên huyện, đề đạt nguyện vọng chính đáng. Không hỗ trợ cho người nghèo bằng tiền mặt mà thay bằng hạt giống, cây củ quả, con giống, trâu bò dê gà… Thế là nhà nọ nhà kia đua nhau chăn nuôi, trồng cấy. Có thành quả, họ tấm tắc khen, anh Bí thư giỏi đấy.

Chúng tôi vào nhà ông Ngô Văn Páo, 52 tuổi. Đã có thời gian ông Páo chẳng muốn chăn nuôi, bỏ hoang đất nương, ruộng. Nghe lời khuyên của già bản, của trưởng thôn, gia đình ông Páo đầu tư nuôi 4 con trâu nhốt chuồng. Vợ và con dâu ông đi cắt cỏ, chặt lá chuối cho trâu ăn. Con trâu nào cũng béo núc ních. Vừa có phân chuồng bón ruộng, vừa không mất công đi chăn thả. Hiện nay giá bán thấp nên gia đình chưa xuất bán. Trưa muộn, hai bố con ông Páo đi khai thác gỗ keo thuê mới về. Mỗi ngày hai người kiếm từ 700 đến 800 ngàn đồng. Về nhà còn tranh thủ đèo củi, xếp chất đống sau bếp.

Người trồng keo và mía ở Tuyên Quang năm nay có tin vui. Giá bán cao hơn năm trước. 70 ha keo và 26 ha mía của đồng bào Tân An sẽ được giá bán. Chưa bao giờ giá mía cây lại được Nhà máy đường Sơn Dương mua với giá một nghìn ba trăm đồng một kg. Rau màu vụ đông cũng bắt đầu cho thu hoạch. Nhìn ánh mắt nụ cười của bà con chúng tôi gặp trên đường, ngoài đồi keo, nương mía, biết làng bản đang vui lắm.

Kiểm tra mô hình trồng bí.

Kiểm tra mô hình trồng bí.

Người Tân An hay nói đùa, bản mình cũng có “siêu thị” đấy. Đó là cửa hàng bán tạp hóa của bà Lý Thị Mai, năm nay 48 tuổi rồi. Quán bà Mai ở giữa thôn, thứ gì cũng có, phục vụ bà con ngay tại nhà, từ mắm muối đến bánh kẹo, rượu bia. Mấy thanh niên đi đốn keo về, tạt vào quán, làm cốc bia cho mát. Đi làm thì đơn giản, còn đi chơi, người Tân An mặc đẹp lắm. Con gái Mông ở Tân An xinh và chăm chỉ, cô nào cũng có điện thoại thông minh. Ra đường, váy áo xúng xính, son phấn đẹp nữa. Khách đến, ai cũng muốn được ngắm thật lâu.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa người Mông, thôn xây dựng một đội văn nghệ gồm 25 người. Họ được tập hát, múa dân ca, dân vũ Mông, điệu múa sênh tiền và những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ và quê hương đất nước. Đặc biệt, thôn có hai nghệ nhân thổi khèn là Ngô Văn Sính và Lý Văn Páo. Mỗi khi xã có hội nghị, giao lưu, hay những ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc, đội văn nghệ thôn lại được dịp biểu diễn.

Tân An đang xây nhà sinh hoạt cộng đồng. Một khu đất rộng rãi ở trung tâm thôn. Căn nhà xây đẹp, rộng thoáng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Chúng tôi gặp đồng chí chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Thọ, Âu Văn Tá, đang đi kiểm tra tiến độ xây dựng. Hỏi ra mới biết, để có đất cho thôn làm nhà văn hóa, sân thể thao, vợ chồng trưởng thôn Súa đã hiến cho tập thể gần ngàn mét vuông đất. Khu sân thể thao còn đang ngổn ngang, cỏ hoa dại mọc. Năm tới công trình này mới được thực hiện.

Những đóng góp của Bí thư, Trưởng thôn Lý Văn Súa được bà con trong thôn và lãnh đạo xã biết. Đó là tấm lòng yên dân, gần gũi với đồng bào. Đó là trách nhiệm của người đảng viên trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế. Năm 2023, Tân An đã giảm được 38 hộ nghèo. Số còn lại sẽ giải quyết trong năm tới. Bí thư Lý Văn Súa, một người Mông, luôn nêu gương sáng trong học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ.

Tháng bảy năm ngoái, anh Súa là một trong năm người tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang, được dự hội nghị biểu dương Điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2018-2023 ở Sơn La. Tại hội nghị, anh được Bộ Công an tặng Bằng khen. Anh Súa vui lắm, được gặp đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng. Cũng trong năm nay, hai lần anh Súa được đi học tập kinh nghiệm trong công tác xây dựng xã điển hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, và được vào thăm lăng viếng Bác Hồ.

“Mù lử gia tuờ - đi rồi nhớ trở lại”. Câu nói của Bí thư, trưởng thôn trước khi chia tay, như lời mời chân tình của người Mông Tân An. Bàn tay anh chắc nịch, nắm chặt. Tôi như đang cầm một viên gạch mới nung, còn ấm lửa tình người. Một gương mặt sạm sương gió mà thân mật, hiền lành. Một người đảng viên nhiều nghị lực và tâm huyết với đồng bào mình. Tôi hứa sẽ trở lại nơi đây để thấy những niềm vui của người Tân An trên quê mới bình an.

Có thể bạn quan tâm