Về tên gọi quảng trường Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chị Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch gọi điện mời tôi tham gia vào việc đặt tên quảng trường. Sau đó đích thân Giám đốc Sở gặp trực tiếp, đặt viết tham luận để đọc trong hội thảo đặt tên sẽ được tổ chức trong nay mai. Tôi có trao đổi với một vài đồng nghiệp, ai cũng cảm động vì giới trí thức, những người làm văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí được tham gia vinh dự lắm. Và vì thế tôi lục tìm lại thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số họp tại Pleiku năm 1946, đọc rồi nghiền ngẫm, cũng nảy ra một số ý để góp bàn về tên gọi quảng trường của tỉnh ta.
Quảng trường lâu nay tạm đặt là 17-3, nghe cũng tạm ổn nếu nó chỉ như hiện nay. Nhưng sắp tới  sẽ có một tượng đài Bác Hồ rất lớn ở phía đối diện và quảng trường cũng sẽ mở rộng nên cái tên này không còn phù hợp. Và thực ra trong đặt tên, bất đắc dĩ mới phải dùng con số ngày tháng, vì thế việc có người đề nghị lấy ngày Bác Hồ gửi thư là 19-4 thì nó cũng rất khu biệt, sẽ phải có thêm một tấm bảng để giới thiệu ngày 19-4 là ngày gì?
Theo tôi, tên quảng trường phải đạt được các tiêu chí: Phổ quát, dễ hiểu, dễ nhớ, bao hàm được các yếu tố nội dung và mang bản sắc địa phương… Xét từ các yếu tố ấy, tôi thấy nổi lên hai cái tên là Đại đoàn kết và Hồ Chí Minh. Tên Đại đoàn kết chỉ có một băn khoăn là hơi cường điệu dù ai cũng thấy sự đại đoàn kết là vô cùng quan trọng và là câu bất hủ của Bác Hồ. Tuy thế khi đặt cho quảng trường nó vẫn cứ có cảm giác hình thức, nghe như… khẩu hiệu, và nó cũng không đủ nghiêm để ngăn chặn được những hình ảnh phản cảm, vô ý thức của người dân đã và sẽ xảy ra…
Vậy chỉ còn tên Quảng trường Hồ Chí Minh, nếu cần thì thêm chữ Gia Lai phía sau. Thứ nhất, tên gọi này phù hợp với tượng Bác uy nghi phía trên quảng trường, thứ 2 bản thân ba từ Hồ Chí Minh rất sang và đẹp, vừa gần gũi thân thiện nhưng lại cũng rất uy nghiêm. Và về ý nghĩa chính trị thì rõ ràng không cái tên nào đạt tới. Và với cái tên ấy, sự kiêu hãnh sẽ tăng thêm rất nhiều khi mỗi công dân bước vào quảng trường. Bên cạnh sự thư giãn là lòng thành kính, là thái độ của chúng ta với Bác Hồ, một thái độ tôn nghiêm và trang trọng, để mỗi người khi bước vào quảng trường là như một hành vi văn hóa, hướng thiện và thành tâm...
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm