Về tên gọi quảng trường Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quảng trường là biểu trưng của một thành phố, một tỉnh, một địa danh quen thuộc và là niềm tự hào của cư dân. Quảng trường Gia Lai hiện nay là một quảng trường đẹp, có kích thước và quy mô lớn tương xứng với một thành phố trẻ đang phát triển như Pleiku. Đặt tên quảng trường phù hợp sẽ là nhân tố kích thích tinh thần to lớn cho mọi người, niềm tự hào cho nhiều thế hệ.
Hiện nay, Gia Lai có vinh dự lớn được Bộ Chính trị đồng ý được thay mặt các tỉnh Tây Nguyên đặt tượng đài Hồ Chí Minh. Pleiku là thành phố được chọn là nơi đặt tượng Bác. Vì vậy, tất yếu Quảng trường 17-3 hiện nay phải được đặt lại tên mới vì lẽ: Tên quảng trường phải tương xứng với tượng đài mang tên vị Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam.
Bên cạnh đó, tượng đài của Bác là niềm tự hào của cả Tây Nguyên không phải chỉ là của riêng cho Pleiku và tỉnh Gia Lai. Vì vậy phải nâng tầm nhìn rộng lớn, mới hơn, để lựa chọn tên quảng trường, để tên quảng trường là niềm tự hào chung của cả Tây Nguyên. Hơn nữa, tên quảng trường phải gắn với lịch sử của vùng đó hoặc gắn với những giá trị về chính trị, tư tưởng, văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặt khác, tên quảng trường phải gọn về âm từ, mạnh mẽ dễ đọc, dễ nghe, dễ nhớ đến lịch sử và giá trị tinh thần và văn hóa.
Xét trên các yếu tố đó, tôi thấy nên đặt tên quảng trường là Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Nguyễn Tất Thành là tên gọi thời trẻ của Bác, các tỉnh thành chưa ai đặt tên này cho quảng trường.
Đặt tên Quảng trường Nguyễn Tất Thành mọi người dễ nhớ vì cả cụm di tích đều có những di tích tiếp nối; Bảo tàng Hồ Chí Minh- Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum; bia ghi thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946. Về tình cảm, Quảng trường Nguyễn Tất Thành cũng đáp ứng mọi tình cảm của Pleiku- Gia Lai và của cả Tây Nguyên, cả người già, người trẻ, mọi thành phần, tôn giáo, dân tộc, cán bộ và chiến sĩ.
Tôi cũng nêu thêm một phương án nữa, có thể đặt tên là Quảng trường Đại đoàn kết. Đại đoàn kết là tư tưởng, hành động của Bác, là sức mạnh của cả dân tộc. Gia Lai và Pleiku là nơi có nhiều dân tộc đang sinh sống, Tây Nguyên cũng thế. Vì vậy, đại đoàn kết là tư tưởng và phương châm hành động của các Đảng bộ và các dân tộc Tây Nguyên. Đại đoàn kết cũng phù hợp với mọi người, mọi nhà, mọi gia đình trong quá trình tiến lên văn minh hiện đại, nhưng giữ gìn bản sắc dân tộc. Đại đoàn kết bất cứ trong thời điểm nào, hoàn cảnh nào sử dụng đều đúng, là biểu trưng cho mối quan hệ gắn kết giữa các dân tộc.
Tô Tử Đông

Có thể bạn quan tâm