Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

"Vết chân tròn trên cát": Dung dị và cảm động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi không nhớ mình đã được nghe bài hát “Vết chân tròn trên cát” của nhạc sĩ Trần Tiến khi nào, chỉ biết rằng nhiều chục năm qua ca khúc ấy luôn gợi cho tôi nhiều cảm xúc, nghĩ suy về người lính.
Trước hết, đó là một bài hát rất dung dị. Đoạn mở đầu chính là lời kể một câu chuyện, giống như rất nhiều câu chuyện khác trên đất nước Việt Nam vừa mới đi qua chiến tranh. Rằng ở một miền quê nọ, có anh thương binh hàng ngày chống nạng đến trường “dạy các em thơ bài hát quê hương”: “Vết chân tròn vẫn đi về/Trên con đường mòn cát trắng quê tôi/Anh thương binh vẫn đến trường làng/Vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương”.
Người lính trở về từ chiến trường không còn lành lặn ấy đã dạy các em những gì nơi mái trường làng ấy? Tiếp tục mạch cảm xúc dung dị, nhạc sĩ từng mang quân phục xanh Trần Tiến viết: “Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời/Bài hát có đồng lúa mênh mang câu hò/Bài hát có người lính đã hy sinh âm thầm/Cho hôm nay những gót chân son vui quanh dấu chân tròn/Bài hát có trận đấu không quên bên đồi/Bài hát có người lính biên cương thương mẹ/Bài hát có ngọn gió cuốn bay theo dấu chân tròn/Để lại một bài ca trên cát trắng bao la”.
Không có từ ngữ khó hiểu. Ngoại trừ một vài chi tiết ít nhiều mang tính khái quát và biểu tượng như “bài hát có ngọn gió cuốn bay theo dấu chân tròn” hoặc “bài ca trên cát trắng bao la”, cả đoạn thơ bao chứa những hình ảnh gần gũi với mọi người dân Việt. Đó là miền đất mà ai cũng có thể nhận là quê hương của mình; ở đó có ngọn núi, đồng lúa, câu hò... Người lính đã ra đi từ vùng đất nhiều kỷ niệm thân thương ấy và đã âm thầm hy sinh. Hy sinh có thể được hiểu là hiến dâng tuổi trẻ cho sự nghiệp chung, để lại một phần xương thịt nơi chiến trường nhưng cũng có thể là sự ra đi mãi mãi. Trong hoàn cảnh chiến tranh ấy, tình cảm sâu lắng của người lính vẫn hướng về với mẹ. Hình ảnh “bài hát có người lính biên cương thương mẹ” xới lên trong lòng độc giả nhiều nỗi suy tư về một thời trận mạc của dân tộc ta.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Sự hy sinh của người lính không vô nghĩa, bởi đó là tiền đề để: “hôm nay những gót chân son vui quanh dấu chân tròn”. Một sự nâng đỡ, tiếp nối ấm áp giữa các thế hệ. Đó cũng chính là ước mơ của mỗi người dân Việt Nam: Tan giặc, trở về quê. Tất nhiên, mất mát của người lính trong chiến tranh là không thể đo đếm. Một phần những hy sinh ấy được hóa thân vào lời hát ngợi ca, thành sự biết ơn của những người được sống trong hòa bình. Đặt trong đoạn thơ, hình ảnh “bài ca trên cát trắng bao la” có thể xem như một sự tri ân mang tính vĩnh cửu đối với sự cống hiến của những người lính.
Đoạn kết bài hát khép lại câu chuyện dung dị mà cảm động. Ở đó, người lính với vết chân tròn tiếp tục công việc hàng ngày của mình cùng thế hệ trẻ. Người thầy giáo thương binh tiếp tục truyền lửa cho các em-những người sẽ nối bước cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vẻ đẹp của người lính trong khổ thơ cuối bài cũng chính là lời nhắc nhở những người đang sống trong hòa bình về trách nhiệm của mình: “Vết chân tròn vẫn đi về/Trên con đường mòn cát trắng quê tôi/Như bài ca anh viết trong thầm lặng/Trên bờ cát không lời cứ hát mãi trong tôi/Hát mãi trong tôi ôi bài ca cuộc đời/Cháy mãi trong tôi, đốt mãi trong tôi”.
“Vết chân tròn trên cát” là bài hát được nhiều người yêu thích, không chỉ vì được lan tỏa qua giai điệu thiết tha mà còn bởi được chắp cánh trên một bài thơ dung dị nhưng dễ lay động lòng người. Cảm ơn nhạc sĩ Trần Tiến đã có tác phẩm đẹp để tri ân những người lính, sáng ngời đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
QUANG TUỆ
 

Có thể bạn quan tâm