Phóng sự - Ký sự

Vì bình yên buôn làng - Kỳ 3: Tạo chuyển biến toàn diện vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đi đôi với công tác tuyên truyền, vận động, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến đời sống người dân vùng khó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Bố trí đất ở, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ di dời nhà đến nơi ở mới, xóa đói giảm nghèo... là những chủ trương lớn đã và đang triển khai, giúp người dân an cư lạc nghiệp.

Từ những vấn đề cấp bách

Sau nhiều năm thấp thỏm trong nỗi lo ngập lụt, chạy lũ mỗi khi mùa mưa đến thì nay dân làng Kon Bông (xã Đak Rong, huyện Kbang) đã được di dời đến nơi ở mới, đời sống ổn định. Làng có 140 hộ với hơn 500 khẩu, 99% dân số là người Bahnar. Trước đó, 73 hộ dân sinh sống dọc con suối sông Ba thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi mùa mưa đến. Từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương hơn 20,4 tỷ đồng, huyện Kbang đã đầu tư xây dựng đường giao thông, san ủi mặt bằng để di dời nhà từ nơi ở cũ lên vị trí quy hoạch làng mới; đồng thời, đầu tư hệ thống cấp nước, điện sinh hoạt, xây dựng nhà rông...

Khu dân cư được bố trí tại khu đất rộng gần 5 ha, không xa làng cũ. Nhìn từ xa, ngôi làng mới nằm trên quả đồi, bao quanh là rừng già, đẹp như tranh vẽ. Những ngôi nhà sàn bố trí ngay hàng, ôm ấp quanh hai bên sườn đồi. Chính giữa là đường bê tông thẳng tắp dẫn đến ngôi nhà rông sừng sững nằm ở nơi cao và thoáng đãng nhất.

Dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai tại làng Kon Bông (xã Đak Rong, huyện Kbang) đã hỗ trợ đất ở, giúp hàng chục hộ dân thoát cảnh sống trong ngập lụt. Ảnh: Minh Triều

Ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện-nhấn mạnh: “Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các ban ngành phối hợp cùng với xã triển khai mở rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị hiệu quả, phù hợp với địa phương như: trồng sa nhân tím dưới tán rừng, trồng cây dược liệu, thâm canh lúa nước, trồng mì cao sản, đậu cô ve, thực hiện mô hình trồng mắc ca xen cà phê chè. Cùng với đó, mở rộng mô hình nuôi heo đen thịt, nuôi bò, cộng đồng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng hưởng lợi từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để giúp người dân ổn định cuộc sống nơi làng mới”.

Buôn H'Lang (xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) có gần 400 hộ dân, hầu hết là đồng bào Jrai. Mỗi khi đến mùa mưa, hơn 100 hộ dân có nhà ở sát bờ sông Ba thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở, cần di dời, bố trí nơi ở mới. Năm 2021, huyện Krông Pa triển khai Dự án sắp xếp, ổn định dân cư buôn H'Lang về nơi ở mới tại buôn Du (cách đó hơn 1 km). Khu tái định cư nằm gần quốc lộ 25, tổng diện tích gần 4,5 ha, bình quân mỗi hộ được cấp hơn 400 m2 đất ở và đất vườn. Tại đây, hạ tầng cơ sở được đầu tư hoàn chỉnh, hệ thống giao thông, thoát nước, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt đều đầy đủ.

Về nơi ở mới, anh Rah Lan Ước vô cùng mừng rỡ. Trước đó, căn nhà của gia đình anh nằm cạnh bờ sông Ba nên mỗi lần nước lên là cả nhà đứng ngồi không yên vì sợ sạt lở. Nơi ở cũ bị dòng sông xâm thực đến tận vườn, mỗi năm lại lấn sâu vào nhiều hơn. “Bà con ở đây rất sợ bởi tình trạng sạt lở đất. Được Đảng, Nhà nước bố trí di dời về nơi ở mới cách xa bờ sông Ba, chúng tôi vô cùng phấn khởi, không còn nơm nớp lo khi mùa mưa bão đến”-anh Ước vui vẻ nói.

Gần đây, Dự án di dời 62 hộ dân sống ở các sườn dốc, ven chân núi và những hộ dân khó khăn về đất ở tại buôn Ma Giai (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) cũng được triển khai. Khu tái định cư rộng gần 5 ha đang được đầu tư đồng bộ các hạng mục: hệ thống đường nội bộ và đường kết nối; mặt bằng khu dân cư (4,5 ha, dự kiến bố trí mỗi hộ 400 m2 đất ở); hệ thống nước sinh hoạt, điện chiếu sáng.

Theo ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa: “Khi cơ sở hạ tầng khu tái định cư hoàn chỉnh, huyện sẽ triển khai phương án di dời và tích cực hỗ trợ người dân. Đây là điều kiện giúp người dân ổn định nơi ở để chuyên tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”.

Tháng 4-2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 223/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư Dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai Suối Cạn (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) và Nghị quyết số 224/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư Dự án bố trí dân di cư tại thôn Đoàn Kết (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông) với tổng mức đầu tư là 55 tỷ đồng.

Theo ông Kpă Đô-Trưởng ban Dân tộc tỉnh, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS khó khăn với kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng. Trong đó, 213 tỷ đồng phục vụ hỗ trợ đất ở, 607 tỷ đồng hỗ trợ đất sản xuất và nước sinh hoạt. Qua rà soát nhu cầu, toàn tỉnh có 2.545 hộ cần hỗ trợ đất ở và 2.196 hộ cần hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất trong giai đoạn này.

“Cùng với việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho bà con, Ban Dân tộc tỉnh và các địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS phát huy nội lực để tự vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước; đồng thời, tăng cường công tác quản lý đất đai, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng sang nhượng và cho thuê đất sản xuất trái phép”-Trưởng ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh.

Đến chuyển biến căn bản từ làng

Cuối năm 2022, gia đình chị Rơ Lan Liên (làng Kép, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) là một trong những hộ nghèo khó khăn về nhà ở được UBND thị trấn Ia Kha lựa chọn hỗ trợ vốn để xây dựng nhà ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với số tiền hỗ trợ 44 triệu đồng, gia đình chị vay thêm 40 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện và khoản tiền tích góp để hoàn thiện ngôi nhà cấp 4 kiên cố có diện tích gần 50 m2, chi phí xây dựng hơn 110 triệu đồng.

Tương tự, gia đình anh Đinh Puốc (thôn 2, xã Đông, huyện Kbang) là 1 trong 3 hộ Bahnar khó khăn về nhà ở được lựa chọn hỗ trợ vốn để xây dựng nhà. Anh cho biết: “Nhiều năm nay, gia đình tôi sống trong căn nhà sàn dột nát, chưa đầy 10 m2. Hiện ngôi nhà mới đang trong giai đoạn hoàn thiện. Khi có nơi ở ổn định, vợ chồng tôi yên tâm sản xuất, cố gắng vươn lên thoát nghèo, chăm lo nuôi dạy con cái”.

Gia đình anh Đinh Puốc (thôn 2, xã Đông) được hỗ trợ vốn để xây nhà từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi. Ảnh: Minh Nguyễn

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang, năm 2022, huyện được giao hơn 83,8 tỷ đồng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới (NTM); phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. “Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo, huyện còn chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo”-ông Sơn cho hay.

Giai đoạn 2018-2022, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách nhằm hỗ trợ giảm nghèo bền vững trong đồng bào DTTS. Đơn cử là Chương trình 30a và Chương trình 135 đã xây dựng, đưa vào sử dụng hơn 1.000 công trình, duy tu bảo dưỡng 241 công trình; hỗ trợ cây-con giống và phân bón các loại... với tổng kinh phí hơn 917 tỷ đồng. Hỗ trợ đào tạo nghề cho 48.937 lao động, trong đó có 10.548 lao động DTTS; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 255.800 người nghèo, 174.004 người cận nghèo, 2.206.204 lượt người DTTS...

Đặc biệt, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý và từ phong tục tập quán cũng như yêu cầu về xây dựng NTM theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2018-2022, người dân đã tham gia đóng góp trên 154 tỷ đồng, hiến 400.830 m2 đất và 96.411 ngày công để chung sức xây dựng làng NTM. Đến nay, toàn tỉnh có 110 thôn, làng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM.

Người dân làng Kon Bông (xã Đak Rong, huyện Kbang) phấn khởi hoàn thiện nhà ở tại khu tái định cư. Ảnh: Minh Nguyễn

Ông Xa Văn Quan-Phó Trưởng thôn Cúc (xã Ia O, huyện Ia Grai) nói: “Nhờ có chủ trương xây dựng làng NTM, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong làng đã đổi thay rõ rệt. 82% đường làng đã được nhựa hóa, bê tông hóa thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa. Vệ sinh môi trường được đảm bảo; phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi. Hàng năm, trên 80% hộ dân trong làng đạt danh hiệu gia đình văn hóa”.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên nhấn mạnh: “Nhận thức của người dân đã có nhiều thay đổi tích cực từ trông chờ, ỷ lại sang chủ động, tự tin tham gia xây dựng NTM. Hệ thống hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư góp phần thay đổi bộ mặt của các làng đồng bào DTTS. Sinh hoạt tập quán của người dân trong làng từng bước thay đổi theo hướng văn minh, đặc biệt tập quán chăn nuôi thả rông, nuôi gia súc dưới sàn nhà; môi trường từng bước sáng-xanh-sạch-đẹp; an ninh trật tự được giữ vững, ổn định, các hoạt động văn hóa được duy trì. Các chương trình, mô hình liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp triển khai bước đầu cũng mang lại kết quả. Các ngành, địa phương đã huy động nguồn lực tổng hợp và phát huy sức mạnh nội lực trong Nhân dân để chung sức chung lòng xây dựng làng NTM”.

Chủ trì hội nghị trực tuyến với 5 tỉnh Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: “Đây là 3 chương trình có ý nghĩa rất lớn nhằm chăm lo cho những người yếu thế, đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa để kéo gần sự chênh lệch giữa đô thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Do vậy, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, đồng thời tính toán ưu tiên các chương trình, dự án có tính khả thi cao; chủ động trong công tác phối hợp triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương”.


Có thể bạn quan tâm