Phóng sự - Ký sự

Vì bình yên buôn làng - Kỳ 4: “Gốc có vững, cây mới bền”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là đúc kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử dân tộc. Vận dụng quan điểm đúng đắn của Người, cả hệ thống chính trị tỉnh Gia Lai đã chủ động củng cố “gốc rễ” bằng cách thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, gắn bó với cơ sở để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thắt chặt tình đoàn kết từ cơ sở

Thành phố Pleiku có 37 làng dân tộc thiểu số (DTTS) trong tổng số 175 thôn, làng, tổ dân phố; tỷ lệ hộ DTTS chiếm 13,25%, trong đó phần lớn là người Jrai. Nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Đề án số 01-ĐA/TU ngày 18-1-2013 về công tác kết nghĩa với các làng đồng bào DTTS trên địa bàn. Theo kế hoạch, các cơ quan, ban ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội chú trọng triển khai các chương trình, dự án, mô hình kinh tế và quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội tại cơ sở.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị đã kêu gọi, vận động, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 98 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo; trên 179 triệu đồng mua thẻ bảo hiểm y tế cho người dân; hỗ trợ 51 con bò giống, 114 con heo giống... góp phần vào công tác giảm nghèo. Đến cuối năm 2022, thành phố còn 248 hộ nghèo (chiếm 0,4%), 522 hộ cận nghèo (chiếm 0,84%); trong đó số hộ nghèo DTTS là 157 hộ (chiếm 2,16%), cận nghèo là 243 hộ (chiếm 3,35%).

Hội Liên hiệp phụ nữ và Hội Cựu chiến binh TP. Pleiku thăm hỏi, tặng quà các gia đình khó khăn tại làng Ia Nueng, xã Biển Hồ. Ảnh: Trần Dung

Hội Liên hiệp phụ nữ và Hội Cựu chiến binh TP. Pleiku thăm hỏi, tặng quà các gia đình khó khăn tại làng Ia Nueng, xã Biển Hồ. Ảnh: Trần Dung

Ông Hmết-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Têng 2 (xã Tân Sơn) phấn khởi cho hay: Làng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ 2 đơn vị kết nghĩa là Thành Đoàn Pleiku và Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố. Hàng năm, các đơn vị đều thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ cây-con giống cho hộ khó khăn trong làng; tặng quà Trung thu và tổ chức sân chơi hè cho thiếu nhi... Theo kế hoạch, tới đây, Thành Đoàn Pleiku sẽ khởi công xây dựng nhà “Khăn quàng đỏ” cho gia đình anh Krên. Đây là hộ nghèo, không có đất sản xuất và không có việc làm ổn định.

Đánh giá kết quả sau 10 năm thực hiện Đề án số 01, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Xuân Quang nhấn mạnh: “Công tác kết nghĩa ngày càng đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu trong việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Kết quả này đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào DTTS. Đây là phương thức quan trọng trong công tác vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh”.

Huyện Kông Chro cũng nổi bật với mô hình thôn người Kinh kết nghĩa với làng DTTS. Tại xã Yang Trung, thôn 9 và 10 được phân công kết nghĩa với làng Hle Hlang và Tnang. Ông Phạm Văn Niệm-Trưởng thôn 9-cho hay: Thôn 9 và làng Hle Hlang đã ký bản cam kết thống nhất phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để Hle Hlang trở thành làng nông thôn mới kiểu mẫu.

“Ngoài việc phân công các đoàn thể phụ trách giúp các hộ nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, chúng tôi còn huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên giúp các hộ sửa sang hàng rào và trồng cây ăn quả”-ông Niệm nói.

Còn ông Đinh Bloch-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hle Hlang thì cho hay: “Qua hoạt động kết nghĩa, tình cảm giữa 2 thôn, làng ngày càng gắn bó, nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực giúp người dân phát triển sản xuất, tiết kiệm chi tiêu để xóa đói giảm nghèo”.

Các đơn vị trực thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai hiệu quả mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Ảnh: V.H

Các đơn vị trực thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai hiệu quả mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Ảnh: V.H

Trưởng thôn 9 thông tin thêm: “Là 1 trong 3 đơn vị được huyện phân công kết nghĩa với làng Hle Hlang, chúng tôi giao các đảng viên hướng dẫn hộ nghèo chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi tiêu trong ma chay, cưới hỏi; vận động thanh niên hỗ trợ ngày công làm chuồng nuôi gia súc, nhà tiêu hợp vệ sinh”.

Ông Niệm dẫn chứng: Trước đây, gia đình ông Đinh Hnhoi là hộ nghèo. Không những được đơn vị kết nghĩa hỗ trợ 1 con bò sinh sản, ông Hnhoi còn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc 2 ha bắp, mì. Nhờ đó, gia đình ông cùng 17 hộ trong làng đã vươn lên thoát nghèo. Hiện làng chỉ còn 11 hộ nghèo trong tổng số 171 hộ và đã sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng làng nông thôn mới.

Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Tại làng Kte Lớn A (xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện), ông Đinh Nhiêu là người có công lớn trong việc vận động người dân thay đổi tập quán thả rông, nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ô nhiễm môi trường. Với sự kiên trì vận động của ông Nhiêu, hơn 90% số hộ dân trong làng đã di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc ra khỏi gầm nhà sàn. Mặt khác, ông còn vận động người dân di dời hàng rào, cổng ngõ để mở rộng đường giao thông; vận động bà con đoàn kết, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Ông Nhiêu kể lại một sự vụ khiến ông nhớ mãi: Dân làng trước nay cho rằng, nếu để người chết ở làng khác đi qua làng mình thì sẽ mang lại xui xẻo, bệnh tật. Vì vậy, mới đây, khi một đám tang ở làng lân cận muốn ngang qua làng Kte Lớn A để đến nghĩa địa trong xã thì bà con không cho, bắt phải đi vòng. Nghe chuyện, ông liền nhanh chóng có mặt, vừa thuyết phục người dân, xoa dịu những cái đầu “nóng”, đồng thời khẳng định sẽ đứng ra chịu mọi trách nhiệm nếu xảy ra chuyện xấu. Trước thái độ kiên quyết cùng những lời nói thấu tình đạt lý của ông, bà con đã đồng ý để đám tang đi qua.

Với uy tín của mình, ông Nhiêu cũng thường xuyên phối hợp với đảng ủy viên phụ trách làng và chi bộ cùng các hội, đoàn thể bám nắm địa bàn, quản lý các đối tượng có tư tưởng lệch lạc, dao động, dễ bị kích động, dụ dỗ. Trong những lần tổ chức họp làng, ông thường xuyên nhắc nhở bà con cảnh giác với những lời phỉnh dụ trốn ra nước ngoài hay “không làm cũng có ăn”.

Ông Đinh Nhiêu (bìa trái, người uy tín làng Kte Lớn A, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện) vận động người dân giữ gìn vệ sinh chuồng trại, đảm bảo môi trường sống. Ảnh: Minh Nguyễn

Ông Đinh Nhiêu (bìa trái, người uy tín làng Kte Lớn A, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện) vận động người dân giữ gìn vệ sinh chuồng trại, đảm bảo môi trường sống. Ảnh: Minh Nguyễn

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hồng Duy-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Thiện-nhận định: Đội ngũ già làng, người có uy tín chính là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tích cực phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, tham gia xây dựng nông thôn mới, thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Họ đi đầu tuyên truyền giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn dân cư, giúp người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Đặc biệt, những người có uy tín đã cùng với cấp ủy, chính quyền giải quyết ổn thỏa nhiều vấn đề bức xúc, khiếu nại tranh chấp đất đai, mâu thuẫn nội bộ, không để các phần tử xấu lợi dụng tuyên truyền kích động gây mất trật tự, an ninh tại địa bàn. “Chính vì vậy, những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đánh giá cao và luôn quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo hệ thống chính trị các cấp quan tâm, chăm lo thực hiện chính sách đối với các già làng, trưởng thôn, người có uy tín; tôn vinh, khen thưởng, động viên kịp thời đội ngũ này”-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Thiện cho hay.

Thời gian qua, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tham gia củng cố, xây dựng thế trận lòng dân. Từ thực tiễn công tác, các đơn vị đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực như: “Gắn kết hộ”, “Bếp ăn tình thương”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Nâng bước em tới trường”, “Hũ gạo vì người nghèo”, “Xóa 1 hộ đói, giảm 1 hộ nghèo”...

Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Nghị-Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh-cho hay: “Các đơn vị trực thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững bằng các mô hình, chương trình cụ thể. Hiện tại, 7 cán bộ Biên phòng đang tăng cường tại các xã biên giới, 48 đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, làng và 194 đảng viên đồn Biên phòng phụ trách giúp đỡ 812 hộ dân trên khu vực biên giới. Đặc biệt, các đơn vị đã duy trì có hiệu quả mô hình “Dân vận khéo” và mới đây nhất là triển khai hỗ trợ 193 cháu học sinh trên khu vực biên giới theo Dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em đến trường” của Bộ Quốc phòng”.

Có thể bạn quan tâm