Phóng sự - Ký sự

"Vị cứu tinh có thật trên đời"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trời lất phất mưa, con trai chưa về, người giúp việc cũng đã rời đi từ lúc nào. Thấy nhà có khách, người đàn ông 82 tuổi, dáng người nhỏ bé, mái đầu bạc trắng, liền nhanh nhẹn ra mở cửa. Người cũ, chuyện xưa mà sao gặp lại cứ như mới. Đó là cảm nhận của tôi khi gặp lại ông Đặng Văn Cung-người đảng viên 50 năm tuổi Đảng, hiện đang sinh sống tại nhà số 271 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku.
Thời thanh niên sôi nổi
Ngồi chuyện trò cùng ông, ký ức dẫn tôi về những năm 90 của thế kỷ trước khi được cùng ông rong ruổi khắp các địa phương trong tỉnh, từ khởi công, kiểm tra tiến độ, đến khánh thành các công trình nước sạch. Nhớ lần khánh thành một loạt giếng đào ở xã Ia Mlah (huyện Krông Pa), ông Cung “kèo” cho được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Phổ đi cùng, ngay từ sáng sớm, vì đường xa lại xấu. Bởi lẽ, ông cho rằng: Có lãnh đạo tỉnh sự kiện thêm phần long trọng, ý nghĩa; lãnh đạo cũng biết được kết quả việc làm cụ thể như thế nào. 
Là người trách nhiệm cao với công việc, trong những lần hội họp, sinh hoạt, ông Cung luôn tích cực phát biểu ý kiến, lần nào cũng nói rõ, to, dõng dạc, lý lẽ, dẫn chứng thuyết phục. Ông cũng là người có khả năng hài hước, khuấy động phong trào. Vốn giỏi tiếng Jrai, Bahnar nên ông hòa nhập với bà con người địa phương và cơ sở rất nhanh. Tiếng Jrai ông rành đến mức để có thể viết, nói, dịch. 
 Ông Đặng Văn Cung. Ảnh: T.S
Ông Đặng Văn Cung. Ảnh: T.S
Nhắc lại chuyện cũ, ông hắng giọng, cất lời mê say một đoạn dân ca Jrai (tôi mù mờ ghi lại, không biết có sai âm, sai lời): Prôtôk thun mơi dó kơ chiăng yon/Prôtôk jan mơi dó kơ gop yon/Mơi krăng náyon hong sang yon/Mơi băt phao koo dong/Mă mơi mau tơ lơi rka yong/Mă mơimâu tơ lơi jai mơi bơ kơ ra yong (Tạm dịch: Chim Prôtôk, con cháu vác súng lên đường chiến đấu/Prôtôk, tháng năm em vẫn chờ/Nếu bị thương thì đem về chữa trị/Nếu hy sinh thì cũng là điều bình thường). Câu hát ngưng một chặp mà ông vẫn còn chưa hết xúc động.
Ông Cung quê ở xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, thoát ly năm 1961 lên Gia Lai hoạt động. Trong suốt quá trình công tác, ông trải qua nhiều cương vị, chức vụ công tác khác nhau như: Bí thư Huyện Đoàn Khu 5; năm 1969 được đưa ra Bắc đào tạo công tác thanh vận 3 năm, phụ trách cơ quan xổ số kiến thiết; năm 1975 đảm nhiệm Trưởng ban Xổ số Kiến thiết kiêm Bí thư Thị Đoàn Pleiku, rồi Trưởng phòng Tổ chức Sở Tài chính, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội kiêm Chi cục trưởng di dân, Giám đốc Trung tâm Nước sạch-Vệ sinh môi trường Gia Lai... Nhiệt tình, hết lòng vì nhiệm vụ công tác, ông Cung có thể tự hào, mãn nguyện khi được Đảng, Nhà nước ghi nhận cho những đóng góp: Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất...
Sắt son cùng đồng đội
Chuyện đã nhiều người biết nhưng nhắc lại không thừa: Tấm chân tình của ông Cung dành cho đồng đội, đồng chí. Hẳn nhiều người còn nhớ chuyện ông lao vào “cuộc chiến” đi tìm sự thật để bảo vệ và trả lại sự trong sáng cho liệt sĩ Lữ Anh Dồi, nguyên Thiếu úy Công an vũ trang tỉnh Minh Hải cũ (nay là 2 tỉnh Cà Mau và bạc Liêu).
 Năm 2012, ông Cung xin giấy giới thiệu của tỉnh để vào thăm gia đình cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn vLinh tại TP. Hồ Chí Minh và được phu nhân Tổng Bí thư tặng cuốn tiểu sử Nguyễn Văn Linh. Về nhà nghiền ngẫm, ông Cung vô cùng tâm huyết phong cách sâu sát thực tế của Tổng Bí thư khi phát hiện và chỉ đạo giải quyết một vụ án oan ở tỉnh Minh Hải. Nhưng thời gian trôi, gia đình liên tục kêu cứu, báo đài sốt sắng vào cuộc vậy mà việc trả lại danh dự cho liệt sĩ không có kết quả. Không cam chịu “bất bằng”, dù không bà con thân thích gì với liệt sĩ Lữ Anh Dồi nhưng ông Cung quyết không thể làm ngơ, đã cùng với bạn bè vào cuộc hỗ trợ, củng cố hồ sơ, gõ cửa khắp nơi. Đặc biệt, khi có được sự giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo Trung ương như nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim, cuối cùng đã có kết quả: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công cho Thiếu úy Lữ Anh Dồi năm 2016.
Không những thế, ông Cung còn trực tiếp đến nơi bà Nguyễn Thị Mai-vợ liệt sĩ Lữ Anh Dồi-đang ở, đề nghị địa phương làm thủ tục công bố Quyết định công nhận liệt sĩ cho thiếu úy Lữ Anh Dồi, trao bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình, tổ chức truy điệu, trả lại danh dự cho liệt sĩ cũng như thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho người thân. Một kết cục viên mãn cho công sức và tâm huyết của người cán bộ, đảng viên kỳ cựu 50 năm tuổi Đảng. Nói về nghĩa cử, về tấm lòng cao cả của ân nhân dành cho gia đình, bà Nguyễn Thị Mai, trong bức tâm thư bày tỏ sự tri ân tập thể, cá nhân, các cấp, các ngành, có đoạn: “Quả không sai, vị cứu tinh của cuộc đời tôi lần thứ 2 bỗng dưng xuất hiện như một phép màu. Chú Đặng Văn Cung-vị lão thành cách mạng (nguyên là Ủy viên Ban chấp hành Tỉnh Đoàn Gia Lai, nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Giám đốc Trung tâm Nước sạch-Vệ sinh môi trường tỉnh Gia Lai). Với tinh thần nhiệt tình cách mạng, chú cùng người bằng hữu của mình là ông Phạm Trung Luyến (cựu chiến binh Sư đoàn 331, Quân khu 5) không ngại đường sá xa xôi, tuổi cao sức yếu sẵn sàng hợp sức, cùng nhà báo Dương Thanh Long hướng dẫn tôi ra tận Hà Nội tìm ánh sáng công lý để tôi đi tiếp cuối đoạn đường này”.
Cũng với một tấm chân tình dành cho đồng đội (chuyện này báo chí còn chưa nói tới), chính ông Cung là người góp công lớn trong việc xác nhận và hoàn tất hồ sơ để Chính phủ công nhận người đồng đội của mình tên Thảo (tài liệu không ghi đầy đủ họ tên) danh hiệu liệt sĩ. Theo hồi ký của ông Cung, giai đoạn 1964-1965, ta đánh rát giải phóng quận lỵ Lệ Thanh-Đức Cơ (H4, H5) khiến địch hoang mang, tan rã. Nhiều người bỏ chạy sang hàng ngũ của ta ở Định Điều-Lệ Phong 1, trong đó có một người tên Thảo mang theo một khẩu AR 15. Lúc này, ông Cung phụ trách ở đây, đã tiếp nhận hàng binh, đưa họ gia nhập tự vệ của ta và đứng vào hàng ngũ của Đảng. Mấy tháng sau, địch nống lấn đánh chiếm và không may anh Thảo hy sinh. Sau giải phóng nhiều năm, vì biết anh Thảo có vợ tên Dư ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, ông Cung nhờ người báo lên gặp để làm chế độ liệt sĩ cho anh Thảo. Kết quả sau mấy tháng, trường hợp của anh Thảo đã được công nhận liệt sĩ. Sau này, ông Cung viết: “Tôi ra về lòng thấy vui và nhẹ tênh. Tôi nghĩ việc mình làm gian khổ vất vả nhưng có ý nghĩa lớn, đó là 2 cháu con anh Thảo không phải mang tiếng là con “biệt kích”...”. 
*
*      *
Dừng lại một đỗi rất lâu, ông Cung cất lời như để kết thúc câu chuyện cùng tôi: “Tuổi cao sức yếu, tôi bây giờ mỗi ngày đều đặn thắp hương bàn thờ Bác Hồ, người vợ thân yêu, lúc thì xem ti vi, đọc sách báo, hồi tưởng và ghi chép lại những gì đã trải qua giúp con cháu có thêm hiểu biết về cha mẹ một thời gian khổ mà vẻ vang”. Trong khi đó, tôi còn chưa ra khỏi niềm xúc động lẫn khâm phục trước hành động đẹp đẽ thấm đậm nghĩa tình đồng đội của ông-hành động chẳng những “chiêu tuyết” cho liệt sĩ hy sinh máu xương cho độc lập, thống nhất đất nước mà còn cho gia đình, người thân của họ trong cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay. 
 THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm