Phóng sự - Ký sự

Vị cứu tinh kỳ diệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi trái tim, lá phổi đã kiệt lực, ECMO xuất hiện như một vị cứu tinh, sẵn lòng làm thay việc để tim, phổi nghỉ ngơi. Bệnh nhân vẫn sống và đấy không phải phim giả tưởng
Được Sở Y tế TP HCM đưa vào danh sách 10 thành tựu nổi bật năm 2018 về áp dụng kỹ thuật chuyên sâu trong cứu sống người bệnh nặng và nguy kịch, kỹ thuật "Oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể" (Extracorporeal Membrane Oxygenation - ECMO) đã cứu sống ngoạn mục 3 bệnh nhi tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng Thành phố (TP HCM).
Pha ngoạn mục bên bờ vực sinh tử
Mọi thuốc thang không còn đủ để trái tim, buồng phổi vận hành nuôi sống cơ thể, đó có lẽ là lúc con người phải ra đi. Nhưng 3 cháu bé ở BV Nhi Đồng Thành phố đã sống sót. Các bác sĩ (BS), điều dưỡng đã mạnh dạn để tim, phổi… tạm nghỉ việc rồi nối cơ thể các cháu vào một hệ thống máy "kỳ lạ". Các cháu vẫn sống, chờ ít ngày bệnh lui, tim, phổi khỏe trở lại và được trao trả nhiệm vụ.
Được chuyển giao công nghệ từ BV Chợ Rẫy, BV Nhi Đồng Thành phố trở thành đơn vị chuyên khoa nhi đầu tiên ở phía Nam áp dụng công nghệ này. Là một cỗ máy khá gọn gàng nhưng hệ thống ECMO mang sứ mệnh vô cùng quan trọng. Khi mọi biện pháp hỗ trợ cho tim, phổi đã vô hiệu, hệ thống này sẽ tạm thay thế nhiệm vụ của 2 cơ quan tưởng chừng không thể thay thế, cho bệnh nhân và BS thêm thời gian.
BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành phố, thành viên chủ chốt của ê-kíp đi học tập kinh nghiệm và ứng dụng kỹ thuật ECMO tại BV, cho biết đây là kỹ thuật tương đối phức tạp, đã được ứng dụng cho các bệnh nhân suy hô hấp, suy tuần hoàn rất nặng.
 
 
Một bệnh nhi được điều trị bằng hệ thống ECMO. (ảnh do Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cung cấp)
Ca đầu tiên là cô bé N.Tr (14 tuổi, đến từ Bến Tre) nhập viện ngày 28 tháng chạp (tháng 2-2018). Trước đó, bé đã sốt, ho vài ngày, đến ngày thứ 6 thì ngất xỉu nên được gia đình đưa đến BV Nguyễn Đình Chiểu ở Bến Tre, sau đó BV này chuyển đến BV Nhi Đồng Thành phố. Cháu bé bị viêm cơ tim dẫn đến sốc tim, khi đó đã mê man, phải bóp bóng giúp thở, da đã tím tái, phải dùng thuốc vận mạch liều cao, thở máy…
Nhưng tất cả các biện pháp trên không giúp bé qua khỏi. Vậy là ECMO lần đầu tiên được cầu viện tới. "ECMO đã cứu sống cô bé trong gang tấc" - nữ điều dưỡng C., một thành viên khác của ê-kíp được cử đi học tập và tham gia triển khai ECMO, kể lại.
Hôm đó, không phải ca trực nhưng chị C. nằm trong danh sách sẵn sàng chạy vào BV hỗ trợ bất cứ lúc nào khi có ca nặng. Trước đây, các trường hợp bệnh nặng như vậy, có lẽ đã không qua khỏi. Lần đầu tiên chứng kiến một cháu bé được ECMO cứu sống là kỷ niệm vô cùng đáng nhớ với chị. Sau 3 ngày sống phụ thuộc vào cỗ máy, bé đã qua cơn nguy kịch, tim, phổi dần vận hành trơn tru trở lại. "Bé dễ thương lắm! Bé còn kể lại là mình học võ nữa. Lúc đó, sắp thi lên đai thì bé đổ bệnh. Bé được cứu, tôi mừng lắm, dù cả ngày trước giao thừa phải làm việc, cũng không thấy buồn gì cả" - chị nhớ lại.
Sau cơn nguy biến, cô gái nhỏ cần khá nhiều thời gian để phục hồi hoàn toàn và vẫn được các BS theo dõi, hẹn tái khám vừa để bảo đảm bé ổn vừa đánh giá phương pháp điều trị mới. Đến giờ, chị C. vẫn hay hỏi thăm về bé. Chị rất hạnh phúc khi mới đây, Tr. nói đã bắt đầu tập võ trở lại.
Tạm thay trái tim, buồng phổi
Theo BS Nguyễn Minh Tiến, kỹ thuật mới này tuy không kỳ diệu đến nỗi có thể làm mọi bệnh nhân suy tim, suy hô hấp sống lại nhưng đủ quý giá với thầy thuốc bởi nó cho cả ê-kíp thêm một cơ hội nữa, khi mọi biện pháp trước đây đã thất bại.
Phạm vi ứng dụng của cỗ máy rất đa đạng. Về tim, đó thường là các cháu bé bị viêm cơ tim dẫn đến sốc tim (thường gặp nhất là viêm cơ tim do nhiễm siêu vi, suy tuần hoàn nặng do biến chứng của bệnh tim bẩm sinh…). Khi đó, BS sẽ cố gắng dùng thuốc vận mạch, thuốc kháng thể miễn dịch… với hy vọng hỗ trợ, giúp trái tim em bé qua cơn nguy biến, tiếp tục đập và nuôi sống cơ thể. Nhưng nếu các biện pháp này thất bại, tỉ lệ tử vong lên đến trên 80%, trường hợp tối cấp là trên 90%.
Tương tự với 2 lá phổi: chiếm đa số các trường hợp suy hô hấp nguy cấp nhất là viêm phổi do biến chứng bệnh cúm (cúm A/H1N1, H5N1…), tiếp theo là do hít phải hóa chất như xăng, dầu hôi số lượng nhiều. Khi các biện pháp cao cấp nhất trước đây như thở máy HFO (rung tần số cao), huy động phế nang… không đáp ứng là khi các BS mất bệnh nhân.
ECMO xuất hiện như một vị cứu tinh. "Có thể hiểu các biện pháp trước đây là mang tính hỗ trợ cho tim, phổi. Còn ECMO thay thế tim, phổi hoàn toàn" - BS Tiến giải thích.
Có 2 quy trình vận hành hệ thống ECMO đó là VV ECMO (thay thế phổi đơn thuần) và VA ECMO (thay thế cả tim và phổi). Máu của bệnh nhân sẽ được rút ra từ một tĩnh mạch lớn như tĩnh mạch đùi, đi qua một chiếc màng nằm bên ngoài cơ thể. Ở đây, máu thẫm màu (đã cạn ôxy) sẽ được tiếp thêm ôxy để trở thành máu đỏ tươi, quy trình đáng lẽ là nhiệm vụ của buồng phổi. Với VV ECMO, máu đỏ tươi đầy ôxy sẽ được đưa trở về tĩnh mạch để trái tim làm tiếp nhiệm vụ vận chuyển dòng sự sống này đi qua các động mạch, nuôi cơ thể. Với VA ECMO, trái tim của bệnh nhân đã kiệt lực nên máu đã được tiếp ôxy sẽ được đưa thẳng vào động mạch, một chiếc bơm ly tâm sẽ thay phần trái tim đẩy máu đi khắp nơi. 
Còn nhiều tiềm năng

Qua 1 năm triển khai kỹ thuật mới ECMO, 3 bệnh nhi rất nặng đã được BV Nhi Đồng Thành phố cứu sống thành công. BS Nguyễn Minh Tiến cho biết đây mới chỉ là những bước đầu tiên trong việc ứng dụng ECMO tại BV, trước mắt là hành trình dài với nhiều kỳ vọng. ECMO còn rất nhiều tiềm năng ứng dụng như tạm thời thay thế tim, phổi để các BS phẫu thuật đặt dụng cụ hỗ trợ vào tim, phổi; ứng dụng trong phẫu thuật ghép tạng.

Kỳ tới: Hành trình 15 năm vắc-xin Việt Nam
Anh Thư (Người Lao Động)

Có thể bạn quan tâm