Vì mùa mai Tết năm sau

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ mùng 8 đến rằm tháng Giêng, các nhà vườn tại TP. Pleiku bắt tay vào việc chăm sóc, cắt tỉa để cây mai vàng phục hồi, dưỡng sức cho mùa hoa Tết năm sau.
Theo các chủ nhà vườn, cây mai thường bị mất sức do tập trung dưỡng chất để nuôi nụ, hoa sau những ngày tận hiến sắc đẹp cho mùa xuân. Vì vậy, người trồng mai phải chú trọng chăm sóc, bù đắp chất dinh dưỡng để cây phát triển bình thường trở lại.
Đã hơn 10 năm anh Lê Văn Thảo-chủ vườn mai Lê Phương (tổ 5, phường Yên Thế, TP. Pleiku) chăm sóc mai vàng để cho thuê vào dịp Tết. Anh hiện có trên 400 cây mai lớn nhỏ, trong đó có gần 200 cây của khách hàng gửi chăm sóc. Trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, đa phần các cây mai trong vườn nhà anh đều cho hoa nở đều và đúng dịp. Anh Thảo bộc bạch: “Việc chăm sóc mai sau những ngày Tết hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây. Sau khi các gia đình chưng Tết xong, tôi sẽ đến chở mai về để dưỡng. Đầu tiên sẽ ngắt hết các hoa, nụ, cắt cành dư thừa để năm sau cây ra hoa nhiều hơn. Thường công việc này phải làm trước ngày 20 tháng Giêng”.
Anh Lê Văn Thảo (phường Yên Thế, TP. Pleiku) ngắt hoa, nụ cho cây mai sau những ngày Tết. Ảnh: Hà Phương
Anh Lê Văn Thảo (phường Yên Thế, TP. Pleiku) ngắt hoa, nụ cho cây mai sau những ngày Tết. Ảnh: Hà Phương
Theo anh Thảo, việc cắt tỉa sẽ giúp cho cây đỡ mất sức và dễ khôi phục hơn. Hầu hết các gia đình chưng mai đều không biết cách chăm sóc, điều kiện thời tiết (chưng trong nhà hay ngoài trời) cũng khác nhau nên cây mai rất dễ bị ảnh hưởng. Do phải nuôi quá nhiều cành, hoa nên cây cũng dễ suy kiệt và nấm bệnh. Thường sau khi chưng trong nhà thì phải để ra ngoài bóng mát từ 1 đến 2 tuần cho cây làm quen với môi trường rồi mới đưa ra ngoài nắng.
Mặc dù mới gắn bó hơn 3 năm với cây mai nhưng anh Phạm Quang Hà-chủ vườn mai Chấn Khang (phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã sở hữu gần 1.000 gốc mai vàng trong vườn. “Để cây có nhiều hoa cho năm sau thì bắt đầu từ mùng 8 tháng Giêng, nhà vườn đã tập kết mai về chăm. Ngoài áp dụng kỹ thuật, đòi hỏi nhà vườn phải có đôi tay khéo léo, công phu. Ngoài việc ngắt hoa, nụ, bấm bớt cành thì khâu bón phân cũng là một yếu tố quan trọng. Nếu lượng phân bón không đủ hoặc quá dư thừa sẽ làm cho cây bị chết. Ngoài ra, nhà vườn còn phối hợp nhiều loại phân khác nhau tùy vào sức khỏe của từng cây. Đến cuối tháng 3 và đầu tháng 4, khi rễ đã cứng cáp thì tiến hành thay chậu cho cây để sau này dễ cắt tỉa cành theo ý muốn”-anh Hà chia sẻ.
Vườn mai gần 1.000 chậu của anh Phạm Quang Hà. Ảnh: Hà Phương
Vườn mai gần 1.000 chậu của anh Phạm Quang Hà (phường Ia Kring). Ảnh: Hà Phương
Thời điểm này, nhiều người chơi mai cũng hối hả chở cây đến gửi các nhà vườn để chăm sóc. Anh Lê Văn Sơn (824 Hùng Vương, TP. Pleiku) cho biết: “Năm nào gia đình cũng chưng mai vào dịp Tết. Với tôi, có cây mai mới có không khí Tết, cảm thấy rất đầm ấm, vui vẻ. Sau khi chơi Tết xong, tôi lại chở cây đến nhà vườn gửi chăm. Các nhà vườn đã có kinh nghiệm và kỹ thuật nên họ chăm sóc khá tốt, tạo thế bài bản cho cây, tỷ lệ hoa đạt cao nên tôi cảm thấy yên tâm khi gửi chăm tại nhà vườn”.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm