Phóng sự - Ký sự

Vì nhịp đập của triệu trái tim

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

PGS-TS Trương Thanh Hương vừa vinh dự nhận Giải thưởng Kovalevskaia 2020, một giải thưởng danh giá dành cho các nhà khoa học nữ. Ít ai biết, ẩn sau vóc dáng mảnh mai và gương mặt tươi tắn ấy là một ý chí kiên định, một trái tim nhiều trắc ẩn, luôn miệt mài vì những nhịp đập khỏe khoắn của bao trái tim người Việt.

Một trái tim nhiều trắc ẩn

Tôi gặp PGS-TS Trương Thanh Hương khi chị đang bộn bề công việc, vừa tiếp tục các ca khám chữa bệnh, hội chẩn dày đặc tại Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai), vừa chuẩn bị lên lớp với vai trò giảng viên cao cấp tại Đại học Y Hà Nội.

Đặc biệt, chị đang tất bật chuẩn bị cho các lớp chuyển giao kết quả của công trình nghiên cứu “Xây dựng bản đồ đột biến gene bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam” cho các bệnh viện tuyến dưới. Đôi mắt chị lấp lánh niềm vui khi nói về công trình tâm huyết: “Quy trình sàng lọc, chẩn đoán, xét nghiệm gene, hướng dẫn tư vấn di truyền và mô hình quản lý bệnh tăng cholesterol máu gia đình tại Việt Nam đã được Bộ KH-CN cấp chứng nhận, hiện đã được chuyển giao cho các bệnh viện Thái Bình, Hà Tĩnh, Ninh Bình. Còn một danh sách dài các địa phương cần được chuyển giao nhưng đang bị đình trệ vì dịch Covid-19. Chỉ cần dịch được kiểm soát là tôi lại lên đường”.

Chị kể, những ca bệnh với những hoàn cảnh éo le, nhất là các ca đến từ vùng sâu, vùng xa đã ám ảnh chị. Vì sao có những em nhỏ, những thanh niên vừa chập chững vào đời đã bị xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bởi những căn bệnh hiểm nghèo thường chỉ gặp ở những người cao tuổi? Trong một lần khám bệnh, chị đã tiếp cận một bệnh nhân còn rất trẻ đến từ Tuyên Quang. Bệnh nhân này xuất hiện nhiều u cục do cholesterol lắng đọng trong cơ thể, kể cả ở vành mắt, cứ cắt bỏ lại mọc lên, nguy cơ tắc nghẽn mạch máu dẫn đến đột quỵ rất cao. Nghi ngờ có yếu tố di truyền, chị đã vận động bệnh nhân đưa người nhà đến khám, tuy nhiên, vì hoàn cảnh quá khó khăn, bệnh nhân này từ chối. Không đành lòng để người bệnh phải sống chung với căn bệnh có thể chữa được với chi phí không hề đắt đỏ, chị cùng ê kíp đã về tận quê bệnh nhân, lập phả hệ gia đình, từ bố mẹ, 11 người con, 28 người cháu và 36 người chắt để khám sàng lọc. Kết quả đúng như chị dự đoán, nhiều thành viên trong gia đình đã bị tăng cholesterol do di truyền. Sau đó, chị đã phải “đuổi theo” bọn trẻ trong gia đình này, giúp họ phòng ngừa biến chứng bằng thuốc và điều chỉnh chế độ sinh hoạt.

Rất nhiều gia đình như thế đã được phát hiện và điều trị trong quá trình PGS-TS Trương Thanh Hương hoàn thành công trình nghiên cứu của mình. Theo thống kê của ngành y, Việt Nam hiện có gần 500.000 bệnh nhân mắc bệnh tăng cholesterol máu có yếu tố gia đình, nhưng trước đây hầu như rất ít người bệnh được phát hiện và điều trị sớm.

Nhờ công trình của PGS-TS Trương Thanh Hương, từ nay bệnh nhân đã có cơ hội được tiếp cận việc chẩn đoán, điều trị tối ưu, giúp hạn chế xảy ra các biến chứng tim mạch, nhất là ở thanh thiếu niên. Đặc biệt, việc sử dụng thuốc hạ cholesterol xấu ở phần đông bệnh nhân nằm trong danh mục của bảo hiểm y tế, chỉ cần có quy trình để phát hiện đúng bệnh là người dân được hưởng.

Trong suốt 35 năm làm nghề, PGS-TS Trương Thanh Hương từng gặp nhiều ca bệnh khiến chị mất ăn mất ngủ. Đến tận bây giờ, chị vẫn nhớ một ca bệnh rất đặc biệt, một cậu bé học lớp 11 ở Hải Phòng có nước da tím ngắt, ho ra máu, chụp phổi có đám mờ nhưng siêu âm cấu trúc tim hoàn toàn bình thường, không bệnh viện nào xác định được bệnh. Bằng kiến thức được học, sự nhạy bén trong nghề và cả sự xót xa với một số phận con trẻ đang mong manh, cuối cùng, chị đã phát hiện ra cậu bé bị rò động tĩnh mạch phổi, một dị tật khiến máu “đi tắt” từ động mạch sang thẳng tĩnh mạch phổi mà không được trao đổi ôxy. Sau đó, cậu bé đã được phẫu thuật và trở lại cuộc sống bình thường. Chị bảo, nếu không nỗ lực tìm kiếm, bệnh nhân sẽ bị điều trị lạc hướng, hậu quả sẽ rất nặng nề.

Một lần khác, chị gặp một ca bệnh là một cháu bé đang học cấp 2 bị tim nhanh không rõ căn nguyên. Sau rất nhiều nỗ lực, chị mới tìm ra được chứng bệnh hiếm gặp, đó là dạng bệnh đổi ngược vị trí động mạch, tâm thất. Cô bé đó được chữa lành, rồi lấy chồng, sinh con. Khi cô sinh con đầu lòng, người đầu tiên bố mẹ cô báo tin chính là PGS-TS Trương Thanh Hương. Chị coi đó là những phần thưởng lớn trong cuộc đời làm nghề của mình.

 

PGS-TS Trương Thanh Hương tận tình khám chữa bệnh cho bệnh nhân


Dấn thân và không ngại khó

Là một trong 2 bác sĩ nội trú tim mạch khóa đầu tiên của Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Hương được đào tạo bài bản, nhiều lần tu nghiệp ở các nước có nền y học hiện đại như Pháp, Mỹ. Ở thập niên 90 của thế kỷ trước, khi đang học tại Pháp, chị đã nhìn sang các nước phát triển và nhận thấy xu hướng phát triển bệnh lý của một đất nước sau chiến tranh. Rối loạn lipid máu và tăng huyết áp sẽ xuất hiện sau khi đời sống của người dân được cải thiện, ăn uống đầy đủ, dư thừa cộng với thói quen có hại như giảm vận động. Chị đã tha thiết trình bày với thầy Phạm Gia Khải, lúc đó là Chủ nhiệm Bộ môn Tim mạch và xin ý kiến của Hội đồng khoa học cho đề tài “Mối liên hệ giữa rối loạn lipid máu và tăng huyết áp”.

Đề tài quá mới mẻ nên phải mất rất nhiều thời gian, công sức chị mới thuyết phục các thầy cho thực hiện. Quá trình thực hiện nghiên cứu cũng rất khó khăn vì thiếu các điều kiện cơ bản như hóa chất, mẫu bệnh phẩm, nhưng cuối cùng chị đã thành công. Chỉ vài năm sau, bệnh tim mạch liên quan đến rối loạn lipid máu và tăng huyết áp gần như “bùng nổ”, và đến nay, xét nghiệm lipid máu đã trở thành xét nghiệm thường quy và cơ bản cho mỗi bệnh nhân trung niên khi đến viện.

Làm khoa học là phải chịu dấn thân và không ngại khó. Các đồng nghiệp quốc tế từng vô cùng khâm phục khi biết có những đề tài PGS-TS Trương Thanh Hương làm mà không hề được cấp kinh phí. Chị kể, khi làm “Xây dựng bản đồ đột biến gene bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam”, Bộ Y tế và Bộ KH-CN đều đánh giá đây là đề tài quan trọng và đưa vào danh sách rút gọn các đề tài được cấp kinh phí. Thế nhưng, đất nước đang trong giai đoạn phát triển, còn quá nhiều vấn đề cần được ưu tiên, chị đã quyết định đi làm thêm để tự lo kinh phí thực hiện. Phải làm sớm bởi mỗi một mục tiêu chị đạt được lại có thêm biết bao bệnh nhân có cơ hội được chữa trị.

Không chỉ say mê làm nghề, PGS-TS Trương Thanh Hương còn nhiệt tâm đào tạo thế hệ trẻ, giống như các thầy của mình là GS-TS-NGND Phạm Gia Khải, GS-TS-NGND Đỗ Doãn Lợi... đã từng hết lòng vì học trò. Đến nay đã có hơn 40 tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ nội trú được chị hướng dẫn và trực tiếp giảng dạy, hàng trăm bác sĩ, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế được chị chuyển giao các công nghệ tiên tiến. PGS-TS Trương Thanh Hương cũng được coi là cầu nối của ngành y tế Việt Nam với quốc tế, giúp nhiều bác sĩ, nhà khoa học trẻ có cơ hội tiếp cận môi trường khoa học quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của Việt Nam.

Sinh ra ở Hà Nội, trong một gia đình bố mẹ đều trong quân ngũ, cô bé Hương được thấm nhuần tinh thần xả thân, cống hiến hết mình của người lính Cụ Hồ. Từ lúc đi học cho đến khi làm nghề, chị luôn tâm niệm, dù làm gì cũng phải nỗ lực để hoàn thành tốt nhất vai trò của mình. Chị may mắn có người bạn đời cùng 2 người con đều là đồng nghiệp. Chị bảo, mình không ép con theo nghề vì biết là rất vất vả, nhưng có lẽ các con đã nhìn vào cha mẹ mình, yêu cái nghề “cứu người” này và tự nguyện bước theo.

Chia sẻ về giải thưởng vừa nhận được, chị cho biết, sẽ dành toàn bộ giải thưởng để nghiên cứu 1 bệnh lý di truyền khác mà cộng đồng đang cần giải quyết. Tiền bạc rất hữu ích trong công việc nghiên cứu của chị. Còn chăm sóc bản thân ư? Chị bảo chị rất tâm đắc một câu nói, đại ý là, mỹ phẩm tốt nhất cho người phụ nữ chính là sự giàu có trong tâm hồn, cả kiến thức được học và sự thiện lương được bồi đắp mỗi ngày. Mình cứ làm điều tốt thì rồi “tâm sinh tướng”, sẽ trẻ trung, xinh đẹp thôi.

Theo MINH DUY (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm