Vì sao các trường phổ thông ngoài công lập mất dần vị thế?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây khoảng hơn 10 năm, cả nước đua nhau nở rộ loại hình trường phổ thông ngoài công lập, trong đó có loại hình trường bán công, trường dân lập. Sau một thời gian, loại hình trường bán công không còn phù hợp nên một phần chuyển hẳn sang hình thức dân lập, một số khác sang công lập.

Bấy giờ, doanh nghiệp và nhà giáo liên kết làm dự án để mở các loại hình trường phổ thông tư thục với mục đích lợi nhuận. Chính cả tôi (có một thời làm công tác giáo dục) và nhiều bạn bè cũng được mời gọi để góp phần vào dự án trường học. Tất nhiên, mảnh đất cho trường tư thục phát triển chỉ tập trung ở các khu vực đông dân cư. Ở TP. Pleiku hiện tại có 2 trường phổ thông tư thục hoạt động, đó là: Trường Quốc tế Châu Á-Thái Bình Dương và Trường Mầm non-Tiểu học-Trung học cơ sở Sao Việt.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có một thời, các trường phổ thông dân lập ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã “làm ăn” phát đạt nhờ vào sự đầu tư cơ sở vật chất tương đối khá toàn diện và các dịch vụ chăm sóc học sinh. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh gay gắt, nhiều trường phổ thông dân lập mất dần vị thế, đứng trước nguy cơ giải thể vì không tuyển được học sinh. Chỉ số ít trường dân lập có thương hiệu nhờ vào cơ sở vật chất khang trang và uy tín của đội ngũ giáo viên có năng lực thực chất, phương pháp quản trị trường học khá khoa học và minh bạch, học phí ở mức vừa phải.

Ở các thành phố đông dân, hệ thống trường ngoài công lập đã góp phần giải quyết nhu cầu học tập của con em ngày càng tăng. Tuy vậy, các trường ngoài công lập hiện nay đang đối diện với thực tế là mức học phí cứ tăng theo giá cả thị trường, áp lực trả lương để thu hút giáo viên giỏi nên nguồn lực bị cạn kiệt, sức chịu đựng của phụ huynh cũng có giới hạn nên khó bề cầm cự để hoạt động lâu dài. Những gia đình có mức sống trung lưu trở lên đang có xu thế cho con em mình vào học ở các trường quốc tế trong nước nhằm đến mục tiêu đưa các cháu du học sau khi hoàn thành chương trình phổ thông. Đồng thời, các trường phổ thông công lập cũng đang cải thiện dần chất lượng dạy học và các dịch vụ kèm theo để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh nên có sức thu hút học sinh ngày càng lớn. Vì vậy, đối tượng tuyển sinh của các trường tư thục đang bị thu hẹp dần và nhiều trường trong năm học đến (2017-2018) đứng trước nguy cơ phải ngừng hoạt động.

Đầu tư vào sự nghiệp giáo dục với mục đích vì lợi nhuận của các doanh nghiệp đang có xu hướng chững lại vì sự cạnh tranh trong lĩnh vực này gặp nhiều rủi ro hơn và quan trọng là khó xây dựng được một thương hiệu trường học đạt chuẩn như kỳ vọng. Một số trường phổ thông dân lập đã củng cố vị thế trong xã hội đang cố gắng đổi mới chất lượng dạy và học, nhất là phương pháp dạy học tiên tiến, đồng thời chuyển dần từ mục đích vì lợi nhuận sang phi lợi nhuận nhằm nâng tầm tính chính danh của một đơn vị giáo dục trong mắt người dân.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm