Sức khỏe

Làm đẹp

Vì sao người đẹp Việt liên tiếp đăng quang ở các cuộc thi sắc đẹp quốc tế?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước khi Hoa hậu H’Hen Niê lọt đến top 5 Hoa hậu Hoàn vũ thế giới năm 2018, khán giả ở Việt Nam từng rơi vào trạng thái khao khát danh hiệu, khao khát một chiến thắng ở các đấu trường sắc đẹp quốc tế.
Năm 2018 được ví như một cú hích mang tính lịch sử của nhan sắc Việt khi Phương Khánh đăng quang Hoa hậu Trái Đất và H’Hen Niê lọt đến top 5 Hoa hậu Hoàn vũ thế giới. Thành tích của 2 người đẹp mang tính bản lề mở ra trang mới cho nhan sắc Việt trên các đấu trường quốc tế.
Trước năm 2018, trong nhiều năm, giới chuyên gia đã ra sức phân tích, lý giải vì sao hầu hết người đẹp Việt đi thi thế giới chỉ vào được đến top 15, top 20 nhờ số lượng phiếu bình chọn (vote) từ khán giả và đa số đều tay trắng trở về.
Theo giới chuyên gia, người đẹp Việt đi thi chỉ mang tính tự phát, không được đầu tư bài bản như nhiều quốc gia trên thế giới, đơn cử như Ấn Độ hay Venezuela, họ có cả những lò luyện hoa hậu chuyên nghiệp để “luyện” thí sinh đi thi.
 
H'Hen Niê vào top 5 Hoa hậu Hoàn vũ 2018 là một kỳ tích của nhan sắc Việt trên đấu trường quốc tế. Ảnh: MU
H'Hen Niê vào top 5 Hoa hậu Hoàn vũ 2018 là một kỳ tích của nhan sắc Việt trên đấu trường quốc tế. Ảnh: MU
Đến tháng 12.2021, Nguyễn Thúc Thùy Tiên đăng quang ngôi vị Hoa hậu Hòa bình quốc tế - Miss Grand International. Năm 2022, Lê Nguyễn Bảo Ngọc đăng quang Hoa hậu liên lục địa - Miss Intercontinental. Hiện, Hoa hậu Hòa bình Đoàn Thiên Ân tiếp tục được kỳ vọng sẽ đoạt ngôi cao nhất tại Miss Grand International 2022.
Nhan sắc Việt Nam đã thăng hạng hay những yếu tố nào đang giúp người đẹp Việt liên tục đoạt kỳ tích trên các đấu trường thế giới?
Khi các công ty đua nhau tổ chức thi hoa hậu
Theo ông Trần Hướng Dương - Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, trong năm 2022 có tất cả 22 cuộc thi hoa hậu được tổ chức trong nước.
Chỉ trong vòng 8 tháng đầu năm, khán giả liên tục theo dõi hàng loạt cuộc thi sắc đẹp lớn, nhỏ diễn ra như Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam... Khi quá nhiều cuộc thi diễn ra, chất lượng thí sinh giảm sút, một số cuộc thi lao đao, đang xin lùi thời gian tổ chức sang 2023.
 
Thùy Tiên đăng quang Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021. Giấc mơ trở thành hoa hậu đang được nhiều cô gái Việt theo đuổi, khi trở thành hoa hậu có thể đổi đời. Ảnh: MGI
Thùy Tiên đăng quang Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021. Giấc mơ trở thành hoa hậu đang được nhiều cô gái Việt theo đuổi, khi trở thành hoa hậu có thể đổi đời. Ảnh: MGI
Sở dĩ bùng nổ các cuộc thi hoa hậu lớn nhỏ, bởi giờ đây, các cuộc thi nhan sắc đã trở thành những dự án kinh doanh sinh lời. Có thể nhìn thấy việc kêu gọi tài trợ rầm rộ của BTC các cuộc thi hoa hậu mỗi khi dự án được triển khai. Đối tượng “nhà tài trợ” ở các cuộc thi nhan sắc trải dài khắp các lĩnh vực, từ thời trang đến làm đẹp, từ du lịch đến khách sạn, khu nghỉ dưỡng...
Khán giả đã quá quen thuộc với hình ảnh thí sinh thi hoa hậu nhưng không chỉ thi, còn phải nỗ lực quảng bá hình ảnh cho nhà tài trợ. Ngay trong các đêm thi bán kết, chung kết, đã “cài cắm” đủ các màn quảng cáo.
Nhiều cuộc thi hoa hậu còn kiếm tiền “khủng” từ quảng cáo khi phát sóng giờ vàng thu hút rating cao.
Khi các cuộc thi hoa hậu ngày càng trở thành những “dự án vàng” thu hút tài trợ, BTC sẽ biết cách đầu tư mạnh tay, đẩy mạnh quy mô và chuyên nghiệp hóa.
Thí sinh hoa hậu ngày càng được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp
Trả lời về tiềm năng của thí sinh Việt Nam, bà Thúy Nga – Tổng giám đốc Elite Việt Nam từng khẳng định: “Trước đây, người đẹp Việt đi thi chưa hội tụ đủ các điều kiện cần và đủ. Họ chưa được đầu tư, đào tạo bài bản như nhiều quốc gia. Khi được đầu tư, huấn luyện, có chiến lược bài bản, người đẹp Việt sẽ sớm có vương miện”.
 
Phương Khánh đăng quang Miss Earth - Hoa hậu Trái đất 2018. Ảnh: ME
Phương Khánh đăng quang Miss Earth - Hoa hậu Trái đất 2018. Ảnh: ME
Công ty Sen Vàng đang là ví dụ điển hình khi đầu tư mạnh tay cho các cuộc thi hoa hậu, và một năm Sen Vàng có thể tổ chức nhiều cuộc thi nhan sắc với chủ đề khác nhau với quy mô rầm rộ. Riêng 2022, Sen Vàng đứng ra tổ chức đến 3 cuộc thi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam...
Theo đó, so với nhiều năm trước, việc đưa thí sinh đi thi đấu ở các đấu trường sắc đẹp quốc tế cũng không còn mang tính manh mún, tự phát, mà đã được đầu tư bài bản.
Các công ty như Sen Vàng, Nova Entertainment, Leading Media... mua bản quyền tổ chức các cuộc thi nhan sắc thế giới theo format (kịch bản) đúng chuẩn thế giới, từ đó tìm ra người chiến thắng để cử đi dự thi quốc tế.
Thí sinh đi thi quốc tế đã qua huấn luyện nhiều vòng từ cuộc thi trong nước, được cọ xát và học hỏi các kỹ năng từ trình diễn catwalk, trả lời ứng xử, thậm chí còn hùng biện với 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt...
Sau khi trở thành người chiến thắng, thí sinh này tiếp tục được đào tạo dưới sự hướng dẫn của nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau để hoàn thiện mình. Nhiều chuyên gia quốc tế cũng đã được mời về huấn luyện cho thí sinh Việt đi thi nhan sắc quốc tế.
 
Lê Nguyễn Bảo Ngọc vừa đăng quang Hoa hậu liên lục địa - Miss Intercontinental 2022. Ảnh: MI
Lê Nguyễn Bảo Ngọc vừa đăng quang Hoa hậu liên lục địa - Miss Intercontinental 2022. Ảnh: MI
Ông Phúc Nguyễn – Giám đốc Leading Star – người đưa Phương Khánh đi thi và đăng quang Hoa hậu Trái Đất khẳng định: “Người đẹp Việt đang ngày càng được đào tạo bài bản hơn, được chuẩn bị kỹ càng hơn khi bước chân ra quốc tế”.
Từ H’Hen Niê đến Nguyễn Thúc Thùy Tiên hay Lê Nguyễn Bảo Ngọc đều trải qua quá trình huấn luyện chuyên nghiệp trước khi tham gia các đấu trường quốc tế.
Tuy nhiên, nhìn nhận sòng phẳng, người đẹp Việt mới đạt thành tích đăng quang ở những cuộc thi nhan sắc nhỏ, ở hai cuộc thi sắc đẹp lớn nhất thế giới là Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Thế giới, thành tích của H’Hen Niê đến nay vẫn được xem là kỳ tích.
Theo Mi Lan (LĐO)

Có thể bạn quan tâm