(GLO)- Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2007, tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tai nạn giao thông (TNGT) đã làm chết 656 người, tại Việt Nam TNGT đã làm chết 12.800 người. So với dân số, tỷ lệ số người chết vì TNGT trên 100.000 dân ở Lào là 12,1 và ở Việt Nam là 14,1. Như vậy, tỷ lệ số người chết vì TNGT trên số dân của Lào thấp hơn Việt Nam, trong khi thu nhập đầu người cùng thời điểm của Lào là 580 USD, của Việt Nam là 790 USD. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Lào có trình độ phát triển thấp hơn Việt Nam (tạm so sánh như vậy dựa trên mức thu nhập bình quân đầu người) nhưng tỷ lệ số người chết vì TNGT trên 100.000 dân lại thấp hơn Việt Nam, trong khi thông thường các nước càng chậm phát triển thì tỷ lệ TNGT càng cao?
Ảnh: Nguyễn Hữu Quế |
Tháng 11-2014, tôi được UBND tỉnh cử đi công tác tại Lào, kinh phí do một doanh nghiệp vận tải đài thọ (giúp đàm phán tuyến vận tải khách liên vận quốc tế cho chính doanh nghiệp đó). Để tiết giảm kinh phí chuyến công tác, đồng thời muốn trả lời cho câu hỏi nêu trên bằng chính cảm giác và lý trí của một người lái xe, tôi tình nguyện làm lái xe cho đoàn công tác. Cảm nhận đầu tiên là chất lượng hệ thống cầu đường của Lào tương đối tốt. Từ Attapeu đến Pakse với khoảng cách gần 300 km, tuy chỉ rộng 7,5 mét nhưng mặt đường hầu như không có vết nứt, bong bật, độ nhám rất cao. Đặc biệt, hơn 30 km đường từ Pakse đến khu di sản văn hóa thế giới Vat Phu được xây dựng theo tiêu chuẩn mới, cứ khoảng 2 km đến 3 km hoặc tùy theo sự phân bố dân cư mà hai bên đường (bên trái hoặc bên phải) được xây dựng các điểm dừng đón trả khách bằng cách mở rộng mặt đường thêm một làn xe (việc này ở Việt Nam đã có quy định nhưng hầu như chưa có con đường nào đạt tiêu chuẩn như vậy). Vì vậy có thời điểm tôi mạnh dạn “đạp ga” duy trì tốc độ xe xấp xỉ 100 km/giờ trong khoảng thời gian kéo dài gần 10 phút.
Giống như ở Việt Nam, dòng phương tiện lưu thông ở Lào là dòng phương tiện hỗn hợp, trên đường có rất nhiều loại phương tiện khác nhau lưu thông, từ xe đạp cho đến xe ô tô, từ loại phương tiện cũ kỹ ở Việt Nam đã bị loại bỏ cho đến loại phương tiện vận tải khách rất hiện đại mà ở Việt Nam chưa có-xe khách liên tỉnh 2 tầng, 4 trục, cao, rộng và tiện nghi hơn xe khách giường nằm ở Việt Nam. Hệ thống biển báo giao thông trên đường rất ít, đa số là những biển báo hiệu khúc cua nguy hiểm. Tốc độ lưu thông trên đường tương đối cao, các bác tài cứ thoải mái “miết chân ga” mà không bị bắn tốc độ như ở Việt Nam hoặc gặp rất ít lực lượng Cảnh sát Giao thông trên đường.
Ở Lào, số người đi xe mô tô, xe gắn máy đội mũ bảo hiểm chiếm khoảng hơn 50%. Số phương tiện không biển số lưu thông trên đường chiếm khoảng 1/4. Đem những thắc mắc nêu trên hỏi anh bạn đồng nghiệp làm ở Sở Giao thông-Vận tải-Bưu điện và Xây dựng của tỉnh Attapeu thì được biết: Ở Lào các quy định pháp luật về an toàn giao thông vẫn chưa hoàn chỉnh, tuy vậy những vấn đề như tốc độ lưu thông trên đường, bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, tuổi của người điều khiển xe cơ giới… đều đã có quy định.
Có một đặc điểm của người lái xe ở Lào đã góp phần làm cho tình trạng TNGT thấp hơn ở Việt Nam đó là tính nhường nhịn khi tham gia giao thông. Lái xe trên đất Lào, từ quốc lộ thưa vắng cho đến trong đô thị chen chúc phương tiện nhưng rất ít khi nghe tiếng còi xe. Nếu một ai đó vô tình hoặc người nước ngoài cố tình sử dụng còi thì người đó sẽ nhận được ánh mắt thiếu thiện cảm của những người lái xe xung quanh. Tại những chỗ đường giao nhau không có điều khiển bằng tín hiệu đèn, gần như toàn bộ những người lái xe từ đường nhỏ ra đường lớn đều dừng lại, họ quan sát cho đến khi thật an toàn thì mới điều khiển phương tiện lưu thông vào đường lớn. Khi lưu thông trên quốc lộ, khi xe chạy sau báo hiệu bằng đèn hoặc có ý muốn vượt lên phía trước thì lập tức xe chạy trước giảm hẳn tốc độ, nép hẳn về phía bên phải nhường đường cho xe sau vượt lên một cách an toàn. Đức tính nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông của người Lào là yếu tố quan trọng giúp cho TNGT giảm đáng kể trong điều kiện ý thức pháp luật trong lĩnh vực giao thông ở đây chưa cao. Không biết đức tính nhường nhịn này của người Lào có được là do kết quả của sự giáo dục hay là bản tính được hình thành một cách tự nhiên? Đó có lẽ là câu hỏi dành cho những người đang làm công tác an toàn giao thông ở nước ta!
Nguyễn Hữu Quế