Phóng sự - Ký sự

Vì sao tội phạm lừa qua mạng vẫn hoành hành?: Sập bẫy lừa 'việc nhẹ lương cao'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bẫy lừa 'việc nhẹ lương cao' được cơ quan chức năng, báo chí thông tin từ lâu, nhưng đến nay vẫn có người bị sập bẫy.
Vừa qua, 42 người Việt Nam tháo chạy khỏi casino ở Campuchia, bơi qua sông Bình Di (H.An Phú, An Giang) để về Việt Nam ngày 18.8 như gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Đáng nói, bẫy lừa “việc nhẹ lương cao” được cơ quan chức năng, báo chí thông tin từ lâu, nhưng đến nay vẫn có người bị sập bẫy.

Tòa nhà các nạn nhân bị giam lỏng. Ảnh: Giang Phương
Tòa nhà các nạn nhân bị giam lỏng. Ảnh: Giang Phương
Nghi ngờ trước mức lương khủng, nhưng…
Em N.V.K (20 tuổi, ở TX.Điện Bàn, Quảng Nam) là một trong số 42 người Việt Nam bơi qua sông Bình Di (H.An Phú) để trốn thoát khỏi casino Campuchia về nước ngày 18.8 vẫn chưa hết bàng hoàng.
Học xong phổ thông, N.V.K đi làm lao động ở địa phương. Công việc không mấy ổn định, thu nhập lại bấp bênh nên K. luôn muốn ly hương để tìm kiếm cơ hội “đổi đời”. Thông qua mạng xã hội, K. quen biết một người tên Hòa (không rõ lai lịch) và được người này rủ rê, chào mời vào TP.HCM làm việc với mức lương bình quân 20 triệu đồng/tháng.
“Người này hỏi có biết sử dụng máy tính và chơi game không? Công việc chính là chỉ cần ngồi đánh game là có thể có 20 triệu đồng mỗi tháng. Nghe vậy, bản thân cũng đặt nghi ngờ là đâu ra có công việc nào dễ dàng mà thu nhập lại cao như vậy. Nhưng vì không có công việc ổn định, mặt khác thấy có thể kiếm được số tiền lớn, đỡ đần cha mẹ nên em đồng ý với đề nghị này”, K. kể rồi cho biết thêm được người đàn ông không rõ lai lịch hướng dẫn bắt xe khách vào Bến xe Miền Đông (TP.HCM) ngày 13.5. Tại đây, K. cùng một số nạn nhân được chuyển qua một ô tô khác để đến Mộc Bài (Tây Ninh), đưa qua Campuchia.
Mức lương trung bình tại Campuchia
Từ đầu năm 2022, mức lương tối thiểu hằng tháng tại Campuchia được quy định là 194 USD (4,53 triệu đồng), theo Hãng kiểm toán KPMG. Tiền lương có sự khác biệt lớn giữa các ngành nghề khác nhau và kinh nghiệm, nơi làm việc, kỹ năng, giới tính. Mức lương nằm trong khoảng từ 838.000 - 14,8 triệu riel/tháng (4,7 - 80 triệu đồng). Trong khi đó, theo Công ty đầu tư IPS-Cambodia, những người làm trong ngành dệt may, da nước này có mức lương khoảng 331 USD/tháng (khoảng 7,5 triệu đồng).
Vi Trân
N.V.K trước đó có đọc thông tin trên báo chí về những trường hợp bị lừa với chiêu thức “việc nhẹ lương cao”. Nên khi đối tượng nói làm lương tháng 20 triệu đồng thì cũng đặt nghi vấn nhưng nghĩ nói làm trong nước nên cũng nhẹ dạ cả tin rồi chấp nhận đề nghị đó. “Tại vì không có công việc ổn định, trong khi đó có những lời chào mời với tiền lương cao, lúc đó lợi ích làm cho tư tưởng nó nghĩ khác đi nên tôi liều mình chấp nhận đề nghị đó”, K. nói.
“Qua vụ việc lần này là một kỷ niệm nhớ đời của bản thân và có thể nó là của rất nhiều nạn nhân khác nữa. Sau này, bản thân sẽ theo dõi kỹ thông tin cũng như những lời cảnh báo để tránh những lời chào mời ngon ngọt kiểu này. Giờ chỉ mong làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu, không có đặt nặng vấn đề tiền bạc, cái háo danh “đổi đời” nữa. Hiện tôi cũng đang làm hồ sơ để xin đi làm công nhân ở khu công nghiệp trên địa bàn”, K. tâm sự.
Chưa được trực tiếp tuyên truyền
L.V.H. (18 tuổi, dân tộc Thái, ngụ H.Phong Thổ, Lai Châu, là một trong số 42 người chạy khỏi casino ở Campuchia) chia sẻ bản thân học hết lớp 7 rồi nghỉ học và đi làm ở công ty điện tử với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Hằng ngày đi làm, H. chỉ nghe loáng thoáng thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng xấu trên ti vi chứ không được ngành chức năng trực tiếp tuyên truyền.

L.V.H. (18 tuổi, quê Lai Châu) khai báo về quá trình lao động tại Campuchia. Ảnh: Trần Ngọc
L.V.H. (18 tuổi, quê Lai Châu) khai báo về quá trình lao động tại Campuchia. Ảnh: Trần Ngọc
Khoảng đầu tháng 6.2022, H. được bạn bè rủ sang Campuchia làm việc với mức lương 1.000 USD/tháng. Sau đó, H. được phía môi giới Campuchia mua vé máy bay từ Hà Nội vào TP.HCM và bao tiền xe di chuyển từ TP.HCM về miền Tây. Ngày 11.6, H. được hướng dẫn xuất cảnh trái phép từ biên giới H.Hồng Ngự (Đồng Tháp) sang làm việc tại casino Rich World, tỉnh Kandal, Campuchia. Thế nhưng, khi qua Campuchia, H. mới biết bản thân bị lừa bán cho casino với giá 2.600 USD.
Giải cứu nhiều nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc
Theo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Tây Ninh, từ tháng 1 - 8.2022, các đơn vị đã giải cứu hơn 100 nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc. Chỉ tính riêng Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (quản lý đoạn biên giới dài 17,9 km), từ đầu năm đến nay, đồn đã phát hiện, bắt giữ và bàn giao 9/49 trường hợp xuất cảnh trái phép; phối hợp với các cơ quan giải cứu đưa về nước gần 40 trường hợp nạn nhân bị cưỡng bức lao động. Qua công tác nắm tình hình, hiện TP.Bavet (Campuchia) tiếp giáp Tây Ninh có 9 casino đang hoạt động, trong đó 7 casino có người lao động từ Việt Nam sang làm việc với số lượng khoảng 10.000 người.
Cũng giống như trường hợp của H. chạy khỏi casino ở Campuchia, anh P.V.M.T (30 tuổi, quê Gia Lai) cho hay thỉnh thoảng cũng nghe báo đài tuyên truyền về các vụ lừa đảo sang Campuchia đòi tiền chuộc, nhưng chưa có thông tin rõ ràng về các nạn nhân cho lắm. Vì thế, tháng 3.2022, anh sang Campuchia làm việc theo lời giới thiệu của một người bạn trên Facebook. Tính đến tháng 8.2022, anh đã bị bán qua 3 casino với giá lần lượt 2.200 USD, 2.500 USD và 3.000 USD. “Thật sự không có chuyện “việc nhẹ lương cao” như giới thiệu, quảng cáo. Mỗi người khi tìm việc phải tỉnh táo để tránh bị lừa đảo như tôi”, anh T. khuyên nhủ.
Do bản thân cả tin
Nhắc đến cảnh tượng chuộc người về từ Campuchia ngày 26.6.2022, gia đình anh N.C.T (38 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn chưa hết ám ảnh. Anh C.T chính là nạn nhân của bẫy lừa “việc nhẹ lương cao”.
Nói lý do bị dính bẫy lừa, anh C.T không ngần ngại thừa nhận phần lớn do bản thân cả tin. Cuối tháng 6.2022, do thất nghiệp trong khi vợ con đang chật vật từng ngày, anh C.T tìm thấy thông tin tuyển dụng sang Campuchia làm việc với mức lương 18 - 20 triệu đồng, chỉ cần biết đánh máy vi tính. Anh cho hay một phần anh cũng ít đọc kỹ các thông tin đăng tải trên báo chí về tình trạng lừa đảo này. Đáng nói, đây là thời điểm báo chí liên tục đăng tải rất nhiều thông tin về tình trạng lừa đảo sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao” và đòi tiền chuộc. Do đó, dù anh đã có chút do dự vẫn quyết định gật đầu.

Anh N.C.T vừa được chuộc ra khỏi tòa nhà ở Campuchia. Ảnh: Giang Phương
Anh N.C.T vừa được chuộc ra khỏi tòa nhà ở Campuchia. Ảnh: Giang Phương
Sau đó, anh C.T liên hệ với phía tuyển dụng và tin lời hơn khi được khẳng định “cứ an tâm, sang Campuchia tham quan chỗ ăn ở, việc làm nếu được thì làm, không được sẽ có xe đưa về lại TP.HCM”. Từ thông tin này, anh tin tưởng gật đầu và mang theo 200.000 đồng bỏ túi và một bộ đồ dính thân bắt đầu chuyến tham quan chọn công việc. “Ban đầu tôi nghĩ làm việc ở nước ngoài mới có giá cao và còn được xem trước công việc mới không nghĩ đó là bẫy lừa”, anh C.T nói.
Ngay sau khi anh gật đầu, ô tô đến tận cửa rước về hướng tỉnh Long An rồi xuất cảnh sang Campuchia. Tuy nhiên, sang đây, anh C.T được đưa vào một khu nhà biệt lập, có hàng rào chắn dây thép kẽm gai lắp đầy camera, các đội an ninh bảo vệ nhiều lớp nghiêm ngặt… mới biết bị lừa bán. Muốn về, gia đình anh C.T phải chuộc với giá 2.600 USD (60 triệu đồng), nếu không sẽ bị bán cho công ty khác với giá chuộc cao hơn, hoặc bị đánh đập, bán nội tạng...
Ngày 26.6, PV Thanh Niên đã trực tiếp theo chân, hỗ trợ bà V.T.M.D (67 tuổi, mẹ anh C.T) và anh N.C.Tr (46 tuổi, anh ruột nạn nhân) từ Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (H.Bến Cầu, Tây Ninh) làm thủ tục xuất cảnh sang Campuchia với hành trình chuộc người đầy căng thẳng ngay trong loạt bài điều tra Nhức nhối lừa bán lao động qua Campuchia đăng trên Thanh Niên vào tháng 6.2022.
(còn tiếp)
Theo Mạnh Cường - Giang Phương (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm