Phóng sự - Ký sự

Vì sự an toàn và ổn định đời sống cho người dân - Kỳ III: Để người dân được an cư lạc nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sớm nhận thấy những khó khăn, vướng mắc, bất cập nảy sinh, tỉnh ta đã và đang triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ, khắc phục để người dân được an cư lạc nghiệp trên những vùng đất mới.

Điểm chung ở các khu tái định cư của huyện Kon Plông, Đăk Hà, Đăk Glei (Kon Tum) là nhiều hộ dân không đến ở các khu tái định cư hoặc có đến ở trong một thời gian ngắn rồi quay trở lại làng cũ; người dân thiếu đất sản xuất, hoặc khu tái định cư cách xa nơi sản xuất, nhà cửa chưa đảm bảo, không phù hợp với cuộc sống cộng đồng.

Trước tình hình này, UBND tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương tháo gỡ khó khăn; đồng thời, lãnh đạo tỉnh trực tiếp kiểm tra, làm việc với các địa phương, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời chỉ đạo, triển khai các giải pháp ổn định cuộc sống.

Toàn cảnh khu tái định cư Đăk Đrinh. Ảnh: VP

Toàn cảnh khu tái định cư Đăk Đrinh. Ảnh: VP

Các địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động như tổ chức các đoàn công tác đến từng hộ gia đình nắm bắt tình hình, đồng thời vận động người dân đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, ổn định cuộc sống; tổ chức đối thoại để người dân hiểu rõ những lợi ích, sớm chuyển về các khu tái định cư; lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, từng bước đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa.

Như ở Dự án quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đăk Long (huyện Đăk Hà), thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, huyện đã triển khai các phương án khắc phục, tổ chức đối thoại với 50 hộ dân di dời đợt 2 chưa lên ở cố định tại khu tái định cư. Đồng thời, để tạo điều kiện cho người dân an cư, đã tiến hành khoan 5 giếng khoan đảm bảo nước sinh hoạt cho các hộ dân; hỗ trợ đầu tư sản xuất cho người dân. Xã Đăk Long đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi sửa chữa nhà cửa; xã không xác nhận hồ sơ đối với các trường hợp sang nhượng đất ở, đất sản xuất trái phép của các hộ dân sau khi được cấp đất tái định cư, định canh. Tuy nhiên, đến nay, mới có 8 hộ chuyển lên ở cố định, vẫn còn 42 hộ lên canh tác rồi về lại nơi ở cũ.

Ngày 6/7/2023, UBND tỉnh có văn bản đề nghị UBND huyện Đăk Hà tuyên truyền, vận động 42 hộ còn lại di dời lên khu tái định cư để ổn định cuộc sống; lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất; chính quyền huyện cần rà soát, cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách cấp huyện để khắc phục các tồn tại, hạn chế tại khu tái định cư.

Ông Hà Tiến- Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho hay, trong thời gian tới, huyện sẽ lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia, khoan thêm giếng nước để người dân ổn định cuộc sống. Đồng thời, xây dựng một khu vực bố trí đất canh tác cho bà con ở xã lân cận để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Còn ở huyện Đăk Glei, mặc dù các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhưng đến nay một số hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ và nhận đất thuộc dự án vẫn chưa chuyển đến sinh sống ở các khu tái định cư. Theo bà Y Thanh- Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei, để người dân sớm ổn định cuộc sống ở các khu tái định cư, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân thuộc diện thụ hưởng dự án sớm về các điểm, khu tái định cư để ổn định cuộc sống cũng như phát triển sản xuất. Chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 273 hộ triển khai năm 2019 nhằm bảo đảm quyền lợi cho nhân dân. Cùng với tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, huyện chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm, hỗ trợ cây, con giống, mở các lớp tập huấn để người dân từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển kinh tế gia đình.

Chính quyền địa phương xã Đăk Pét đến thăm hỏi, động viên hộ duy nhất đã đến ở khu tái định cư Măng Rao. Ảnh: V.P

Chính quyền địa phương xã Đăk Pét đến thăm hỏi, động viên hộ duy nhất đã đến ở khu tái định cư Măng Rao. Ảnh: V.P

Bà Y Thanh cho biết thêm: Huyện cũng có tờ trình đề xuất với UBND tỉnh nên mở rộng các đối tượng hưởng thụ các điểm tái định cư. Ví dụ như xã Đăk Pét hiện nay qua rà soát, khảo sát là người dân có nhu cầu về khu tái định cư là khoảng 65 hộ. Các hộ dân này chủ yếu sống dọc sông Pô Kô. Mong rằng, UBND tỉnh cho chủ trương mở rộng đối tượng để khu tái định cư phát huy hiệu quả.

“Huyện cũng đề nghị UBND tỉnh, các sở ngành liên quan hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống các công trình kè chống sạt lở tại các vị trí mái ta luy có nguy bị sạt lở cao ở các điểm tái định cư để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống”- bà Y Thanh cho hay.

Đối với Dự án di dân, tái định cư, tái định canh thủy điện Đăk Đrinh ở huyện Kon Plông, ngày 14/6/2023, UBND tỉnh có Báo cáo số 182/BC-UBND trình Bộ Công thương quan tâm, xem xét đề nghị Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam chỉ đạo Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh chuyển kinh phí hỗ trợ chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định canh, định cư dự án thủy điện Đăk Đrinh trên địa bàn huyện Kon Plông. Huyện Kon Plông chỉ đạo xã Đăk Nên phối hợp với các ban ngành địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động, di dời 50 hộ dân về khu tái định cư sinh sống, đồng thời tiến hành sửa chữa khắc phục cơ sở hạ tầng hư hỏng nhằm đảm bảo cho các hộ dân ổn định nơi ở tái định cư.

Đối với Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ giãn dân làng Xộp, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, các cấp, các ngành, huyện Sa Thầy đang khẩn trương hoàn thiện đề án định giá đất, bên cạnh đó, tập trung giải quyết công tác bồi thường theo đúng quy định.

Theo ông Huỳnh Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để khắc phục những vướng mắc, bất cập nảy sinh, sớm ổn định cuộc sống cho người dân ở các khu tái định cư, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp các địa phương theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra giám sát, tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình thực hiện công tác bố trí dân cư tại các khu tái định cư trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tiến hành lồng ghép các chương trình, dự án, đề án thuộc phạm vi của ngành để hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập ổn định đời sống sản xuất lâu dài cho người dân tại khu tái định cư.

Có thể bạn quan tâm