Vị thế của luật sư ngày càng được nâng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 14-10-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 123 về “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư”. Theo đó, từ ngày 28-11-2013, mức thù lao của luật sư tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự do khách hàng và văn phòng luật sư, công ty luật thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp luật được tính theo giờ hoặc tính trọn gói theo vụ việc không được vượt quá 0,3 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định (345.000 đồng/giờ làm việc), thay vì 100.000 đồng/giờ như quy định trước đây.

Đối với những vụ án do yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng mời thì mức thù lao chi trả cho luật sư là 0,4 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định (460.000 đồng/ngày làm việc). Ngoài khoản tiền thù lao, trong quá trình chuẩn bị và tham gia bào chữa tại phiên tòa, luật sư được thanh toán chi phí tiền tàu xe, lưu trú theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác trong nước.
 

 Các luật sư biểu quyết tại Đại hội Luật sư tỉnh. Ảnh: Hoàng Cư
Các luật sư biểu quyết tại Đại hội Luật sư tỉnh. Ảnh: Hoàng Cư

“Quy định là vậy, nhưng đến nay, lãnh đạo các cơ quan tư pháp trong tỉnh mới chỉ họp bàn. Tuy chưa nhận được chế độ thù lao mới, nhưng các luật sư rất vui mừng đã thấy rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước…”-luật sư Hoàng Ngọc Xuân-Phó Chủ nhiệm Thường trực Đoàn Luật sư tỉnh cho biết.   

 Luật sư không chỉ có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, mà còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển xã hội. Thấy rõ tầm quan trọng đó, Tòa án Nhân dân ở nhiều địa phương tiến hành đổi mới phương cách làm việc để nâng cao vị thế của luật sư tại phiên tòa, thúc đẩy sự dân chủ, bình đẳng, văn minh.

Theo đó, Hội đồng xét xử-những người có thẩm quyền cao nhất trong phiên tòa ngồi ngay dưới Quốc huy, ngồi độc lập, ngồi trên cao và ngồi ở chính giữa. Ngồi dưới Hội đồng xét xử là Thư ký phiên tòa. Ngồi phía bên tay phải Thư ký là đại diện Viện Kiểm sát (kiểm sát viên-bên buộc tội). Ngồi phía bên tay trái Thư ký là luật sư (bên gỡ tội ngồi đối diện với bên buộc tội). “Đổi mới vị trí ngồi như thế là thể hiện sự thân thiện, dân chủ, bình đẳng và tôn nghiêm trong phiên tòa, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, được nhiều người tiến bộ đồng tình”-luật sư Ngô Đức Nam-Đoàn Luật sư tỉnh khẳng định. “Tuy nhiên, ngoài chức năng thực hành quyền công tố nhà nước tại phiên tòa, kiểm sát viên còn có chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp, kiểm sát công tác xét xử. Chính vì vậy mà việc bố trí kiểm sát viên ngồi ngang hàng, ngồi đối diện với luật sư phải có sự chỉ đạo thống nhất”-Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh-ông Võ Đông Sơ chia sẻ.

Ngoài động thái đổi mới chỗ ngồi trong phiên tòa, nhiều cơ quan Tòa án Nhân dân còn đầu tư kinh phí lắp đặt camera, chụp ảnh, ghi âm diễn biến các phiên tòa và tạo điều kiện cho luật sư, các đương sự, người đại diện hợp pháp lắng nghe, xem biên bản phiên tòa ngay sau khi phiên tòa kết thúc. Những việc làm nêu trên đã hỗ trợ cho những người tham gia phiên tòa chỉnh đốn trang phục; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; nâng cao tinh thần trách nhiệm thi hành pháp luật; góp phần đảm bảo tính uy nghiêm ở chốn công đường; tránh khả năng mất trật tự, ghi biên bản phiên tòa và bản án bị chỉnh sửa, án oan sai, khiếu nại tố cáo kéo dài.

Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm