Vi vu khám phá Cù Lao Xanh "xứ nẫu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Về “xứ nẫu”, hỏi Cù Lao Xanh (xã Nhơn Châu, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) hẳn ai cũng có thể chỉ ra hòn đảo án ngữ giữa hai cửa vịnh Quy Nhơn và vịnh Xuân Đài.

Cù Lao Xanh



Đặc biệt, tuyến đường vòng đảo mới mở chạy quanh co bám theo bờ biển nên khá thuận tiện khi xuống khu vực rừng đá, những bãi tắm nhỏ kín gió, hoặc rẽ lên đỉnh núi.

Mặc dù Cù Lao Xanh chưa có lưới điện quốc gia, đời sống dân đảo vẫn còn khó khăn, song đường sá trên đảo đều được đổ bêtông hoặc tráng nhựa mỏng.

Đây là vị trí lý tưởng để khách phương xa vừa thăm ngọn hải đăng cổ, cột cờ vừa phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh Cù Lao Xanh giữa muôn trùng sóng nước.

Đó cũng là chất xúc tác khiến tôi quyết tâm tổ chức cho khách "phượt" quanh đảo bằng xe máy ngay chuyến đầu tiên. Nhờ bạn bè giúp đỡ, chúng tôi được ông bà Sáu Deo sống trên đảo hỗ trợ nấu nướng với tinh thần "nấu gì ăn nấy", thuê được chiếc tàu gỗ rộng rãi, vững chãi đón đưa khách theo chương trình đã thiết kế.

Khó nhất là việc thuê xe máy để khách tự lái dạo chơi, ngắm cảnh... Bởi cho thuê xe là chuyện lâu nay không có tiền lệ, hơn 500 hộ dân trên đảo chủ yếu mưu sinh dựa vào chiếc thuyền câu, thuyền thúng, nếu muốn vô đất liền đã có tàu chợ hằng ngày, nên ít người sắm xe.

May mắn lại đến với chúng tôi khi thuê được hơn 10 chiếc xe, bao gồm vài chiếc thuộc đời "ơ kìa" nhờ tài thuyết phục của ông Sáu. Chúng tôi đã làm cuộc khám phá đảo đúng nghĩa, một số điểm khá lạ lẫm, chưa nhiều người biết tới.

Từ hải đăng Cù Lao Xanh, một công trình cổ được xây dựng năm 1890 trên đỉnh núi cao 120m, đến cột cờ chủ quyền nằm kề các khối đá tạo hình phong phú. Có tảng đá có hình tựa đầu lân, có tảng đá giống bàn tay đủ cả năm ngón, bàn cờ, giếng tiên...

Buổi chiều, chúng tôi dành khoảng ba tiếng vi vu khám phá dãy rừng đá chạy dài từ phía tây sang phía bắc đảo. Không thể tưởng tượng nổi, cả một trái núi trập trùng chỉ toàn đá là đá, hình dạng vô cùng sống động, phong phú.

Chỗ này vô số đá tròn, hòn lớn hòn bé, chen đặc dựng đứng như bức tường khổng lồ, nơi khác đá ken đặc tua tủa như rừng gươm giáo trong mê hồn trận...

Ở một khúc quanh trên đường, chúng tôi bắt gặp tảng đá mang hình thù con thuyền nằm chênh vênh trên một tảng đá lớn.

Thời gian dành cho tour rất sít sao, cho nên hầu như ai cũng luôn trong tâm thế sẵn sàng dừng xe, cùng ùa xuống biển khi hoàn cảnh cho phép ở bất cứ bãi tắm nào. Chúng tôi được dịp lặn bằng kính lặn và ống thở ở độ sâu 3-4m tại một số địa điểm quanh đảo: bãi Nhỏ, bãi Nam, bãi Trước... cho tới những ghềnh đá dưới núi Hải Đăng.

Trong nhóm không ít người lần đầu được ngắm nhìn thế giới san hô kỳ ảo, cùng các loài rong biển đong đưa theo từng cơn sóng ngầm, những đàn cá đủ màu sắc nhởn nhơ bơi lượn...

Trở lại Cù Lao Xanh lần này, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi trong cung cách du lịch của người dân nơi đây: những bữa ăn được chăm chút, sự đáp ứng dịch vụ trong phạm vi cho phép mà chẳng kỳ kèo giá cả...

Mong lắm một mô hình du lịch cộng đồng dần được hình thành nơi đây!

Trần Thế Dũng (Tuoitre)

Có thể bạn quan tâm