Thời sự - Bình luận

Việc cần làm sau những cảnh báo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tuân thủ nghiêm quy định quốc tế là giải pháp căn cơ cho mọi ngành hàng phát triển bền vững, trong đó có rau quả.

Sau hơn ba tháng lấy ý kiến rộng rãi của các bên liên quan, cuối tháng 7-2024 vừa qua, Cục Kiểm dịch động thực vật Hàn Quốc đã chính thức công bố trên website của mình các quy định cho phép nhập khẩu quả bưởi tươi từ Việt Nam. Cùng với thanh long và xoài, bưởi sẽ là loại quả tươi thứ ba của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc. Trước đó, tháng 8/2023, Cục Kiểm dịch thực vật Mỹ cũng “mở cửa” thị trường với quả dừa sọ của Việt Nam.

Từ tháng 7/2024 bưởi sẽ là loại quả tươi thứ ba của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc. Nguồn ảnh Saigon Co.op

Từ tháng 7/2024 bưởi sẽ là loại quả tươi thứ ba của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc. Nguồn ảnh Saigon Co.op

Việc một số loại quả của Việt Nam được phép nhập khẩu vào các thị trường lớn, “khó tính” có thể xem là một bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, đồng thời khẳng định chất lượng và uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui đó, thông tin từ Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật Việt Nam - Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong nửa đầu năm 2024, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra 2.078 cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm, thủy sản xuất khẩu của tất cả các quốc gia xuất khẩu vào thị trường này, trong đó, Việt Nam nhận được 57 cảnh báo. Dù chỉ chiếm tỷ lệ 2,1%, nhưng con số này đã đặt ra vấn đề đáng suy ngẫm. Bởi nó đã tăng hơn 80% so cùng kỳ năm 2023, và Thành phố Hồ Chí Minh lại là địa phương nhận nhiều nhất, với 23 cảnh báo.

Điều này đã làm tăng tần suất kiểm tra biên giới của các nước đối với nông sản Việt Nam. Và nếu không có biện pháp quản lý chất lượng hữu hiệu, có thể sắp tới EU sẽ tăng cường kiểm soát, áp dụng các quy định cấm nhập khẩu một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Thực tế, việc các quốc gia xuất khẩu sang EU nhận được các cảnh báo là bình thường, kể cả những nước có nền nông nghiệp phát triển. Dù vậy, số lượng cảnh báo mà Việt Nam nhận được vừa qua lại rất đáng báo động. Bởi nguyên nhân bị gia tăng cảnh báo chủ yếu là do doanh nghiệp xuất khẩu chưa tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu. Cụ thể, có tới 95% số hộ nuôi tôm sử dụng kháng sinh và nhiều vùng trồng sầu riêng vẫn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Và tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của cơ quan quản lý cũng chưa đạt yêu cầu khi mới có khoảng một nửa vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng trên cả nước được giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tuân thủ nghiêm quy định quốc tế là giải pháp căn cơ cho mọi ngành hàng phát triển bền vững, trong đó có rau quả. Nguồn cung lớn, ổn định thì bài toán chất lượng cần giải quyết hiệu quả để xuất khẩu rau quả tăng trưởng cao hơn.

Ai cũng hiểu, chính những nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cần phải nâng cao ý thức từ việc sản xuất, chế biến, đóng gói... để tự bảo vệ thương hiệu nông sản của mình, và hạn chế bị nhận cảnh báo đỏ của các thị trường xuất khẩu quan trọng.

Song, rõ ràng như vậy là chưa đủ!

Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan cần “siết chặt”, thậm chí đề xuất áp dụng các chế tài mạnh hơn trong quản lý chất lượng, vùng trồng. Thực tế minh chứng, chỉ khi chế tài đủ mạnh, đủ nghiêm, sự tự giác cần có của các chủ thể tham gia mới được thiết lập và nông sản, thực phẩm không đạt chất lượng mới không thể lọt ra thị trường.

Đây là điều vô cùng quan trọng trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa nông sản Việt Nam và các nước ở các thị trường lớn đang ngày càng gay gắt.

Theo Bắc An (NDO)

Có thể bạn quan tâm