Phóng sự - Ký sự

Việt - Lào - Campuchia samaki !: Ươm mầm hữu nghị từ những buổi đầu tiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chọn đến TP.HCM học tập, những sinh viên Lào và Campuchia đã tìm được một điểm tựa tinh thần.

Việc các gia đình Việt Nam nhận đỡ đầu sinh viên nước bạn được biết đến rộng rãi trong 2 năm qua (2023, 2024), nhưng thực tế, tình cảm, sự trân quý, tình hữu nghị và tinh thần "samaki" (đoàn kết) đã được vun đắp từ lâu, như lời bài hát "Lào - Việt - Khmer samaki/Chung dòng Mê Kông/Khmer - Việt - Lào chung tiếng ca…".

Không còn đơn độc

Ngày 12.6, bà Trương Thúy Uyên (58 tuổi, ở P.15, Q.4, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia TP.HCM) trở về sau chuyến đi 4 ngày cùng đoàn đại biểu gia đình Việt Nam giao lưu với gia đình của sinh viên (SV) Campuchia đang học tập tại TP.HCM. Bà Uyên nguyên là Phó hiệu trưởng Trường THCS Vân Đồn (Q.4).

Lun Leangchheng (23 tuổi, quê H.Prey Chhor, tỉnh Kampong Cham, Campuchia), SV năm cuối ngành kỹ thuật hóa học Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ngồi cạnh bà Uyên, xưng "mẹ, con" ngọt xớt. Hai mẹ con gắn bó từ năm 2022 đến nay nhờ chương trình Gia đình Việt với SV Lào, Campuchia của TP.HCM.

Bà Trương Thúy Uyên bên "con gái rượu" Leangchheng

Bà Trương Thúy Uyên bên "con gái rượu" Leangchheng

Đến nơi đất khách quê người học tập, Leangchheng chia sẻ gia đình của mẹ Uyên là chỗ dựa vững chắc và là nơi "lên dây cót" tinh thần cho cô mỗi khi cô gặp trúc trắc trong cuộc sống. Nói tiếng Việt khá rành, Leangchheng kể ba mẹ ruột mình buôn bán nhỏ tại nhà, anh trai làm kỹ sư xây dựng. Gia đình ở vùng quê nghèo tại Campuchia nên khi Leangchheng nhận được học bổng sang Việt Nam, gia đình mừng lắm, dặn dò cô nỗ lực tự lập, chăm chỉ học tập.

"Lúc học cấp ba, tôi biết tới học bổng của Việt Nam nên ứng tuyển. Tôi chọn học ở đây vì gần nhà. Ngày tôi đi, mẹ tôi đến tập trung cùng đoàn SV sang Việt Nam. Đó là cuối năm 2018. Sau đó, tôi học tiếng Việt một năm rồi mới vào năm nhất ĐH và tham gia chương trình Gia đình Việt với SV Lào và Campuchia", Leangchheng kể.

Lúc mới qua, cô khóc hoài vì nhớ nhà, lạ ngôn ngữ và chưa quen chuyện ăn uống. Khi quen dần với nhịp sống mới và được nhận gia đình đỡ đầu, Leangchheng mới thấy mọi thứ thoải mái hơn.

Bà Trương Thúy Uyên và mẹ ruột của Leangchheng

Bà Trương Thúy Uyên và mẹ ruột của Leangchheng

"Giờ thì tôi đã quen với văn hóa Việt Nam rồi, nhờ một phần gắn bó với nhà mẹ. Đây là gia đình thứ hai của tôi. Khi về lại gia đình, tôi nhớ mẹ Uyên, bà ngoại, nhớ anh trai của gia đình Việt Nam như nhớ điều gì đó thân thuộc với mình vậy. Tôi thèm hương vị món cơm sườn ở thành phố. Với tôi, TP.HCM có điều kiện sống tốt, con người thân thiện. Bạn bè người Việt giúp đỡ tôi rất nhiều, từ ngôn ngữ, học tập đến nhiều vấn đề khác trong đời sống. Cảnh ở Việt Nam lại đẹp nữa, tôi được đi cùng mẹ và bạn bè tới nhiều nơi, nhất là các tỉnh miền Tây như Long An, Bến Tre, Đồng Tháp...", Leangchheng chia sẻ.

Gần 6 năm gắn bó với TP.HCM, giờ đây, Leangchheng có ý định sẽ làm việc ở thành phố một thời gian rồi mới tính về nước hẳn.

Ngồi nghe con kể, bà Uyên cười, thỉnh thoảng góp chuyện. Bà chia sẻ mình xem Leangchheng như con ruột. Con trai bà và cô con gái đỡ đầu cùng trang lứa, chung trường nên rất hòa đồng, giúp đỡ nhau nhiều và có dịp là chở nhau "đi ăn uống muốn hết cả Sài Gòn". Với lòng tận tâm của nhà giáo, bà Uyên lúc nào cũng ân cần giảng cho Leangchheng về cách xưng hô, giao tiếp của người Việt, từ vựng mới, văn hóa mới.

Leangchheng không phải là SV đầu tiên bà Uyên nhận đỡ đầu. Bà cho hay: "Chương trình Gia đình Việt với SV Lào, Campuchia mặc dù mới được thí điểm tại TP.HCM năm 2019 và chính thức triển khai từ năm 2022, nhưng thực tế đã ra đời từ năm 2012. Đó là chương trình "Ươm mầm hữu nghị" do Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia phát động nhằm giúp đỡ du học sinh nước bạn đến học tập tại Việt Nam".

Từ năm 2012, bà Uyên đã âm thầm nhận đỡ đầu nhiều SV Campuchia sang Việt Nam học tập. Bà nói, lúc đó chủ yếu động viên về tinh thần, bà đưa các con đi chơi, chia sẻ để các con đỡ nhớ quê.

"Có đứa đã về nước, có đứa lấy vợ ở Việt Nam. Đến giờ tôi có 8 đứa con rồi. Mấy đứa nhỏ hay hỏi thăm, quan tâm tôi lắm. Như Leangchheng, lúc đầu còn ngỡ ngàng, xa lạ. Con thường ở ký túc xá và việc học cũng bận rộn nên ban đầu, để làm quen, tôi dẫn con đi ăn uống, đi chơi… Dần dà, mẹ con có tình cảm, gắn bó với nhau. Giờ đây hễ rảnh là Lengcheng ghé qua nhà", bà Uyên cho hay.

Mới sang thăm gia đình ba mẹ ruột Leangchheng ở Campuchia về, bà Uyên hiểu được thêm về hoàn cảnh của con. "Tôi tự hào khi nghe con học giỏi nhất nhì trong làng. Mẹ ruột của Leangchheng nói bà khổ cực cũng được nhưng sẽ dành hết mọi điều tốt nhất cho con. Bà cảm ơn tôi vì đã cưu mang và thương yêu Leangchheng như người thân. Tôi cũng biết ơn vì mối duyên này đã cho tôi thêm một đứa con gái. Nếu con có ý định làm việc ở TP.HCM một thời gian, tôi sẽ cố gắng kiếm sở làm tốt cho con để có thu nhập gửi về phụ giúp gia đình ở Campuchia", bà Uyên chia sẻ.

Lengcheng cảm thấy mình may mắn khi làm con của mẹ Uyên. Cô hy vọng nhiều SV Campuchia khác sẽ tham gia chương trình và tiếp tục nhận được nhiều sự hỗ trợ, kết nối văn hóa của thành phố. Cá nhân cô sẽ đóng vai trò cầu nối, giới thiệu chương trình cho bạn bè, đàn em mình đăng ký tham gia.

"Như con của mình"

Bà Tô Phương Anh (ở P.13, Q.Tân Bình) cũng tham gia chương trình Gia đình Việt với SV Lào, Campuchia từ những ngày đầu. Bà đang nhận đỡ đầu cho 4 SV Lào, trong đó có 2 SV đang học tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, 1 bạn đang học ở Trường ĐH Văn Lang và bạn còn lại là Kiyang Kangpao (25 tuổi, quê tỉnh Oudomxay, Lào, SV Học viện Hàng không).

Bà Tô Phương Anh chụp hình cùng các con đỡ đầu

Bà Tô Phương Anh chụp hình cùng các con đỡ đầu

Kiyang thường đến nhà của mẹ Phương Anh nhiều nhất vì ký túc xá của anh ở gần. Đến Việt Nam theo diện học bổng năm 2019, Kiyang dành một năm học tiếng Việt ở Hà Nội rồi vào TP.HCM theo đuổi chương trình ĐH và được nhận đỡ đầu năm 2022. Kiyang cho biết anh đã hoàn thành việc học và sắp về nước với dự định sau này sẽ làm việc trong lĩnh vực kiểm soát không lưu.

Kiyang chia sẻ nhiều về quãng thời gian đẹp đẽ, bình dị và sâu lắng tại Việt Nam. Anh tâm sự sẽ rất nhớ mẹ đỡ đầu và mảnh đất này. Thế nên, trong kế hoạch phía trước, Kiyang nghĩ đến việc kiếm tiền để bay sang Việt Nam thăm mẹ. Anh kể về những ngày đầu đến Việt Nam, ngơ ngác giữa dòng người. Ngôn ngữ, cách giao tiếp, đường sá đông đúc và nhất là món ăn, tất cả đều không quen.

Nhưng rồi được kết nối với nhiều bạn bè người Việt, tham gia nhận gia đình đỡ đầu, với Kiyang giờ đây mọi thứ đã dần quen thuộc. Bây giờ, đi đâu, anh cũng thấy nhớ Việt Nam. "Người Lào ăn cay và mặn hơn người Việt. Nhưng giờ thì tôi ghiền món Việt. Tôi mê nhất chả giò, gỏi cuốn mẹ làm. Cứ rảnh là cả nhà lại vào bếp. Tôi cũng thường nấu món Lào mời ba mẹ thưởng thức", Kiyang chia sẻ.

Kiyang cùng mẹ Phương Anh dự ngày hội Gia đình Việt - Lào - Campuchia năm 2023

Kiyang cùng mẹ Phương Anh dự ngày hội Gia đình Việt - Lào - Campuchia năm 2023

Món ăn mà bà Phương Anh được con đỡ đầu mời nhiều nhất là lạp - "quốc thực" của người Lào. "Khá cay đó nhưng ngon lắm. Nhớ hồi nào các con chưa nói tiếng Việt được nhiều, về sinh hoạt ở nhà mới nên ngại. Tôi giúp các con học thêm tiếng Việt, giao tiếp tự tin hơn nên tôi nói gì thì các con nói theo. Rồi có dịp cả nhà cùng tham gia chương trình của địa phương, đi chơi, thăm các địa điểm du lịch, di tích lịch sử để con hiểu thêm văn hóa của thành phố và của đất nước Việt Nam", bà kể.

Khi được hỏi thời gian đầu các con đỡ đầu mới tới có làm xáo trộn, thay đổi sinh hoạt của gia đình không, bà Phương Anh liền chia sẻ: "Nhà vui lên! Các con ban đầu gọi bố mẹ luôn. Đứa nào cũng như con mình. Tôi cũng công tác ở hội phụ nữ của phường, hay tham gia công tác xã hội nên tôi thoải mái, cởi mở với các con. Đối với tôi việc gặp được các con là cái duyên lớn. Bây giờ Kiyang sắp về nước, tôi cũng thấy buồn, nhưng mong là dù đi đâu thì cuộc sống và sự nghiệp của con sẽ luôn như ý, hạnh phúc".

(còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm