Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng khí hậu cực đoan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 14-10, Trường Đại Học Kinh tế Huế phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cùng các đơn vị ban ngành trên địa bàn tỉnh tổ chức Hội thảo "Thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai dưới góc nhìn của thiệt hại và mất mát".

Hội thảo thích ứng biến đổi khí hậu
Hội thảo thích ứng biến đổi khí hậu


Buổi Hội thảo đã khái quát tình hình biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tại ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Theo đó, Việt Nam là một trong 4 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng khí hậu cực đoan trong 2 thập kỷ qua và đứng thứ 3 nếu chỉ tính riêng năm 2008. Ở nước ta, mỗi năm thiên tai đã cướp đi mạng sống của 466 người; gây thiệt hại trên 1,5 tỷ USD, tương đương với 1,5% GDP.

Tiến sĩ Trần Tuấn Anh, trường Đại học Kinh tế Huế, nhận định, biến đổi khí hậu đã diễn biến ngày càng phức tạp, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 15 năm gần đây (1998-2012) có chiều hướng tăng nhanh gấp 2 lần so với mức độ tăng trung bình; nồng độ các khí thải nhà kính trong khí quyển tăng mạnh; nhiệt độ bề mặt trái đất giai đoạn 1901-2012 đã tăng 0,89°C; nhiệt độ không khí trên biển, mặt biển tăng nhanh trong 3 thập kỷ gần đây; nước biển dâng cao, tăng 3,2 mm/năm giai đoạn 1993-2010…. Diễn biến này đã kéo theo tần suất xuất hiện của các hiểm họa thiên nhiên như ngập úng, lũ, bão, áp thấp nhiệt đới, hạn hán, lũ quét, xói lở, bồi lấp, lốc xoáy diễn ra với cường độ cao.

 

Sạt lở biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Sạt lở biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu xây dựng những kịch bản biến đổi khí hậu. Kịch bản đầu tiên được công bố năm 2003; các kịch bản tiếp theo được công bố vào các năm 2007, 2009 và 2012. Các kịch bản này nhằm xây dựng năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, xây dựng khả năng phục hồi của cộng đồng trước các diễn biến của thời tiết.

Liên quan đến thiệt hại và mất mát do rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, tiến sĩ Trần Hữu Tuấn, Trường Đại học Kinh tế Huế cho biết: “Có hai hình thức thiệt hại, thiệt hại trực tiếp như vật chất, tài sản, nhà cửa, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, mất mát về con người, sức khỏe, sinh thái và môi trường. Hai là thiệt hại gián tiếp gồm mất mát về sản xuất công nghiệp,gián đoạn giao thông, thông tin liên lạc, chi phí khẩn cấp, bất lợi của quá trình phục hồi sau thiên tai, gia tăng tổn thương của những người sống sót”.

Tiến sĩ Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, các giải pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu rủi ro, tăng khả năng phục hồi của cộng động cần bắt nguồn từ các giải pháp sử dụng và quản lý các tài nguyên. Các đảo chắn, rừng ven biển, quản lý đồng bằng ngập lũ, giảm thiểu khí thải nhà kính, trồng rừng đầu nguồn, phục hồi rạn san hô, bảo tồn đất ngập nước và ven sông, giữ và duy trì nước thoát. Bên cạnh đó, còn đầu tư vốn và cơ sở hạ tầng, trang bị thêm cho các tòa nhà để giảm thiểu tác động, di dời cộng đồng, cấu trúc có thể nổi trên mặt nước…

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm