Vĩnh Hy một lần đến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm giờ sáng, bạn đón tôi ở bến xe Phan Rang, cái nóng hầm hập đã thấm vào thịt da khi mặt trời ở biển mới nhấp nhô lên khoảng một con sào. Tư vấn về điểm đầu tiên trong kỳ nghỉ hè, bạn nói: “Nếu không có nhiều thời gian thì nên đến vịnh Vĩnh Hy. Đó là nơi đáng đến nhất trong những điểm đến ở Ninh Thuận”.

Vịnh Vĩnh Hy là một trong 4 vịnh đẹp nhất Việt Nam, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Ninh Thuận, ngay sát Vườn Quốc gia Núi Chúa. Đó là vài dòng ngắn ngủi giới thiệu trên mạng mà tôi đã kịp đọc qua khi đang ăn sáng.

 

Tác giả tại vịnh Vĩnh Hy. Ảnh: T.N.Đ

Quãng đường 40 km từ TP. Phan Rang-Tháp Chàm đi Vĩnh Hy có lẽ là con đường đẹp nhất mà tôi từng biết. Đường uốn lượn thành một dải ven biển, bên này là màu xanh của nước, bên kia là những dãy núi đá mấp mô, cây bụi thấp tạo nên cảnh sắc tuyệt diệu. Thi thoảng, chúng tôi còn gặp những cánh đồng muối nằm sát mép đường. Đó là lần đầu tiên tôi được thấy người dân miền biển làm muối, được nếm thử hạt muối từ ruộng. Chợt thương vị mặn mòi chắt lọc từ biển pha với vị mặn gắt của mồ hôi diêm dân, nhất là khi những năm gần đây muối được mùa, mất giá…

Sau hơn một giờ trải nghiệm những cung đường, Vĩnh Hy chạm vào tôi với thiên nhiên yên bình. Nước biển xanh trong vờn nhẹ vào âu tàu và vài chục căn nhà nằm yên ả bên mép đường. Cung đường vẫn chưa hết đẹp, bởi lẽ đã nhìn thấy biển ở rất gần nhưng phải đi thêm một quãng dài men theo đường xoắn ốc mới xuống được với biển. Bãi cát mịn, đều trắng như một dải lụa mềm nằm len lỏi đến tận những hõm đá. Là địa danh mới nổi gần đây nên Vĩnh Hy còn khá hoang sơ và thanh bình, ngư dân chuyển dần từ nghề đánh bắt sang khai thác du lịch nên họ thật thà đến mức khiến du khách nghi ngại. Sau 10 phút trò chuyện, cô chú Chín Lên rủ mấy đứa chúng tôi đến nhà trên đảo ở lại miễn phí. Cô giao chìa khóa nhà cho chúng tôi, còn chú thì trấn an: “Ở đây toàn họ hàng không à, không sợ mất cắp đâu”.

Đầu tiên, chúng tôi cập bến thăm ngọn hải đăng rồi đi tắm biển và lặn ngắm san hô. Có khoảng 20 du khách cũng đang ở đây. Lênh đênh trên chiếc đò nhỏ, chúng tôi cùng phóng tầm mắt ngắm khung cảnh tuyệt sắc. Màu của nước, màu của núi và cây xanh trên núi tạo thành một bức tranh sống động trong nắng sớm khiến tôi không thể quên được. Tôi vẫn nhớ, cậu em tôi trước khi lao xuống biển lặn ngụp thỏa thích đã nói với tôi: “Sống thế này làm sao mà… chết được hả chị?”. Sau đó, chúng tôi được phát kính lặn và cùng nhau ngắm nhìn những “kỳ quan” dưới đáy biển, ngắm đàn cá bơi lội nhởn nhơ bên cạnh những rạn san hô tuyệt đẹp đang mềm mại đung đưa.

Điều đặc biệt là Vĩnh Hy thuộc Ninh Thuận, nhưng khi chúng tôi thưởng thức hải sản ở nhà bè lênh đênh trên biển thì người dân cho biết, đây lại là địa phận của tỉnh… Khánh Hòa. Đời sống của người dân được nâng lên, lại vào dịp hè nên bãi biển nào cũng chật ních người. Chủ một khách sạn trên đảo Bình Hưng (Khánh Hòa) cho biết, phòng ốc đã được đặt kín từ đầu năm cho đến tháng 9, trừ 2 tháng bão là 10 và 11, còn lại lúc nào trên đảo luôn thường trực 2.000 du khách lưu trú.

Trên cung đường đi Vĩnh Hy còn có hang Rái, điểm dừng chân ngay sát đường. Đó là một thảm đá kỳ dị được cho là nơi trước kia rái cá thường đến đẻ trứng. Có mặt tại đây khi thủy triều lên xâm xấp nước, đứng trên chiếc cầu gỗ nối ra biển để chụp ảnh, tự dưng tôi thấy tâm hồn mình như trẻ lại….

Từ Pleiku xuống Ninh Thuận nếu đi xe khách thì sẽ mất khoảng 10 tiếng đồng hồ là đến nơi. Để “trốn” những cơn mưa Tây Nguyên dai dẳng thì Vĩnh Hy là điểm đến vô cùng lý tưởng. Dù “nắng như rang và gió như phang”, nhưng lúc ngồi trên chiếc phao lớn và được ca nô kéo chạy trên biển, chúng tôi đã thi nhau hét lên thật to giữa biển. Bằng cách đó, chúng tôi như được chia sẻ những gánh nặng cuộc sống với biển. Rồi khi cập bờ, 5 đứa chúng tôi còn bị/được bác tài lái ca nô cua gấp, hất tung tất cả xuống mặt nước trong xanh đang lăn tăn gợn sóng. Một đứa trong đoàn hét lên: “Sống vầy mới là sống chứ!”.

Vậy nên, với tôi, Vĩnh Hy xứng đáng là vùng đất đáng để đi một lần trong đời…

Tạ Ngọc Điệp

Có thể bạn quan tâm