Lênh đênh
Dưới chân cầu Yên Xuân cũ (xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) có khoảng mươi chiếc thuyền cũ kỹ, rách nát. Từng đợt sóng xô vào mạn làm chiếc thuyền của ông Phạm Ngọc Hoài (SN 1975) chòng chành chực trôi đi. Buộc lại chiếc thuyền cho chắc chắn, ông Hoài thủ thỉ: “Cha mẹ tôi người Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông bà ra đây mưu sinh bằng nghề buông câu thả lưới rồi sinh ra tôi. Cả đời tôi gắn bó với khúc sông này. Dân vạn chài không một tấc đất cắm dùi. Phận tôi đã đành, nhưng tương lai các con mù mịt lắm...”.
Trên chiếc thuyền nan là nơi 4 người trong gia đình ông Hoài tá túc, chẳng có gì đáng giá ngoài mấy bộ áo quần cũ vắt tứ tung và những nồi niêu lổn nhổn trên sàn. Bao năm qua, việc ăn, ngủ, sinh hoạt cá nhân chỉ trong con thuyền nan chật chội. Ông Hoài có 3 người con. Người con gái lớn đã lấy chồng, cũng xem như phần nào thoát cảnh “nước sông, gạo chợ”. Đứa thứ hai học lớp 6, đứa út mới lớp 3. Hàng ngày, hai đứa trẻ dắt díu nhau đến trường, lớp, còn sách vở thì xin sách cũ của bạn, các anh chị khóa trước. Khổ nhất vẫn là không có chiếc bàn để học hành tử tế. Khi chúng tôi đến, cậu con trai lớp 6 đang nằm bẹp dưới sàn thuyền để học bài.
Hằng ngày, người dân xóm chài vẫn buông lưới trên sông. |
Hằng ngày, để đưa các con vào bờ đi học, ông Hoài phải dùng một chiếc thuyền nhỏ “tăng bo”. Nhiều hôm mưa gió, vào đến bờ là người và sách vở cũng đã ướt nhẹp. “Khổ lắm cô ơi. Thuyền nhỏ không thể kê bàn ghế cho cháu ngồi học nên việc học hành hết sức vất vả. Ở trên thuyền chỉ dùng điện ắc quy nên phải rất tiết kiệm. Những hôm mưa gió cả nhà phải đi ngủ sớm, con cái không học hành gì được. Trẻ con ở xóm chài này thường chỉ học hết lớp 6,7 là nghỉ thôi, nhường cho em sau học. Biết cái chữ, biết cộng trừ nhân chia là tốt rồi”, ông Hoài buông tiếng thở dài.
Để có tiền cho con theo học cái chữ, người đàn ông U50 này phải ngược xuôi nay neo thuyền khúc sông này, mai đậu chỗ khác buông lưới, thả câu. Từ đời cha rồi nay đến lượt bản thân ông “nối nghiệp” chài lưới. Cuộc mưu sinh trên dòng sông Lam hết ngày này sang tháng khác, hết mùa nắng đến mùa bão lũ đầy vất vả, nhọc nhằn nhưng chẳng thể khấm khá. “Tôi bị căn bệnh hen suyễn bẩm sinh, mỗi lần trái gió trở trời lại không thở nổi. Quần quật từ sáng tới tối mà mỗi tháng cũng chỉ kiếm được vài ba triệu bạc. Đời cha tôi, đến đời tôi cũng chỉ mơ ước có một mảnh đất nhỏ để lên bờ sinh sống, an cư, nhưng có lẽ ước mơ đó khó thành lắm”, ông Hoài bộc bạch.
Luẩn quẩn đến bao giờ?
Xóm Làng Chài, xã Hòa Lam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. |
Kế bên “ngôi nhà” của ông Hoài là con thuyền nhỏ được lợp thêm mái tôn, che chắn tạm bởi mấy tấm ván gỗ nứt toác của người em trai Phạm Ngọc Hiệp. 38 tuổi, anh Hiệp đã là bố của 5 người con. Vợ anh, chị Đoàn Thị Thanh (SN 1986) hiện đang mang bầu đứa con thứ 6. “Không tấc đất cắm dùi, cuộc sống khó khăn khi tôm cá cạn kiệt, việc vận tải cát sạn trên sông giờ đã có những thuyền máy lớn, có băng tời, máy múc... Hôm nào may mắn thì kiếm được 100 - 200 nghìn đồng, nhưng có khi 2-3 ngày không kiếm được đồng nào”, anh Hiệp chia sẻ.
Không có bàn học, người con trai thứ hai của ông Hoài đang nằm bẹp dưới sàn thuyền để học bài. |
Người dân xóm chài đã quá quen với tính khí thất thường của dòng sông Lam. Ngày thường, dòng Lam yên ả, đẹp đến lạ. Nhưng cũng chính dòng sông ấy, vào mùa mưa lũ, nước đục ngầu, cuộn sóng, hung hãn và giận dữ như thể muốn nhấn chìm, nuốt chửng tất cả. Những “ngôi nhà” trở nên nhẹ bẫng giữa ầm ào của gió mưa gào rít. “Vất vả nhất là ngày mưa bão, dân chài từ người già, đến trẻ nhỏ bám trụ trên khoang thuyền chật chội để tránh trú. Nếu thấy không an toàn thì phải nhanh chóng di chuyển vào bờ xin ở tạm nhà dân. Khổ quá rồi cũng thành quen”, ông bố 5 con tâm sự.
Gia cảnh ông Nguyễn Văn Quang (SN 1958) dường như còn khó khăn hơn. Lớn tuổi, vợ ông Quang bị đau khớp, đi lại khó khăn nên cách đây ít năm ông lên bờ, nhặt nhạnh tôn cũ chắp vá, dựng thành “nhà” bên mé sông. Gọi là “nhà” nhưng thực tế chỉ là một căn lều rộng chừng 10 m2, cao quá đầu người, chứa đến 7 thành viên trong gia đình. Mùa mưa lũ, “căn nhà” chìm nghỉm dưới sông Lam, cả 7 người phải leo lên thuyền. Vợ chồng ông Quang chỉ có một người con gái, lấy chồng cũng dân sông nước. Không có nhà, cả gia đình con gái đến ở ngay trên thuyền của ông. “Ở xóm vạn chài này, rất khó để đánh giá ai nghèo khổ hơn ai bởi, tất cả đều như nhau, sống bám vào sông, no đói cũng tùy thuộc vào sông. Từ miếng cơm, manh áo đến mớ rau, viên thuốc đều trông cả vào mấy con tôm, cá đánh bắt được từ dưới dòng sông. Quẩn quanh trên bến, dưới thuyền, đói no phụ thuộc vào từng bữa buông lưới”, ông Quang nói.
Người đàn ông U60 này chẳng nhớ mình gắn bó với nghề chài lưới đã bao nhiêu năm. Chỉ biết từ lúc sinh ra đã sống cùng gia đình trên những chiếc thuyền, đến lúc lấy vợ sinh con, chiếc thuyền vừa là nhà, vừa là sinh kế của cả gia đình. Hai bên nội ngoại nhiều đời làm nghề chài lưới nên như vòng tròn bất tận của số phận, hai vợ chồng lại tiếp tục sống đời duyên nợ cùng sông. “Tủi thân nhất là khi nhà có đám cưới, đám ma. Cũng chỉ mấy gia đình sông nước với nhau. Chúng tôi khao khát có được mảnh đất để cắm dùi, thoát khỏi cảnh sống lênh đênh này”, ông Quang trầm ngâm.
Cứ mỗi năm trôi qua, ước mơ có một “mảnh đất cắm dùi” càng khắc khoải trong ước mơ của những người dân xóm vạn chài. Nhưng rồi nhiều năm qua, mong ước ấy vẫn còn dang dở. Chẳng có sự lựa chọn nào hơn, cư dân xóm vạn chài vẫn phải tiếp tục gắn đời mình với sông nước. Ước vọng lên bờ; ước vọng đổi đời, mãi vẫn chỉ là ước vọng, dở dang và chưa biết bao giờ là hiện thực.
Trong khi người dân vạn chài đang ước mơ có mảnh đất để sinh sống, thì cách đó không xa, một khu tái định cư đã xây dựng xong 2 năm trước đang bỏ hoang. Khu tái định cư này được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt năm 2011 để di dời 100 hộ dân sống trong vùng thiên tai, sạt lở đất ở phía ngoài đê sông Lam thuộc xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên. Mặc dù thuộc dự án khẩn cấp, nhưng do thiếu vốn nên đến năm 2021 dự án mới hoàn thành, bàn giao cho địa phương. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, khu tái định cư vẫn bỏ hoang, chưa có hộ dân nào đến ở. Ông Nguyễn Văn Phận - Chủ tịch UBND xã Xuân Lam cho biết: “Xóm vạn chài có 13 hộ với khoảng 100 nhân khẩu, cuộc sống rất khó khăn, khát khao được cấp đất để lên bờ sinh sống. Nếu được bố trí ở khu tái định cư cho vùng sạt lở đang bỏ không đó thì quá tốt. Nhưng vấn đề đó xã không quyết được, phải xin chủ trương của tỉnh”.