Kinh tế

Nông nghiệp

Vụ Đông Xuân 2020-2021 ở Gia Lai: Được mùa, được giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, bà con nông dân tỉnh Gia Lai đang tập trung thu hoạch cây trồng vụ Đông Xuân 2020-2021. Nhờ thời tiết thuận lợi, gieo trồng đúng lịch thời vụ và chăm sóc tốt nên năng suất cây trồng đạt cao. Không những vậy, giá cả các mặt hàng nông sản luôn ổn định ở mức cao.

Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng

Vụ Đông Xuân 2020-2021, toàn tỉnh gieo trồng hơn 77.090 ha, vượt 5,1% kế hoạch và tăng 3.598,6 ha so với năm trước. Trong đó, có 9 địa phương chuyển đổi 706,6 ha đất lúa thường xuyên bị hạn sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ như: bắp, rau, khoai lang, đậu đỗ các loại, mía, khoai môn, mì, dưa hấu và thuốc lá.

Người dân làng Amo (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) thu hoạch bắp sinh khối. Ảnh: Quang Tấn


Vụ Đông Xuân 2020-2021, huyện Chư Sê đã triển khai mô hình trồng bắp sinh khối liên kết theo chuỗi giá trị trên diện tích đất lúa thường xuyên bị hạn. Theo đó, tổng diện tích thực hiện là 19 ha với sự tham gia của 89 hộ dân thuộc 3 xã: Bờ Ngoong, Bar Măih, Al Bá.

Ông Puih Dêm-Trưởng thôn Amo (xã Bờ Ngoong) phấn khởi cho hay: “Qua tuyên truyền, vận động, 53 hộ dân đã chủ động chuyển đổi 10 ha lúa thường xuyên bị hạn tại cánh đồng làng Amo sang trồng bắp sinh khối. Bên cạnh được Nhà nước hỗ trợ giống và phân bón, người dân còn được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật nên năng suất rất cao. Riêng gia đình tôi có 3 sào bắp sinh khối chuyển đổi từ diện tích lúa. Sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi lãi hơn 7 triệu đồng”.

Huyện Đak Đoa tích cực hỗ trợ nông dân chuyển đổi diện tích lúa nước thường xuyên bị hạn sang trồng các loại cây khác trong vụ Đông Xuân 2020-2021. Được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật, ông Klim (làng Châm Prông, xã Ia Băng) quyết định chuyển 2 sào lúa thường xuyên bị hạn sang trồng bắp nếp.

Ông cho biết: “Trồng bắp ít dùng nước hơn nên mình không lo bị hạn vào cuối vụ. Cây bắp cũng thích hợp với đồng đất nơi đây nên sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh. Với giá bán 2.500 đồng/trái, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình thu được hơn 5 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Vụ tới, mình tiếp tục chuyển diện tích lúa còn lại sang trồng bắp nếp”.

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho hay: Vụ Đông Xuân 2020-2021, toàn huyện đã chuyển đổi được 64 ha ruộng thường xuyên bị hạn sang trồng rau màu các loại. Hiệu quả mang lại khả quan, người dân rất phấn khởi. Ngoài ra, người dân các xã: Đak Sơ Mei, Hà Bầu, Kon Gang, Hải Yang, Nam Yang… đã chủ động ngừng sản xuất khoảng 152 ha lúa nước thường xuyên bị hạn qua các năm nhằm giảm thiệt hại do hạn hán gây ra. Nhờ đó, vụ Đông Xuân này, trên địa bàn huyện hầu như không xuất hiện tình trạng hạn hán, gây thiệt hại cho người dân.

Lúa được mùa, được giá

Tại cánh đồng Ia Kê (thị trấn Chư Sê), bà con đang tập trung thu hoạch lúa Đông Xuân. Nhờ chương trình kiên cố hệ thống kênh mương nên không còn tình trạng thiếu nước vào cuối vụ, năng suất lúa đạt cao. Nếu như những năm trước, 2 sào lúa của anh Siu Thiên (làng Kê) chỉ thu được khoảng 3-4 tạ thì năm nay anh thu được hơn 1 tấn.

Anh Thiên phấn khởi nói: “Được cán bộ hướng dẫn gieo sạ đúng lịch thời vụ, sử dụng giống lúa xác nhận và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất đạt khá cao. Ngoài ra, giá lúa hiện đang rất cao, khoảng 5.000 đồng/kg tại ruộng”.

Nông dân làng Kê (thị trấn Chư Sê) thu hoạch lúa. Ảnh: Quang Tấn


Ông Ksor Don (làng Glung A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) cũng không giấu được niềm phấn khởi khi lúa vụ Đông Xuân năm nay được mùa, được giá. “Nhờ thời tiết thuận lợi, sử dụng giống lúa xác nhận do Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai cung ứng cũng như ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác nên năng suất lúa năm nay đạt khá cao. 5 sào lúa của mình thu được hơn 3,5 tấn, tăng hơn 5 tạ so với vụ Đông Xuân trước. Với giá bán hiện tại hơn 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, mình lãi hơn 10 triệu đồng”-ông Don phấn khởi nói.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai (huyện Phú Thiện) Phạm Ngọc Nghĩa cho hay: Chưa năm nào giá lúa ở mức cao và giữ ổn định như năm nay. Giá lúa nếp mua tại ruộng dao động ở mức 5.400-5.500 đồng/kg, còn các giống lúa hạt dài 5.800 đồng/kg. Riêng các hộ dân liên kết sản xuất thì Hợp tác xã thu mua giá 6.000-6.300 đồng/kg lúa tươi, cao hơn 500 đồng so với thị trường. Đến nay, Hợp tác xã đã thu mua được trên 200 tấn lúa và sẽ tiếp tục thu mua hết cho người dân trong thời gian tới.

Ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho biết: Vụ Đông Xuân 2020-2021, toàn huyện gieo trồng hơn 6.500 ha lúa. Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động người dân đưa giống lúa mới, giống xác nhận vào sản xuất cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân thích hợp nên năng suất lúa vụ này đạt bình quân 7,5 tấn/ha, tăng 0,2 tấn/ha so với năm trước. Ngoài ra, vụ Đông Xuân này, người trồng khoai lang trên địa bàn huyện cũng rất phấn khởi khi được cả mùa lẫn giá. Trung bình mỗi héc ta, sau khi trừ chi phí, người dân lãi khoảng 130 triệu đồng.

Hướng đến sản xuất bền vững

Theo ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê: Những năm tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi những diện tích bị hạn sang trồng bắp sinh khối theo hướng liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra. Đồng thời, nghiên cứu triển khai và nhân rộng thêm nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất có hiệu quả, tiến tới chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa thường xuyên bị hạn tại các xã: Bờ Ngoong, Bar Măih, Al Bá, Kông Htok… sang cây trồng khác.

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: Ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2020-2021, ngành đã hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất theo đúng lịch thời vụ, sử dụng cơ cấu giống cây trồng phù hợp với từng vùng. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi xây dựng kế hoạch tưới luân phiên, điều tiết nước hợp lý nhằm tiết kiệm nước.

Ở những vùng thường xuyên bị hạn thì chuyển đổi sang các loại cây trồng ít sử dụng nước tưới để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, những vùng năng suất mía đạt thấp thì chuyển sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu; đất hồ tiêu chết thì trồng cây ăn quả, xen canh giữa cây dài ngày và ngắn ngày…

Đặc biệt, ngành khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật độc hại, đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, mở rộng diện tích tưới tiết kiệm nước…; thúc đẩy liên kết sản xuất giữa nông dân với hợp tác xã và các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Vụ Đông Xuân 2020-2021, năng suất lúa ở Gia Lai đạt cao. Ảnh: Nguyễn Diệp


“Đến thời điểm này có thể khẳng định, vụ Đông Xuân 2020-2021 đạt nhiều thắng lợi cả về năng suất, sản lượng và giá cả nông sản. Thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng các vùng sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, tập trung rà soát, chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả, thường xuyên bị hạn sang trồng rau, hoa và cây ăn quả theo định hướng của tỉnh”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm.

Vụ mùa 2021, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng khoảng 217.190 ha. Trong đó, cây lương thực 92.840 ha, cây tinh bột có củ 64.630 ha, cây thực phẩm 37.780 ha, cây công nghiệp ngắn ngày 5.215 ha, cây hàng năm khác 10.600 ha, cây công nghiệp dài ngày 3.000 ha, cây ăn quả trồng mới trên 2.420 ha, cây dược liệu trồng mới trên 700 ha.

QUANG TẤN-NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm