Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Vũ Hạnh: Nhà văn-chiến sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thầy giáo, nhà báo Vũ Hạnh, một cây bút đối lập với chế độ Sài Gòn cả hai thời kỳ Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa, không ai trong giới văn chương, báo chí, tại các đô thị miền Nam không biết, nhất là lực lượng sinh viên-học sinh trong phong trào tranh đấu chống lại chế độ Sài Gòn trong suốt quá trình từ 1954 đến 1975.
 

Nhà văn Vũ Hạnh.

Anh có tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh ngày 15-7-1926 tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Anh học ban tú tài ở Huế. Khi Nhật đảo chính, anh bỏ về quê tham gia Mặt trận Việt Minh, được giao nhiệm vụ lập đoàn kịch và vũ trang tuyên truyền kêu gọi Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, anh được giao làm Thư ký Ủy ban nhân dân huyện và được giao làm Tổng bộ Việt Minh Kiệt Sơn. Khi kháng chiến bùng nổ, anh đã xin nghỉ và lập Đoàn kịch tuyên truyền kháng chiến và đời sống mới. Trong thời gian này chính anh đã nghĩ ra việc ăn đũa hai đầu, sau này phổ biến ra toàn Khu 5, thời 9 năm kháng chiến. Sau những năm làm Trưởng đoàn kịch kiêm đạo diễn và diễn viên chính, anh chuyển sang dạy văn ở các trường: Trung học Tiểu La và Phan Chu Trinh. Sau Hiệp định Giơnevơ, anh thuộc diện ở lại không đi tập kết. Anh đã đấu tranh đòi Hiệp thương thống nhất đất nước rồi bị địch bắt giam ở Thăng Bình và đưa ra nhà lao Hội An chờ ngày đi Côn đảo. Ở đây, anh đã tìm cách thoát ra khỏi nhà tù, sau này câu chuyện “Cái Tết khó quên” của anh đã nói lại chuyện anh vượt ra khỏi nhà lao Hội An bằng những đòn cân não của mình.

Năm 1956 khi ra khỏi nhà lao Hội An, nhà văn Vũ Hạnh vào Sài Gòn chọn con đường báo chí để làm phương tiện tiếp tục đấu tranh. Suốt thời gian chống Mỹ, anh là cơ sở nội thành Sài Gòn của cách mạng. Để bảo vệ tổ chức, anh được hoạt động đơn tuyến dưới sự lãnh đạo của Khu ủy vùng Giải phóng thông qua một cán bộ hoạt động bán công khai, thỉnh thoảng anh ra Mật Khu để nắm tình hình và nhận nhiệm vụ. Sau một năm tiếp xúc với báo chí, anh đã lấy những bút hiệu: Minh Hữu, Nguyên Phủ. Anh đã chọn “Bách Khoa” làm mảnh đất chính cho việc cầm bút và ký tên dưới các truyện là Vũ Hạnh và ký tên dưới các tiểu luận phê bình là Cô Phương Thảo. Năm 1958, nhà văn Vũ Hạnh viết truyện ngắn Bút máu như một tuyên ngôn để phản ứng lại đội ngũ bồi bút đông đảo lúc bấy giờ. Lúc ấy, anh mượn tên của một người bạn tù ở Hội An để làm bút hiệu Vũ Hạnh. Với một giọng văn ôn hòa nhưng khí khái, Bút máu đã được nhanh chóng thâm nhập vào tư tưởng đông đảo quần chúng.

Năm sau, nhà văn Vũ Hạnh viết truyện ngắn Người Nữ Tỳ đúng hơn là một kịch truyện đăng trên Bách Khoa. Truyện này anh muốn nói đến một lớp trí thức tôi đòi cho một chế độ bất công, bạo tàn và vì quyền lợi ảo vọng hay vì sợ hãi mà họ đã từ chối cái nguồn gốc thực của mình để mà chết sống cho chế độ ấy. Để chào mừng Mặt trận Giải phóng miền Nam ra đời, anh đã viết truyện dài đăng nhiều kỳ nói lên sự đoàn kết bất khuất của các dân tộc chống xâm lăng đến ngày toàn thắng. Đó là tiểu thuyết Lửa Rừng hay truyện Nàng Y A Kha, mấy năm sau mới in thành sách và tái bản nhiều lần. Khi ngoài Bắc tổ chức kỷ niệm 200 năm Nguyễn Du thì ở Sài Gòn nhà văn Vũ Hạnh đã chào mừng bằng tác phẩm “Đọc lại Truyện Kiều”. Theo chỉ thị của trên, nhà văn Vũ Hạnh đã gia nhập Trung tâm Văn Bút (Pen Club) một tổ chức có hệ thống quốc tế. Để phù hợp với tình hình cho từng giai đoạn đấu tranh cách mạng, nhà văn Vũ Hạnh đã cho ra đời liên tiếp nhiều tác phẩm như: Mùa xuân trên đỉnh non cao, Dương đảo,  Chất ngọc, Câu chuyện mất ngựa, Cuôi ba dùm, Con ma học trò, Bút máu, Người khách không tên, Miếng thịt vịt, Một chuyến xe, Mụ Tư Cò, Người chồng thời đại... Năm 1965, Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam, nhà văn Vũ Hạnh đã viết các tác phẩm “Người Việt cao quý” lấy tên tác giả là A.PAZZI (người Ý) để lọt qua sự kiểm duyệt của chính quyền. Việt Kiều trên thế giới tìm mua và có nhiều giai thoại trong việc đi tìm tác giả người Ý này. Trong “Người Việt cao quý” với từ ngữ mộc mạc dễ hiểu mà lưu loát đã hấp dẫn người đọc. Cuốn sách đã có tác dụng khơi dậy sức đề kháng mãnh liệt của nền văn hóa dân tộc vốn đã từng thoát khỏi sự đồng hóa của bọn phong kiến phương Bắc và giặc Pháp xâm lăng ngót một trăm năm. Nhà văn Vũ Hạnh đã giã từ giàu sang của gia đình để dấn thân vào công cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc. Vượt qua bao nhiêu khó khăn gian khổ, tù đày ngòi bút của anh đã vượt qua bao sóng gió để đi cùng dân tộc, thiết tưởng có ít người làm được.

Xuân Trường

Có thể bạn quan tâm