Vũ khí thô sơ làm nên chiến công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, tôi có chuyến đi miền Đông và miền Tây Nam bộ, vào tham quan các Bảo tàng địa phương, Bảo tàng Quân đội với nhiều tài liệu, hiện vật trong kháng chiến được trưng bày. Điều mà tôi chú ý là các loại vũ khí thô sơ, tự tạo trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân miền Nam anh hùng mà họ đã sáng tạo nên để chống lại kẻ thù mạnh hơn mình gấp trăm lần. Có tận mắt nhìn những hầm chông, quả mìn, cây súng… tự chế mới thấy hết được sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân là như thế nào!
 

Ảnh: Bùi Quang Vinh
Ảnh: Bùi Quang Vinh

Kẻ thù có tiềm lực quân sự lớn mạnh tưởng rằng có thể đè bẹp một đất nước, một dân tộc bé nhỏ với đội quân còn trang bị thô sơ như Việt Nam bấy giờ trong chốc lát nhưng chúng đã nhầm… Người Việt có câu “lấy yếu thắng mạnh”, “lấy ít địch nhiều”; đấy là bài học được rút ra từ các cuộc chiến tranh vệ quốc của ông cha ta hàng ngàn năm qua. Để giữ nước và tồn tại trong điều kiện luôn phải đối mặt với kẻ thù, nhân dân Việt Nam tự hiểu rằng mình phải tự vệ bằng tất cả sức lực và trí tuệ ở mọi hoàn cảnh.

Trong lịch sử thời phong kiến, người dân Đại Việt luôn luôn bị kẻ thù phương Bắc xâm chiếm. Để đánh đuổi kẻ thù mạnh hơn mình, họ đã sáng tạo nhiều cách đánh linh hoạt với những vũ khí tự có hoặc tự chế tạo một cách thông minh, ứng dụng hiệu quả. Chúng ta còn nhớ, chỉ với những chiếc cọc gỗ lim nhọn cắm xuống lòng sông Bạch Đằng, dựa vào con nước thủy triều lên xuống mà ta đã hai lần đánh bại thủy quân Nam Hán và quân Nguyên hung tàn.

Để khắc chế những đội kỵ binh thiện chiến của Nguyên-Mông và của quân Minh sau này, quân nhà Trần đã dụ chúng vào ải Chi Lăng rồi đào hố bẫy ngựa chiến của giặc khiến chúng thất bại thảm hại; hoặc nghĩa quân Lê Lợi đã dùng loại vũ khí như câu liêm thương để móc vào chân ngựa giật ngã rồi tiêu diệt giặc. Tướng nhà Minh là Liễu Thăng đã bị rơi đầu từ cách đánh khôn ngoan của ta như thế. Đến thời Quang Trung-Nguyễn Huệ với sự sáng chế vũ khí hỏa hổ đã bao phen làm kẻ thù khiếp sợ. Trong trận Rạch Gầm-Xoài Mút và trận Đống Đa với những khí tài độc đáo, hữu dụng của quân Tây Sơn khiến quân giặc bất ngờ, lúng túng và chuốc lấy sự thất bại nhục nhã.

Chúng ta còn nhớ trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có đoạn: “…Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc… Ai cũng ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Và từ đó phong trào toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến đã được đẩy lên cao trào. Nhân dân đã biến tất cả những cái có được quanh mình để làm vũ khí chống giặc, từ bẫy đá, hầm chông, từ mũi tên tẩm độc, chiếc gậy tầm vông đến cây súng ngựa trời và đâu đâu cũng thành chiến lũy khiến kẻ thù chùn bước. Cho đến trận Điện Biên Phủ (1954), quân Pháp tưởng rằng mình đã xây dựng được cứ điểm bất khả xâm phạm nhưng với sự thông minh, linh hoạt và sự quyết tâm “còn cao hơn núi” của quân, dân ta khiến chúng không còn chốn dung thân. Sau này khi những tướng lĩnh và chiến binh của Pháp nhìn lại trận địa, họ đâu có ngờ chúng ta đã vừa đánh vừa đào giao thông hào vây kín các cứ điểm, những khẩu đại bác nặng hàng tấn ta đã mang chúng lên được các ngọn núi cao đầy trắc trở và những đoàn dân công hỏa tuyến với chiếc xe đạp thồ, ngựa thồ đã vận chuyển khí tài lương thực vượt qua bao núi đèo tiếp tế cho tiền phương…

Đến thời chống Mỹ cứu nước, người dân hai miền Nam-Bắc đã sáng kiến hàng trăm phương kế để đánh bại kẻ thù có các phương tiện chiến tranh hiện đại vào bậc nhất thế giới. Thật ngạc nhiên khi nghe kể lại về cách đánh Mỹ bằng trận địa ong vò vẽ của du kích Nam bộ. Họ bắt các tổ ong vò vẽ về nuôi và để đánh lại lính Mỹ đi càn, họ đã bố trí trận địa mai phục sẵn với những tổ ong và chông, thò. Khi địch lọt vào ổ phục kích, họ giật cho ong bay ra khiến chúng rối loạn đội hình, chạy tán loạn, lớp bị ong đốt, lớp sập hầm chông, bị thò đâm chết… Với cách đánh này, bọn giặc mất tinh thần và hoảng sợ hơn những trận tập kích khác. Hay để khống chế, tiêu diệt máy bay vận tải, tàu chiến của địch, người miền Nam đã sáng tạo nên những trái mìn bay hay hay mìn chống tăng có râu, những quả ngư lôi tự chế rất hữu dụng. Với những trận địa bày sẵn, các đội du kích bé nhỏ, các cháu thiếu niên có thể đánh tan cả một đội bay, các chiến xa hoặc các tàu chiến hiện đại…

Tôi có anh bạn, hồi chiến tranh đã từng được phong “Dũng sĩ diệt Mỹ” kể rằng, thời đó đánh Mỹ dễ lắm, chỉ cần một quả bộc phá hay quả mìn tự chế, anh đặt trên những ngọn dừa, khi Mỹ hành quân đi ngang, giật dây cho mìn rơi xuống nổ là chúng tiêu tan. Tôi nhớ câu “cao nhân tắc hữu cao nhân trị”, ý nói rằng, dù anh có giỏi, có vũ khí hiện đại đến bậc nào rồi cũng có người giỏi hơn khắc chế được. Trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, các loại tên lửa cải tiến của ta đã làm những pháo đài bay ấy rơi rụng như sung, niềm kiêu hãnh của Mỹ bị lụn bại bởi thứ vũ khí mà chúng không ngờ đến.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm