(GLO)- Để sản xuất vụ mùa 2019 đạt hiệu quả cao, ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai và các địa phương đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: xuống giống tập trung, nhanh gọn; sử dụng giống chất lượng cao; chuyển đổi cây trồng...
Tập trung gieo trồng nhanh và đồng loạt
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa mưa năm nay đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm và các huyện, thị xã phía Đông, Đông Nam tỉnh có nguy cơ xảy ra thiếu nước đầu vụ mùa. Vì vậy, để đảm bảo sản xuất vụ mùa hiệu quả, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản chỉ đạo, định hướng cho các địa phương và người dân. Trong đó, vùng phía Tây tỉnh kết thúc gieo sạ lúa nước trước ngày 15-6 đối với vùng chủ động nước và trước ngày 10-7 đối với vùng không chủ động được nước; vùng phía Đông và Đông Nam tỉnh đẩy nhanh gieo sạ lúa và kết thúc trong tháng 6. Với những cây trồng cạn ngắn ngày khác, các địa phương hướng dẫn người dân tập trung xuống giống khi đất đủ độ ẩm. Đồng thời, Sở khuyến cáo các địa phương sử dụng cơ cấu giống lúa chủ lực gồm: HT1, Q5, ML48, ML49, OM4900, D9V108, Nhị ưu 838 và một số giống đặc sản địa phương như: Ba Chăm (huyện Mang Yang), bọc thép (huyện Kbang), Ba Cong, Ba Pơ Riêu (huyện Kông Chro); giống bắp CP888, CP333, LVN10, Bioseed9698; giống mì KM98-5, KM94…
Người dân chuẩn bị đất để sản xuất vụ mùa. Ảnh: L.N |
Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT, bà con nông dân trong tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ xuống giống cây trồng vụ mùa theo lịch thời vụ. Tại cánh đồng làng Nang (xã Ia Sao, huyện Ia Grai), người dân đang tích cực xuống giống lúa đồng loạt. Ông Rơ Châm Lol cho biết: “Gia đình tôi có hơn 4 sào ruộng, giờ phải nhanh chóng xuống giống để kịp thời vụ. Chúng tôi cố gắng gieo sạ tập trung để hạn chế sâu bệnh hại lúa”. Trong khi đó, tại cánh đồng làng Ó (xã Ia Sao), người dân đã xuống giống xong và đang tập trung chăm sóc lúa. Chị Y Thuân cho hay: “Rút kinh nghiệm năm trước mưa nhiều khiến lúa bị ngập úng, nhiều chân ruộng phải gieo sạ lại nên năm nay, chúng tôi xuống giống sớm hơn gần nửa tháng. Giờ cây lúa đang phát triển tốt, hy vọng năm nay sẽ được mùa”.
Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-cho biết: Đến thời điểm này, người dân trên địa bàn huyện đã cơ bản gieo trồng gần xong cây lúa nước. Đặc biệt, năm nay, huyện hướng dẫn nông dân liên kết trồng lúa nước theo mô hình cánh đồng lớn. Mục tiêu của huyện là tận dụng tối đa diện tích có thể trồng lúa nước để gieo sạ. Bên cạnh đó, với 2 loại cây trồng chủ lực của địa phương là điều và cà phê, vụ này, huyện tập trung vào tái canh để nâng cao năng suất.
Tại huyện Ia Pa, ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Ngay từ đầu vụ, Phòng đã có thông báo hướng dẫn lịch gieo trồng cụ thể và khuyến cáo người dân sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao, cách phòng-chống sâu bệnh. Đồng thời, Phòng phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện dự án trồng mía nguyên liệu, trồng mì cao sản và phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND các xã và các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, đặc biệt chú trọng phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa nước, bệnh trắng lá mía, bệnh khảm lá vi rút hại mì...
Chủ động chuyển đổi cây trồng
Theo kế hoạch vụ mùa 2019, toàn tỉnh sẽ gieo trồng hơn 209.400 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa nước 40.100 ha, lúa rẫy 9.100 ha, bắp 44.201 ha, đậu các loại 16.429 ha, mì 55.116 ha, khoai lang 1.696 ha, cà phê trồng mới 2.335 ha, mè 2.350 ha, rau các loại 16.027 ha, cây hàng năm 6.010 ha, cây dược liệu và cây lâu năm khác 8.170 ha... Đến nay, người dân đã xuống giống được hơn 102.144 ha cây trồng các loại (đạt 48,8% kế hoạch và bằng 114,8% so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, một số địa phương đã xuống giống đạt tỷ lệ cao như: Ia Grai đạt 70,2%, Mang Yang 75,2%, Krông Pa 76,1%, Chư Pưh 56,1%...
Người dân xã Yang Bắc (huyện Đak Pơ) chăm sóc mía. Ảnh: Đức Thụy |
Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương tập trung chuyển đổi cây trồng. Cụ thể, chuyển diện tích đất lúa kém hiệu quả, diện tích mía ngoài quy hoạch, năng suất thấp (dưới 60 tấn/ha), diện tích hồ tiêu bị chết sang cây trồng khác. Hiện tại, do giá mía xuống thấp, không mang lại hiệu quả nên nhiều hộ nông dân tại các huyện, thị xã phía Đông và Đông Nam tỉnh đã chuyển đổi một số diện tích sang trồng mì, keo lai, cây ăn quả. Ông Trần Công Dân (thôn 2, xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro) cho biết: “Nhà tôi có 2 ha mía nhưng vụ vừa qua giá mía xuống thấp nên sau khi trừ hết chi phí đầu tư thì chẳng lãi đồng nào. Năm nay, tôi quyết định chuyển hết diện tích này sang trồng cây keo lai. Trước mắt, để lấy ngắn nuôi dài, tôi trồng cây đậu và một số cây ngắn ngày khác xen trong vườn keo”.
Tại các huyện phía Tây tỉnh, người dân cũng đã chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết sang cây trồng khác. Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai cho hay: Vụ mùa 2019, nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng cây ăn quả, cà phê và chanh dây. Hiện cây ăn quả chưa phải là cây chủ lực nên huyện khuyến cáo người dân phải sử dụng những giống chất lượng cao, tránh khi thu hoạch sản phẩm không đạt chất lượng, khó tiêu thụ. Năm nay, huyện cũng phối hợp với Hội Nông dân tỉnh đầu tư phát triển vùng cây ăn quả tại xã Ia Tô gắn với xây dựng thương hiệu chôm chôm Ia Tô.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Đối với việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, các địa phương cần bám sát diễn biến thời tiết trong vùng và kế hoạch chuyển đổi của tỉnh. Còn đối với những diện tích hồ tiêu chết, diện tích trồng trên đất không phù hợp, các địa phương cần hướng dẫn người dân tiến hành cải tạo đất bằng cách tăng phân hữu cơ, trồng cây phân xanh, cây họ đậu sau đó có thể chuyển sang trồng các loại cây ăn quả như: sầu riêng, bơ, mít, chanh dây, cây rau đậu, cây dược liệu thông qua việc ký kết đầu tư và tiêu thụ sản phẩm.
“Để sản xuất hiệu quả, các địa phương khẩn trương rà soát diện tích từng loại cây trồng cho từng xã, từng cánh đồng nhằm xây dựng kế hoạch cụ thể. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng phương án sản xuất phù hợp với lịch gieo trồng, chủng loại giống chủ lực và tín hiệu thị trường nông sản; đẩy mạnh phát triển các hình thức sản xuất nông sản hàng hóa theo nhóm, tổ sản xuất và xây dựng mô hình liên kết (liên kết ngang, liên kết dọc) theo chuỗi, thâm canh cây trồng và gắn kết với các doanh nghiệp để đảm bảo tính bền vững trong tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn người dân tăng cường sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, UTZ, 4C, Rainforest; đặc biệt, cần sản xuất theo chuỗi gắn với nhãn hiệu hàng hóa và mã số vùng trồng”-ông Có nhấn mạnh.
LÊ NAM