Phóng sự - Ký sự

"Vua đồ cổ" ở Mũi Né

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sở hữu cả một “gia tài” khổng lồ nhưng ông Ẩn chưa bao giờ nỡ lòng bán đi một món đồ cổ nào. Với ông, mỗi hiện vật đều chứa đựng một linh hồn, giá trị văn hóa, lịch sử riêng, ông không muốn những đứa con tinh thần của mình trở thành hàng hóa mua bán.

Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khu vực Mũi Né, Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) thường xuất hiện những người chuyên đi đào trộm mộ cổ để tìm vàng. Tại những ngôi mộ vừa bị đào bới, người ta thường thấy một cậu bé chừng hơn 10 tuổi loay hoay thu gom những thứ mà chẳng kẻ trộm nào thèm ngó tới như mảnh sành, đồ sứ… Thấy con mình ôm những thứ “vớ vẩn” về nhà chất thành đống, cha mẹ của cậu bé tỏ ra bực dọc, nhưng rồi cũng mặc kệ vì nghĩ con nít nghịch ngợm… Gần 30 năm sau, cậu bé ngày nào đã có trong tay hơn 40.000 cổ vật quý giá mà những nhà sưu tầm đồ cổ phải ao ước.

 

Bộ đàn đá hơn 3.500 tuổi được xem là “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam mà ông Ẩn sưu tầm được.
Bộ đàn đá hơn 3.500 tuổi được xem là “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam mà ông Ẩn sưu tầm được.

Đam mê

Không khó để chúng tôi tìm đến căn nhà của ông Nguyễn Ngọc Ẩn (43 tuổi), đường Chế Lan Viên, phường Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận - người được mệnh danh là “vua đồ cổ” xứ biển Mũi Né. Căn nhà của “vua đồ cổ” nằm giữa một sân vườn khá rộng, các món đồ cổ gần như chiếm hết chỗ. Nhấp ngụm trà, ông Ẩn nói ngay: “Gì chứ nói về đồ cổ thì tôi có thể ăn ngủ cùng chúng cả đời. Bắt đầu từ sự tò mò rồi tôi đam mê sưu tầm từ khi nào cũng không hay”.

Ông kể, mới hơn 10 tuổi, trong các tiết học về lịch sử, ông luôn đặt những câu hỏi cho giáo viên của mình, như: “Người tiền sử dùng công cụ bằng đá như thế nào?, thời các vua Hùng lập nước và giữ nước có những nét văn hóa gì đặc biệt?”…”. Rồi khi những kiến thức về lịch sử trên lớp học cũng chưa thỏa chí tò mò, rảnh rỗi, cậu học trò lại đạp xe gần 20 cây số ra tận thư viện tỉnh Bình Thuận để tìm những cuốn sách văn hóa, lịch sử để tìm hiểu. “Hồi nhỏ tôi đam mê tìm hiểu nhất là các công cụ bằng đá của người tiền sử. Khi ấy, mỗi khi nghe ở đâu bị đào trộm mộ cổ là tôi đến ngay rồi nhặt nhạnh những thứ người ta vứt đi như mảnh sành, đồ sứ rồi đem về nhà cất. Nói thật, khi ấy việc làm này chủ yếu là vì sự nghịch ngợm chứ cũng chưa hiểu gì”, ông Ẩn nhớ lại.

Năm 21 tuổi, ông Ẩn lập gia đình, rồi tham gia công tác đoàn ở phường Mũi Né. Để lo kế sinh nhai, chàng thanh niên khi ấy đã trở thành ông chủ của một cơ sở chuyên cung cấp hải sản cho các cơ sở kinh doanh du lịch ở Mũi Né, nhưng anh vẫn không quên đi sưu tầm đồ cổ. “Chính nhờ kinh tế gia đình ổn định nên tôi mới có điều kiện tiếp tục thực hiện ước mơ của mình. Chơi đồ cổ rất tốn kém, ngoài sự đam mê thì kinh tế rất quan trọng”, ông Ẩn tâm sự. Và rồi, từ sự ham học hỏi và tính kiên nhẫn, đồ cổ trong nhà ông mỗi lúc một đầy lên.

Bộ sưu tập đồ sộ

Ông Ẩn dẫn chúng tôi đi tham quan thành quả của mình sau gần 30 năm gom góp. Trong căn nhà rộng hơn 200m2,  trưng bày hiện vật, người đàn ông này kể rành rọt về nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa của gần 40.000 cổ vật mà ông sưu tầm được. Cổ vật của ông được trưng bày một cách chuyên nghiệp thành nhiều chuyên đề khác nhau, như: cổ vật thời Đinh, Lê, Lý, Trần…, đồ Chu Đậu, văn hóa Chăm, gốm sứ các con tàu cổ ở vùng biển Bình Thuận, Vũng Tàu, Cà Mau được trục vớt. Ngoài ra, trong sưu tập của ông có cả số cổ vật của văn hóa Đông Sơn như trống đồng, lược đồng (thế kỷ II - thế kỷ I trước Công nguyên), đồ trang sức của văn hóa Óc Eo, cổ vật của văn hóa Kh’me,  gốm Sa Huỳnh, cổ vật gốm Gò Sành của người Chăm ở Bình Định, cổ vật của các dân tộc Nam Tây Nguyên…

Chỉ tay về bộ đàn đá 20 thanh còn khá nguyên vẹn, được xem là “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, ông Ẩn vui vẻ nói: “Bộ đàn này tôi mua lại của một người sưu tập ở TP Bảo Lộc (Lâm Đồng). Qua kiểm định, nó có tuổi đời khoảng hơn 3.500 năm”. Ông còn sở hữu một số tượng Kut (loại hình nghệ thuật đặc biệt, tập trung chủ yếu ở Ninh Thuận, Bình Thuận - nơi sinh sống của người Chăm ngày nay) và một tấm bia đá có chữ Phạn cổ của người Chăm, một bên là hình voi thần Ganetsa (theo truyền thuyết Ấn Độ đây là vị thần mang lại hạnh phúc và may mắn), một bên là hình bò thần Nandin (vật cưỡi của thần Shiva - vị thần tối cao theo tín ngưỡng của Ấn Độ giáo).

Chưa dừng lại đó, ngoài khu trưng bày mới được xây dựng, ông Ẩn còn dẫn chúng tôi đi xem 3 kho chứa đồ cổ mà ông sưu tầm được. “Số lượng quá nhiều nên thiếu chỗ trưng bày, tôi phải xây thêm kho để chứa. Thời gian tới, nếu có tiền tôi sẽ tiếp tục xây thêm một số nơi để trưng bày, chứ để như vậy cũng thấy xót xa lắm”, ông Ẩn nói.

Không chỉ cho riêng mình

Sở hữu cả một “gia tài” khổng lồ nhưng ông Ẩn chưa bao giờ nỡ lòng bán đi một món đồ cổ nào. Với ông, mỗi hiện vật đều chứa đựng một linh hồn, giá trị văn hóa, lịch sử riêng, ông không muốn những đứa con tinh thần của mình trở thành hàng hóa mua bán. Nhưng “vua đồ cổ”  lại sẵn sàng cho đi hàng ngàn cổ vật nếu như nghe ở nơi nào đó đang thiếu hiện vật để dùng vào việc giảng dạy cho học sinh, sinh viên hoặc để trưng bày giới thiệu văn hóa, lịch sử đến người dân và du khách. Năm 2013, trong một lần đưa con đi thi đại học ở Cần Thơ, ông Ẩn có ghé bảo tàng của tỉnh này để tham quan, thấy hiện vật trưng bày ít quá, ông đã liên hệ với lãnh đạo bảo tàng rồi hiến tặng hàng trăm cổ vật.

Một lần nghe các em sinh viên ở Trường Đại học Văn hóa TPHCM học các môn liên quan đến lịch sử, khảo cổ… mà thiếu hiện vật trực quan để học tập, ông liền “ôm” hàng trăm hiện vật đến trường tặng. Đến thăm các Trung tâm Văn hóa Chăm ở tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, thấy hiện vật quá ít ỏi, ông lại lật đật về nhà đóng vài thùng đến tặng.

Tiếng lành đồn xa, hàng loạt bảo tàng các tỉnh như Bến Tre, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Cần Thơ… liên hệ ngỏ ý muốn ông hiến cổ vật để trưng bày, ông đều gật đầu. “Học sinh bây giờ ít quan tâm đến môn lịch sử, một phần là do thiếu các dụng cụ học tập trực quan, sinh động; bảo tàng các tỉnh thì thiếu kinh phí nên không thể đi mua cổ vật về trưng bày. Tôi chỉ muốn đóng góp một chút công sức của mình để nền văn hóa, lịch sử của nước ta được nhiều người biết đến hơn thôi”,  ông Ẩn tâm niệm.

Đến nay đã có 14 tỉnh, thành, trung tâm văn hóa ở khắp cả nước đều được ông hiến tặng cổ vật. Nhìn hàng chục tấm bằng khen, giấy khen của trung ương và các tỉnh, thành tặng để tri ân những đóng góp của ông, mới thấy được cái tâm của một nhà sưu tầm chân chính. Hiện ngôi nhà trưng bày các hiện vật được ông mở cửa miễn phí cho bất kỳ ai muốn đến tham quan, tìm hiểu.

Nói về những đóng góp của “vua đồ cổ” này, ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận, đánh giá, ông Ẩn là một nhà sưu tầm rất đáng trân trọng. Ngoài đam mê nghiên cứu, sưu tầm văn hóa cổ vật qua nhiều thế hệ, đặc biệt là về văn hóa Chăm, ông Ẩn còn nhiều lần hiến tặng cổ vật không những cho các đơn vị trong tỉnh nhà, mà còn cho nhiều tỉnh thành khác, giúp cho người dân, du khách trong và ngoài nước biết về nền văn hóa lâu đời của Việt Nam.

Nguyễn Tiến/sggp

Có thể bạn quan tâm