Xã hội

Gia đình

Vườn hồng giữa phố núi Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Cả ngày cứ loay hoay ngoài vườn với cây, với đất thôi cô ạ! Vậy mà hết ngày lúc nào không biết”-ông Trần Ngọc Khuê (370 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) giơ đôi tay lấm lem khi vào đất cho những chậu hoa hồng trước mặt, mắt nheo nheo sau cặp kính lão, miệng nhoẻn nụ cười bừng sáng cả chiều. Ông là người làm vườn khá đặc biệt: Chỉ mê hoa hồng.

Rửa vội đôi tay ở vòi nước gần đó, ông mời tôi vào uống trà ở bộ bàn ghế đá đặt dưới giàn phong lan ở góc sân. “Sao cô không ra đây mùa nắng? Bây giờ mùa mưa, hoa hồng không còn nở rộ, chỉ lác đác thôi. Hoa hồng muốn đẹp thì phải nắng... phũ phàng vào”-ông bắt đầu câu chuyện về vườn hoa hồng của mình như thế.

 

Ông Khuê bên cây hồng cổ Hải Phòng. Ảnh: H.D

Không biết trên thế giới hiện có tất cả bao nhiêu giống hoa hồng, nhưng ở vườn nhà ông đã có hàng trăm cây với trên 50 giống cả hồng nội lẫn hồng ngoại. Hồng nội gồm hồng Đà Lạt, hồng Sa Đéc, hồng cổ Hải Phòng, hồng cổ Sa Pa. Theo lời ông, Đà Lạt tuy là xứ sở của hoa nhưng giống hoa hồng lại không phong phú, chỉ có 5 màu “truyền thống”. Còn hồng Sa Đéc lại đa dạng hơn hẳn với nhiều giống lai tạo mới, nào là hai da, chùm son, hồng nude, tiểu muội vàng, tiểu muội đỏ, tím ruốc, hồng đổi màu, tường vi, hồng nhung... Còn những cái tên nghe thôi đã thấy kiêu kỳ, quý tộc như Mona Lisa, Mon Couer, Crown Princess Margaretta, Red Eden, Kena, Spirit of Freedom, Jame Galway... chính là những giống hồng ngoại đang hiện diện tại khu vườn của ông.

Dù đang là mùa mưa nhưng khu vườn vẫn quyến rũ đến nao lòng với hàng chục sắc hoa hồng đang bung cánh rực rỡ. Bên này là hồng nhung đỏ thẫm đầy kiêu hãnh, kế bên là những đóa màu cam loang hồng lạ mắt, bên cạnh nữa là những cành hồng vàng kiêu sa... Thoảng trong không khí là mùi thơm đặc trưng vấn vít. Đã có nhiều người bạn tới chơi nhà ông, khi về, hành trang còn có thêm một túi cả trăm bông hồng đem về để làm nước hoa hồng, hoặc để rải vào trong bồn tắm. Có độ siêng, trúng đợt hoa bung nhiều, ông hái hết vào và chưng làm nước hoa hồng, phần cho vợ con dùng, phần biếu tặng những người thân quý.

Ông Khuê nói, hoa hồng sưu tầm thì dễ, chăm sóc mới khó, nhất là hồng ngoại, vì khả năng kháng bệnh của hồng ngoại yếu hơn hồng nội nhiều, khi chớm thấy có dấu hiệu bị bệnh là phải “chữa trị” ngay. Kỹ thuật chăm sóc hồng ngoại cũng khác, nếu chăm không đúng cách, hoa sẽ không còn to đẹp nữa. Loại phân được ông dùng cho loại hoa này là phân chuồng ủ mục cộng với tro trấu và đất xốp, tỷ lệ từng loại theo kinh nghiệm của người trồng. Một loại phân tốt nữa là phân bánh dầu đã được ngâm từ 15 đến 20 ngày, hoặc phân cá, dùng tưới trực tiếp.

 

Đàn ông mà trồng cả một vườn hoa hồng chỉ vì thích, vì mê kể cũng là trường hợp hiếm. “Thế nên trên facebook, nhiều bạn bè chưa biết tôi, khi thấy tôi post hình hoa thì cứ gọi “Chị Khuê ơi”, “Cô Khuê à” hoài à”-ông cười sảng khoái.

Cũng bởi sự công phu trong trồng và chăm sóc kể trên mà phải đợi tới khi về hưu, ông mới bắt đầu đắm đuối vào đam mê đã có từ trước đó rất lâu. “Cái sự thích hoa là có từ bé, khi đi chăn bò chăn trâu, ngắm cả đồng hoa dại. Rồi thấy hoa hồng, không phải thích nữa, mà là mê. Nhưng rồi học hành, công việc cứ cuốn lấy tôi theo tháng theo năm, chẳng có thời gian để dừng lại với hoa với cỏ. Giờ có thời gian rồi, tôi quay lại với đam mê của mình”-ông tâm sự. Phải rồi, bất cứ điều gì, muốn theo đuổi đến cùng, ngoài thời gian ra cần phải có đam mê nữa, phải mê mới được. Trên trang cá nhân facebook của ông, bạn bè không khỏi bật cười với dòng chia sẻ khi ông sở hữu được giống hoa hồng xanh từ lâu nghe tên, giờ mới biết mặt: “Mưa lạnh! Nhưng được ôm “em” Jane Green trong vòng tay, anh thấy ấm lạ! Yêu lắm, si luôn, bệnh luôn rồi”.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm