Mong mỏi vươn khơi bám biển đối với ngư dân miền Trung là để tìm kiếm, khai thác tiềm năng kinh tế biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Song hiệu quả khai thác thủy hải sản mang lại chưa xứng với tiềm năng và lợi thế. Vì sao?
Trang bị kiến thức cho ngư dân
Chiều dài bờ biển miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, khoảng 1.900km. Đây cũng là vùng có nhiều ngư trường khai thác thủy sản rộng lớn vươn ra biển xa. Đặc biệt, ngư trường ở Hoàng Sa và Trường Sa với nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng, giá trị kinh tế cao.
Trang thiết bị hỗ trợ thuyền cá lạc hậu, chi phí nhiên liệu tăng thêm. |
Tuy nhiên, hiệu quả khai thác thủy hải sản mang lại chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng, nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết trong quá trình phát triển ngành thủy sản như: Tỷ lệ tàu công suất nhỏ, trang thiết bị công nghệ lạc hậu còn chiếm tỷ lệ lớn; các nghề lưới kéo, lưới rê và nghề vây chiếm tỷ lệ cao trong số các nghề hoạt động trên biển, dẫn đến nguy cơ khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản gần bờ. Đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng hầu hết ít được đào tạo qua trường lớp chính quy, thiếu các kiến thức cơ bản để có thể sử dụng được các thiết bị hàng hải, khai thác.
Chưa dừng lại, người đi biển bằng kinh nghiệm và sức lao động, tưởng chỉ thiếu đối với tàu thuyền nhỏ, nay cả tàu vỏ thép đầu tư với công nghệ hiện đại cũng thiếu thốn nếu không chuẩn bị trước.
Ngư dân Nguyễn Văn Hải (Quảng Nam) cho biết, bạn thuyền ngày một khan hiếm là vì trước đây lao động đi biển phần lớn theo kiểu “cha truyền con nối”, cha làm nghề biển thì con cũng bỏ học đi theo. Còn nay, cha mẹ làm nghề biển lấy tiền cho con đi học, không cho con theo nghiệp biển.
Chiến lược biển đến năm 2020 đặt mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển. Nhưng thực tế, trong ba trụ cột khai thác, nuôi trồng và chế biến thì nhiều năm nay, khai thác vẫn yếu nhất.
Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, muốn tăng sản lượng và giá trị đánh bắt thủy hải sản thì cần chuyển đổi từ đánh bắt gần bờ sang xa bờ. Nhưng ngư dân hiện nay phần lớn là người lớn tuổi, gia cảnh khó khăn, cho nên không phải hộ nào cũng có thể huy động nguồn vốn hàng tỷ đồng để mua sắm tàu to, máy lớn. Mặt khác, ngư dân đánh bắt gần bờ từ nhiều năm nay, khi chuyển sang đánh bắt xa bờ sẽ gặp muôn vàn khó khăn về cách thức sử dụng tàu công suất lớn, kỹ thuật đánh bắt và bảo quản sản phẩm hải sản dài ngày.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, thống kê sơ bộ lao động đi biển của Việt Nam hiện chỉ có 0,1% được đào tạo qua các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) và trung học chuyên nghiệp, còn lại chủ yếu là trình độ tiểu học sẽ là cản ngại lớn trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề biển và đe dọa đến sự phát triển của ngành đánh bắt hải sản. Đào tạo nguồn nhân lực là nhiệm vụ của các trường CĐ-ĐH và trung cấp chuyên nghiệp. Nhưng thực tế, hầu hết các trường ĐH-CĐ hiện nay tại miền Trung đều không mở ngành đào tạo nghề đi biển. Vậy ai sẽ là người đào tạo kỹ thuật và công nghệ cho người đi biển?
Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị, chia sẻ, phần lớn con em ngư dân lớn lên đi học ngành khác, chỉ một số ít chịu học làm thợ sửa máy và cơ khí. Còn học sinh ở các vùng khác sau khi tốt nghiệp THPT, thi vào các ngành có chữ “biển” thường ít nhất trong các ngành đào tạo tại các trường ĐH-CĐ trên cả nước.
“Thực tiễn thì ngư dân có thể đủ kinh nghiệm, nhưng nguyên tắc chưa đủ bởi ngoài làm nghề, khi ra biển, họ còn phải bảo vệ Tổ quốc, phải hiểu pháp luật quốc tế và phải tham gia mặt trận hội nhập ngay trên biển. Ngoài đào tạo kinh tế biển đa ngành, cần trang bị kiến thức giúp người học vừa làm kinh tế, vừa tham gia tư vấn quản lý. Đây là vấn đề băn khoăn nhất đối với nghề cá hiện nay”, ông Nam phân tích.
Chưa mặn mà với một số chính sách hỗ trợ
Lao động đi biển đang khan hiếm. |
Trước tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, rồi nhân tai rình rập, Chính phủ đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản trên các vùng biển bằng Quyết định 48. Song muốn nhận hỗ trợ, ngoài việc ký xác nhận của chính quyền các đảo và nhà giàn, ngư dân phải làm thủ tục trình sổ hành trình ký xác nhận của đồn, trạm biên phòng ngày đi, ngày về của phương tiện... nên mất nhiều thời gian, đôi lúc lỡ cả chuyến biển.
Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, theo Quyết định 48, tàu đánh bắt xa bờ được hỗ trợ thì phải có xác nhận của chính quyền trên đảo và nhà giàn. Những tàu nào trang bị máy HF thì đăng ký với máy chủ trạm bờ, khi đánh bắt vùng biển xa chỉ cần nhắn tin về máy chủ, ngành chức năng sẽ căn cứ tọa độ tàu hoạt động để hỗ trợ. Hệ thống liên lạc gửi, nhận tin nhắn của ngư dân và trạm bờ đều là máy liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp GPS ký hiệu VX 1700, được Nhật Bản sản xuất, rất khó hư hỏng. Ban đầu có thể do máy hiện đại, ngư dân thao tác chưa thuần thục nên đôi khi thực hiện bất thành.
Riêng thiết bị vệ tinh Movimar lắp đặt trên tàu cá mà ngư dân phản ánh là không hiệu quả, nhanh bị hư, tốn điện, gây nhiễu sóng và rất khó theo dõi thời tiết vì liên tục bị nhiễu, âm thanh nhỏ và không có thiết bị thay thế…, ông Nam cho biết, từ năm 2011-2013, Bộ NN-PTNT đã triển khai dự án lắp đặt hệ thống vệ tinh Movimar cho các tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên tại nhiều tỉnh, thành ở miền Trung.
“Có thể bà con ngư dân chưa quen sử dụng nên hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, thiết bị giám sát trên bờ và nhắn tin vệ tinh Movimar từ tàu vào bờ không có chức năng đàm thoại, trong khi ngư dân không quen thao tác nhắn tin. Hiện các cơ quan chức năng đang khắc phục bất cập mà ngư dân phản ánh”, ông Nam nói.
Sớm chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, ngoài việc tăng cường giáo dục, tuyên truyền luật biển cho ngư dân; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, chủ tàu, thuyền trưởng, các địa phương cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, không dừng lại ở việc kiểm điểm và đánh giá mà cần phải thực thi, hành động quyết liệt hơn trong việc thực hiện Công điện số 732 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm, khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Bộ NN-PTNT đã giao Tổng cục Thủy sản hoàn thiện dự thảo kế hoạch hành động quốc gia ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác bất hợp pháp, không theo quy định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt. Đồng thời, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức làm việc với đại diện EU tại Hà Nội, tổ chức đàm phán, hợp tác với các nước, tạo điều kiện cho ngư dân khai thác hợp pháp ngoài vùng biển Việt Nam. Tiến tới đến năm 2020, cả nước không còn tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm ở vùng biển các nước. |
Để kinh tế biển và nghề khai thác hải sản tại miền Trung phát triển theo hướng vươn khơi gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, bà con ngư dân ở đây còn cần thêm kiến thức, công nghệ đi biển, cũng như chính sách hỗ trợ cho ngư dân trong việc giám sát đóng tàu mới và được phép lựa chọn mua bảo hiểm; mở các lớp đào tạo, trang bị kỹ năng sử dụng các thiết bị hàng hải hiện đại, khai thác và kiến thức pháp luật về hàng hải; nghiên cứu nguồn lợi ngư trường ở các vùng biển xa để các địa phương có phương hướng tổ chức các đội tàu khai thác và dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá trên biển hợp lý…
Bên cạnh đó, một loạt vấn đề khác cũng cần Nhà nước gỡ rối như: Các cảng cá, bến cá hiện đã quá tải, xuống cấp, luồng lạch thường bị bồi lắng gây trở ngại cho tàu thuyền khi ra vào bến, gây mất thời gian và tăng chi phí; bảo quản, chế biến sản phẩm khai thác chủ yếu theo phương thức thủ công ảnh hưởng đến chất lượng giá trị cá tôm của ngư dân.
Văn Thắng/sggp