Phóng sự - Ký sự

'Vương quốc' khỉ ở Ba Tơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rừng ở xã Ba Trang, H.Ba Tơ (Quảng Ngãi) bạt ngàn, kéo dài đến những vùng lân cận của các tỉnh Bình Định, Gia Lai, Kon Tum. Nhờ vậy, khu vực này đã trở thành 'vương quốc' của nhiều loài khỉ, trong đó có hàng trăm cá thể voọc chà vá sinh sống.

Các xã Ba Lế, Ba Vì, Ba Trang, Ba Nam và Ba Xa của H.Ba Tơ có khoảng 20.000 ha rừng phòng hộ, trong đó, xã Ba Trang là hơn 6.000 ha. Chuyến về xã Ba Trang mới đây, chúng tôi không đi từ trung tâm H.Ba Tơ xuống mà đi từ TX.Đức Phổ lên. Hôm ấy, chim rừng hợp xướng kêu suốt những chặng đường chúng tôi đi. Lẫn trong hàng chục âm thanh của rừng, chúng tôi được một cán bộ UBND xã Ba Trang bảo: "Có bầy khỉ kêu lên lảnh lót ấy".

Khỉ nhảy như... châu chấu

Theo hướng dẫn của anh cán bộ xã, chúng tôi lắng tai nghe kỹ, quả là có tiếng khỉ kêu lên từng hồi, khi thì đơn tiếng, có lúc cả bầy thi nhau hú, lúc gần lúc xa. "Nhìn ngoài thấy vậy, chứ mình vào sâu bên trong rừng, khỉ thấy người chạy như châu chấu. Có con còn nhún nhảy, dọa nạt nữa. Vui lắm! Không biết khỉ ở đâu kéo về những khu rừng trong xã, nhiều lắm!", anh cán bộ xã kể.

Những khu rừng sát ven đường ở xã Ba Trang, H.Ba Tơ (Quảng Ngãi) có rất nhiều khỉ sinh sống. Ảnh: Phạm Anh

Những khu rừng sát ven đường ở xã Ba Trang, H.Ba Tơ (Quảng Ngãi) có rất nhiều khỉ sinh sống. Ảnh: Phạm Anh

Ông Phạm Văn Nhoi, Phó chủ tịch UBND xã Ba Trang, bảo khỉ đuôi lợn ở đây thì nhiều không kể hết. Đó là chưa kể, ở rừng Ba Trang còn có cả khỉ chân xám (voọc chà vá), thuộc dòng quý hiếm, cần được bảo vệ đặc biệt. Khi còn thiếu niên, ông Nhoi theo chân cha vào rừng, thấy lũ khỉ chân xám ở tít tắp trên đọt cây cao. "Thấy nhiều người, nó chạy biến lên cao nữa, núp vào tàn cây cổ thụ. Mới đây, khi xuống làng Leo, xã Ba Trang, đi kiểm tra rừng, mình tiếp tục gặp đại gia đình voọc chà vá mấy chục con", ông Nhoi kể.

Do người dân Ba Trang không xua đuổi, không săn bắt khỉ và voọc chà vá nên vài năm nay, chúng có vẻ dạn dĩ hơn, thấy người ít bỏ chạy như trước. Vì vậy, dân ở đây lâu lâu vào rừng thấy cả đàn voọc chà vá đang ung dung ăn lá cây, trái cây rừng. "Khỉ ở đây thì đi đâu cũng gặp. Còn voọc không phá hoa màu như khỉ. Vào rừng, thấy con voọc chà vá nào cổ có chòm lông đỏ dưới cằm thì là con đực, còn lại con cái", ông Nhoi cho biết.

Một con voọc chà vá chân xám trong rừng phòng hộ. Ảnh: Phạm Anh

Một con voọc chà vá chân xám trong rừng phòng hộ. Ảnh: Phạm Anh

"Giấu đầu lòi đuôi"

Hai mươi mấy năm công tác ở Hạt Kiểm lâm Ba Tơ, ông Ngô Vĩnh Phong (nay là Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi), xác nhận chuyện mấy anh cán bộ xã Ba Trang thấy voọc chà vá trong rừng là không lạ gì. Ngày còn làm anh lính kiểm lâm, ông Phong kể, cứ đi vào rừng ở các xã Ba Nam, Ba Trang, Ba Lế, Ba Xa… là thấy chúng. Bởi nơi này rừng già còn rậm, còn nơi che chắn nên lũ voọc chà vá mượn nơi này làm đất sống.

"Đi ngoài đường cũng thấy nó, không cần phải vào rừng. Chúng thấy mình chừng trăm mét mới chạy trốn, núp trên tận tàn cây cổ thụ, nhờ lá cây che chở nhưng cái đuôi dài quá, nên nó giấu thế nào cũng bị phát hiện. Anh em kiểm lâm nói đây là con "giấu đầu lòi đuôi", còn người Hrê gọi chúng là con ngũ sắc do chúng có màu sắc sặc sỡ", ông Phong kể.

Ông Phong chia sẻ, hơn 10 năm trước, ông và anh em kiểm lâm đã ra tay cứu hộ hàng loạt con voọc chà vá chân xám, do người dân bắt về nuôi, hoặc con voọc mẹ bị lý do nào đó trên rừng chết đi, bỏ lại con con không theo kịp bầy… Nghe tin, là ông Phong cùng anh em trong đơn vị tìm đến cứu voọc, liên hệ với Vườn quốc gia Cúc Phương chăm sóc, sau đó đưa voọc về với rừng, với cuộc sống tự nhiên.

Mẹ con voọc chà vá chân xám được kiểm lâm Quảng Ngãi phát hiện trong rừng phòng hộ H.Ba Tơ. Ảnh: Phạm Anh

Mẹ con voọc chà vá chân xám được kiểm lâm Quảng Ngãi phát hiện trong rừng phòng hộ H.Ba Tơ. Ảnh: Phạm Anh

Nhiều người dân khi phát hiện loài động vật này đã chủ động trình báo, tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng. Mới đây, Hạt Kiểm lâm H.Sơn Hà (Quảng Ngãi) cũng đã bàn giao con voọc chà vá chân xám cho Vườn quốc gia Cúc Phương. Đó là ông Nguyễn Đình Tạo ở thôn Gò Đồn, xã Sơn Giang, H.Sơn Hà. Ngày 10.8.2022, ông Tạo cùng nhóm bạn đi lên núi Cà Đam, H.Trà Bồng thì thấy một người dân bắt được con voọc này. Thấy đẹp nên ông Tạo xin về nuôi. Qua tìm hiểu thấy đây thuộc loài nguy cấp quý hiếm nên ông Tạo đã tự nguyện giao nộp cho Hạt Kiểm lâm Sơn Hà.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tính riêng từ năm 2020 đến nay, người dân và lực lượng bảo vệ rừng đã phát hiện và giao nộp 5 cá thể voọc chà vá chân xám để lực lượng chức năng bàn giao cho Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Cúc Phương cứu hộ, chăm sóc.

Cần bảo tồn "Vương quốc khỉ"

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, đàn voọc chà vá chân xám ở khu vực rừng tự nhiên thuộc Tiểu khu 426 thuộc lâm phận xã Ba Trang, H.Ba Tơ có khoảng 30 - 40 con sinh sống theo bầy đàn, di chuyển chỗ ở thường xuyên, thuộc diện nguy cấp. Trong khi đó, qua khảo sát của tổ chức FFI (Fauna-Flora International, thành lập tại Anh, có văn phòng tại Hà Nội), loài voọc chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) ở VN phân bố ở khu vực trung rừng Trường Sơn, thuộc địa bàn 5 tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai và Phú Yên, với khoảng từ 2.000 - 5.000 cá thể.

Kiểm lâm Quảng Ngãi cứu hộ con voọc chà vá chân xám. Ảnh: Phạm Anh

Kiểm lâm Quảng Ngãi cứu hộ con voọc chà vá chân xám. Ảnh: Phạm Anh

Tại Quảng Ngãi, Trung tâm Green Viet, tổ chức FFI và lực lượng kiểm lâm Quảng Ngãi, Ban Quản lý rừng phòng hộ Quảng Ngãi đã tiến hành khảo sát hai đợt trong năm 2022 tại 8 tiểu khu ở H.Ba Tơ. Đoàn đã đi dọc 300 km theo tuyến khảo sát, điều tra, ghi nhận 10 đàn/104 cá thể, ước tính tổng cộng 169 cá thể voọc chà vá chân xám. Theo các chuyên gia, đàn voọc chà vá chân xám ở vùng rừng Ba Tơ có thể lên đến 15 - 20 đàn, xếp thứ 3 tại VN.

Đầu năm 2023, tổ chức FFI có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, xét thấy tính cấp bách cần hỗ trợ bảo tồn và đa dạng sinh học tại Quảng Ngãi, trong đó có hỗ trợ việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên tây H.Ba Tơ, có loài voọc chà vá chân xám, loài linh trưởng đặc hữu và quý hiếm. Tổ chức này đề xuất hỗ trợ việc bảo tồn đa dạng sinh học, không chỉ tại H.Ba Tơ mà cả các vùng lân cận tỉnh thuộc Quảng Ngãi.

Theo ông Ngô Vĩnh Phong, hiện nay các khu rừng ở Ba Tơ không chỉ có voọc chà vá chân xám mà có rất nhiều động vật quý hiếm khác như: báo hoa mai, rùa vàng, rắn hổ mang chúa… Gần đây, lực lượng kiểm lâm còn phát hiện một số loài động vật hoang dã quay lại sống dưới rừng này là sơn dương, báo lửa… Còn loài gấu, theo dõi thì thấy dấu hiệu tồn tại, nhưng chưa phát hiện bằng mắt hay chụp được qua máy quay.

Vì vậy, để thuận lợi trong việc bảo tồn các động vật hoang dã, quý hiếm, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi đã đề xuất quy hoạch khu bảo tồn thiên nhiên với diện tích 17.000 ha, nằm trên địa bàn 3 xã gồm: Ba Lế, Ba Xa và Ba Nam (H.Ba Tơ).

Theo ông Phạm Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi, việc thành lập khu bảo tồn nói trên là bước đệm để tiến đến thành lập rừng đặc dụng nơi này. Có như vậy, các loài động vật hoang dã, voọc chà vá chân xám càng được bảo vệ tốt hơn.

Có thể bạn quan tâm