Phóng sự - Ký sự

Vương quốc khỉ, vượn ở Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum) được coi là vương quốc khỉ, vượn vì nhiều loài khỉ, vượn quý hiếm có tên trong sách đỏ đã được đưa về đây.
 

Đàn vượn phát hiện sống theo đàn ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray
Đàn vượn phát hiện sống theo đàn ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray


Hầu hết những con khỉ, vượn quý hiếm ấy đều được đưa về trong tình trạng chờ chết, sau đó được cứu sống. Khi thương tích lành, lũ khỉ, vượn lại trở về với đời sống bản năng, kết hợp với lũ khỉ, vượn ở từ trước đó, chúng biến Vườn quốc gia Chư Mom Ray thành vương quốc riêng.

Làm bạn với khỉ

Anh Trần Quốc Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm cứu hộ và bảo tồn, phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Chư Mom Ray) kể: “Rừng lạ lắm. Lạ nhất là “cư dân bản địa” ở đây! Giống như người ấy, lũ khỉ lớn lên cũng lấy vợ, sinh con rồi tách hộ”. Anh giải thích thêm: “Cư dân bản địa là cách chúng tôi gọi đàn khỉ ở suối Khỉ. Cứ đến gần trưa là đàn khỉ 30-40 con tập trung ở suối này vui đùa, giỡn nước. Nhìn bề ngoài, chúng như chung một đàn nhưng làm bạn với chúng nhiều năm nay, chúng tôi biết chúng có nhiều đàn khác nhau. Mỗi đàn 4 - 6 con sống chung như một gia đình. Chúng cũng chia đất ở từng khu vực, cạnh tranh thức ăn và trong đàn lúc nào cũng có con thống lĩnh”.

Ở tuổi 32, có 8 năm sống dưới tán rừng Chư Mom Ray, anh Tuấn kể say sưa về rừng, về những loài khỉ, voọc, vượn mà anh cùng đồng nghiệp gắn bó, cứu chúng lúc bị thương với nhiều lý do. Anh đưa chúng tôi vào thăm “khu dưỡng thương” các loài thú đang điều dưỡng, trị bệnh ở đây. Nào là trăn gấm, kỳ đà, chim trĩ, khỉ má hung, voọc chân xám… Tuấn chỉ từng con giới thiệu về chúng, hầu hết là thú bị bẫy, bắt và vận chuyển trái phép bị ngành chức năng phát hiện rồi đưa về đây điều trị bệnh.

Thấy người vào, một chú khỉ con nhảy tót từ trong lồng ra, hai tay quấn quýt, mồm kêu i ỉ như làm nũng với Tuấn. Đã hơn một năm được anh và đồng nghiệp chăm sóc, chú khỉ con này dù đã lớn, cửa lồng đã mở nhưng nó không vào rừng mà ở lại sống với người. “Lúc người dân đưa nó vào đây, nói mẹ nó bị bẫy chết trên rừng. Khi tiếp nhận, khỉ con yếu ớt lắm, phải bồi dưỡng như em bé sơ sinh, cho bú sữa, bồng bế, vuốt ve… may mà nó sống khỏe mạnh đến giờ”, Tuấn nói.

Còn chú khỉ đã trưởng thành sát lồng chú khỉ con có hoàn cảnh khác, bị người ta bẫy, bằng sợi dây thép thít chặt hai bên hông, lòi cả thịt bên trong, nhưng may là chưa hoại tử. Nó thuộc nhóm quý hiếm 2B, do đã lớn nên rất khó tiếp cận điều trị. Ban đầu phải tiêm thuốc mê cho nó ngủ, rồi sát trùng, may vết thương lại. Được một thời gian, vết thương ngứa ngáy, khỉ nhà ta móc tay gãi sồn sột, vết thương tróc ra, trầy trụa lại như ban đầu. Tuấn bàn với anh em trong đơn vị không may vết thương cho nó mà bôi thuốc sát trùng, thuốc trị thương và thay nhau chăm sóc, phát hiện nó đưa ra gãi là tìm cách ngăn lại. Cứ thế khi vết thương lành hẳn lại mới thôi.

Anh Tuấn cho biết mỗi năm đơn vị tiếp nhận rất nhiều trường hợp kiểu này. Phần lớn anh em cứu sống, nhưng cũng có trường hợp nuốt nước mắt, bó tay. Gần đây nhất là con khỉ trưởng thành bị ngành chức năng bắt từ kẻ mua bán thú rừng rồi giao cho trung tâm. Khi tiếp nhận khỉ đã kiệt sức. Cho uống nước, đút cho ăn, nó đều từ chối, chỉ cào cấu và kêu thảm thiết cho đến khi chết.


“Khỉ là loài láu cá nhưng có tình có nghĩa, nuôi dưỡng chúng mới thấy điều đó”, anh Tuấn nói và kể khi các anh tiếp nhận một con khỉ chân xám ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), chú khỉ cứ ôm cô chủ của mình kêu thảm thiết, không chịu rời đi, thương ứa cả nước mắt. Hỏi ra mới biết, chú khỉ này được người chủ cứu trên rẫy, khi phát hiện mẹ nó không hiểu sao đã bị chết, nó thì ôm lấy mẹ kêu thảm, khát và đói. Nó được đưa về nuôi dưỡng như bé sơ sinh và lớn lên giữa tình thương nên không nỡ rời đi.

 

Lực lượng kiểm lâm rừng Chư Mom Ray đi gỡ bẫy khỉ, chồn
Lực lượng kiểm lâm rừng Chư Mom Ray đi gỡ bẫy khỉ, chồn


Từ tiếng vượn kêu đến bí ẩn của rừng


Ông Đào Xuân Thủy-Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray, cho biết các đồng nghiệp trẻ ở Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế của đơn vị dần dần cũng thành nhà “vượn học”, đếm được cả tiếng vượn kêu trong rừng.

Hôm chúng tôi đến, nhóm anh Phạm Hồng Thái, anh Võ Hồng Tín và chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (tuổi đời từ 26 đến trên 30) đang chuẩn bị chuyến đi rừng cả tuần trong tháng 5 này. Hỏi làm sao đếm được tiếng vượn, Tín giải thích: “Ban đầu tụi em nghe qua băng ghi âm về tiếng kêu của loài khỉ, linh trưởng, vượn. Sau thì đi thực địa trong rừng cùng các nhà nghiên cứu, được các nhà khoa học hướng dẫn tìm đến tận nơi vượn ở, tập nghe dần rồi phân biệt giọng của từng con”.

Nói nghe thì đơn giản, nhưng để tìm được nơi vượn ở phải mất bao nhiêu mồ hôi và đôi chân phải mỏi nhừ trên những chuyến băng rừng lội suối. Kinh nghiệm cho thấy, những nơi nào ẩm ướt, khe suối ít hơi người là nơi vượn ở. Ở hoài trong rừng, những cán bộ trẻ này quen với tập quán của những loài vượn khỉ. Mỗi sáng mùa hè, cứ 5 giờ là tiếng con vượn má hung hót lên lảnh lót, đánh thức mọi người. Sau tiếng hót ấy là hàng loạt tiếng hót khác kéo dài theo giữa mênh mông rừng thẳm. Rồi lúc chúng di chuyển tìm thức ăn nơi khác, tiếng hú xa dần, thưa dần.

 

Những chú khỉ được dưỡng thương ở Trung tâm cứu hộ và bảo tồn sinh vật
Những chú khỉ được dưỡng thương ở Trung tâm Cứu hộ và bảo tồn sinh vật


“Khoảng cách nghe tiếng vượn hót xa nhất là 1,5 km, còn nghe rõ nhất là 400 - 500 m. Có điều giữa rừng bao la, không bao giờ biết chúng ở góc nào, nên phải dùng GPS để xác định phương vị, khoảng cách. Nhóm bọn em sau đó chia ra 2 tổ cách nhau chừng 1 km để nghe”, Thái chia sẻ. “Gần 2 năm khảo sát rừng Chư Mom Ray, tụi em ước có 20-30 đàn vượn quý hiếm”-Tín nói.


Hơn 20 năm công tác tại đây, ông Đào Xuân Thủy vẫn chưa đi hết rừng Chư Mom Ray. “Nó còn nhiều bí ẩn lắm, chưa được khám phá ra”-ông Thủy nói. Đó là điểm giữa của 3 ngọn núi nhìn vào nhau: phía sau đỉnh Chư Mom Ray, phía nam ngọn Ngọc Tơ Num và phía bắc đỉnh núi Nhọn, chưa có ai đặt chân đến. Vì nơi này hiểm trở, khó đi. Trên đỉnh núi Nhọn còn có một hang cọp. Đồng bào Xê Đăng ở đây muốn đến đó phải đi qua “vườn thuốc của Yàng” còn đầy bí ẩn. Với người địa phương, đỉnh núi là của Yàng ở nên cấm người đi đến, vì vậy xung quanh chốn này dệt lên nhiều chuyện huyễn hoặc khó tin. Ông Thủy tin rằng, nếu các nhà khoa học có thời gian tìm hiểu rừng này, chắc chắn sẽ tìm ra nhiều bí ẩn mới ở nơi đây.
 

 Thả chú vượn về rừng Chư Mom Ray, sau khi được điều trị thương tích
Thả chú vượn về rừng Chư Mom Ray, sau khi được điều trị thương tích

Theo Thanhnien

Theo ông Thủy, năm 2004 khi Vườn quốc gia Chư Mom Ray (trải dài ở 3 huyện: Sa Thầy, Ngọc Hồi, Ia Hdrai của tỉnh Kon Tum) được công nhận là di sản Đông Nam Á, thì công bố nơi này có trên 56.000 ha, trong đó có 1.534 loài thực vật và 718 loài động vật. Nhưng càng về sau, các nhà khoa học chứng minh có nhiều loài khác nữa, thuộc dòng quý hiếm. Chẳng hạn loài khỉ vượn có 6 loài quý hiếm có trong sách đỏ, nhưng đến năm 2010, phát hiện thêm 1 loài động vật mới ghi tên thêm vào sách các loài động vật trên thế giới là loài vượn đen má hung (tên khoa học Nomacus Anamensis).

Loài này do nhà khoa học người Đức lấy mẫu của ông Đỗ Tước (Viện Điều tra quy hoạch rừng VN) về Đức xét nghiệm ADN, giọng hót và công bố đây là loài vượn mới, có tiếng hót hoàn toàn khác với các loài vượn của VN và thế giới biết đến trước đó.


Nó có đám lông màu vàng che gần hết hai bên má, khác hoàn toàn với loài vượn má vàng bình thường đã được biết có đám lông vàng nằm gọn như trái xoài ở bên má. Năm 2010 còn có 3 loài động vật mới tìm thấy ở rừng Chư Mom Ray được công bố, gồm: thằn lằn giả 4 vạch mới (Cyrtodactylus pseudoquadrivirgatus); rắn sài mép trắng (Amphiesma leucomystax) và loài rắn trán cúc (Opisthotropis cucae).

Có thể bạn quan tâm