Phóng sự - Ký sự

Vượt qua lằn ranh sinh tử: Khó khăn lớn nhất là phải chống dịch lâu dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Số ca mắc mới trên cả nước đang tăng nhanh, song rất may mắn khi tỷ lệ tiêm vắc xin 2 - 3 mũi rất cao.
Chúng ta đã đi đúng hướng là tiêm phủ 2 mũi cho toàn bộ người trên 12 tuổi, tiêm mũi 3 đặc biệt với đối tượng nguy cơ cao, nên mới khống chế được số bệnh nhân nặng hay số ca tử vong.
Chủ trương chung là không còn “zero Covid”, số ca hiện nay tăng cao, nhưng đây là lây theo diễn biến tự nhiên. Mục tiêu hiện nay là giảm tỷ lệ bệnh nhân tăng nặng và giảm nguy cơ tử vong. Sau 2 năm, cuộc chiến với Covid-19 vẫn kéo dài, dù chúng ta đã chuyển sang trạng thái sống chung, thích ứng linh hoạt. Ngay từ năm 2020, tôi cũng đã nêu ý kiến quan trọng nhất là phải có vắc xin, khi chúng ta tiêm đủ vắc xin cho người dân, chắc chắn tỷ lệ nhiễm sẽ giảm xuống, tỷ lệ tử vong sẽ rất ít.
Tuy nhiên, thời điểm đầu dịch bùng phát tại khu vực phía nam, bối cảnh hoàn toàn khác. Từ chỗ chỉ có vài chục ca nhiễm mỗi ngày, khi đó (tháng 6 - 7.2021) lên tới 5.000 - 7.000 ca nhiễm/ngày, đã có những lúng túng trong các khâu. Song Bộ Y tế đã sớm nhận ra điều này nên đưa ra việc điều trị theo phác đồ 3 tầng hợp lý. Chúng ta điều trị từ rất sớm cho bệnh nhân có triệu chứng, hạn chế bệnh nhân nâng tầng lên, thở ô xy, đặt nội khí quản, ECMO, lọc máu...

PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu động viên các bác sĩ nội trú tình nguyện vào Bình Dương chống dịch. Ảnh: L.H
PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu động viên các bác sĩ nội trú tình nguyện vào Bình Dương chống dịch. Ảnh: L.H
Mất mát ban đầu là cái giá rất lớn
Tới thời điểm này nhìn lại, thì những trải nghiệm đã qua của đợt dịch thứ 4 tại phía nam thực sự đáng nhớ. Dịch bùng phát quá nhanh và chúng ta chưa hề có kinh nghiệm gì về đại dịch như vậy trong lịch sử. Những mất mát ban đầu là cái giá phải trả rất lớn. Mọi người vẫn hỏi tôi là khó khăn lớn nhất phải đối mặt khi đưa anh em vào tuyến đầu chống dịch là gì? Khó khăn lớn nhất của chúng tôi không phải là mệt mỏi hay nóng nực, mà là nỗi sợ người bác sĩ chữa bệnh không giữ lại được tính mạng người bệnh trên tay mình!
Đợt dịch thứ 4, Bộ Y tế đã điều động hơn 20.000 cán bộ, viên chức, sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ cho TP.HCM và các tỉnh phía nam. Hà Nội cũng đóng góp đáng kể nhân lực điều động vào miền Nam, vấn đề khi đó là làm sao vừa huy động được lực lượng tinh nhuệ vào miền Nam, nhưng vẫn đảm bảo công tác điều trị bệnh nhân của bệnh viện. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chia thành 3 mũi: tại cơ cở Tôn Thất Tùng (Hà Nội), chúng tôi chỉ giữ khoảng 70% nhân lực, 20% đi vào Bình Dương và 10% luân chuyển thành lập Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 của Hà Nội (cơ sở Hoàng Mai).
3 tháng tại tâm dịch Bình Dương
Có mặt tại tâm dịch Bình Dương vào thời điểm “nóng” nhất giữa tháng 7.2021, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, được Bộ Y tế tin tưởng giao trọng trách đứng đầu Trung tâm hồi sức tích cực tại Bình Dương, với mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong và bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng.
Việc tuân thủ điều trị bệnh theo tháp đồ 3 tầng và sự ra đời của trung tâm hồi sức đã hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. Sau 3 tháng làm việc không biết mệt mỏi, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Bình Dương cơ bản được khống chế, đoàn chi viện của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mới trở lại Hà Nội, tiếp sức cho thủ đô trong cuộc chiến chống dịch mới
Mai Hà
Một may mắn là chúng tôi có rất nhiều tình nguyện viên là các y bác sĩ ở Nghệ An, Hà Tĩnh và nhiều tỉnh, thành khác đăng ký cùng chúng tôi đi vào tâm dịch. Sự tham gia của họ vô cùng quý giá, xuất phát từ lòng quyết tâm, không do mệnh lệnh hay nhiệm vụ nào. Những tình nguyện viên đó cũng là những người bám trụ và rút sau cùng khỏi chiến dịch.
Kỷ niệm thì có nhiều, có những học trò của chúng tôi không ăn cơm được, bị stress, xin nghỉ phép đóng cửa ở trong phòng 2 - 3 ngày chỉ vì không thể quên được những ca bệnh mà mình không bảo vệ được. Có những em bị mắc Covid-19 nhưng không nghỉ mà xin vào phòng bệnh ở cùng luôn với bệnh nhân để chăm sóc bệnh nhân 24/24. Tôi rất tự hào về các em!
Thời điểm đó thực sự vô vàn khó khăn không chỉ ở Bình Dương mà cả miền Nam, nhưng chúng tôi có được sự ủng hộ và sẻ chia rất lớn từ người dân và chính quyền. Tôi nhớ ngày 22.8.2021, khi đó bệnh viện điều trị tại Bình Dương đang rất đông bệnh nhân, có hơn 40 bệnh nhân đã tử vong. Song theo quan sát và dự tính của tôi trên cơ sở khả năng tiêm vắc xin, số ra viện, số ca mắc mới, tôi mạnh dạn khẳng định Bình Dương đang là đỉnh dịch.
Cái khó là từ trước tới nay, không ai biết đâu là đỉnh dịch cả, nhưng nếu không xác định đỉnh dịch, bệnh viện quá tải sẽ phải xây thêm bệnh viện mới, kêu gọi thêm chi viện mới. Những ngày sau đó, số ca bệnh tiếp tục tăng, tôi càng lo hơn. Nhưng lời khẳng định của tôi thời điểm đó có lẽ đã động viên, tiếp thêm tinh thần cho anh em, không chỉ tại cơ sở điều trị tầng 3 (bệnh nhân nặng), mà cả anh em tuyến huyện, tuyến xã.
Thực sự may mắn sau ngày 22.8.2021, dịch dần dần lui xuống, tỉnh Bình Dương không phải mở thêm 2 bệnh viện nữa như dự tính, tiết kiệm số tiền lớn phải bỏ ra cũng như không phải chi viện thêm lực lượng rất lớn nữa...

Khu điều trị F0 trong bệnh viện dã chiến ở Bình Dương lúc cao điểm dịch Covid-19 đợt 4. Ảnh: Đỗ Trường
Khu điều trị F0 trong bệnh viện dã chiến ở Bình Dương lúc cao điểm dịch Covid-19 đợt 4. Ảnh: Đỗ Trường
Coi Covid-19 à bệnh lý chuyên khoa để thích ứng
Sau đợt dịch này, bài học lớn nhất là chúng ta phải nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Trước đây tập trung kỹ thuật cao chủ yếu tại các bệnh viện trung ương, tuyến tỉnh, trong khi hệ thống y tế cơ sở kém cả về vấn đề con người, chuyên môn. Nhưng như chúng tôi tìm hiểu, các nhân viên y tế tuyến huyện không đủ điều kiện sinh sống thì làm sao họ tập trung tay nghề được.
Theo tôi, phải có chính sách chi trả cho con người, cho nhân viên y tế sau chi lương hợp đồng và phụ cấp để bảo đảm điều trị Covid-19 lâu dài. Bác sĩ phải có thu nhập tăng thêm phần đã được thanh toán. Như hiện nay, một điều dưỡng viên của chúng tôi tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở Hoàng Mai tổng thu nhập 1 tháng được 9 triệu.
Diễn biến và cách ứng phó với dịch Covid-19 đã thay đổi rất nhiều trong 2 năm qua, đi kèm với đó là những khó khăn và áp lực mà đội ngũ y bác sĩ phải đối mặt cũng liên tục thay đổi. Với tốc độ lây lan nhanh của chủng Omicron, càng khẳng định không thể hy vọng “zero Covid” được. Đến thời điểm này, cần coi Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa và có hướng xử lý, điều trị thích hợp. Việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh Covid-19 cũng nên như các bệnh khác, do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.
Khi mở cửa trở lại, trách nhiệm của mỗi người trong việc tự bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng rất quan trọng. Chúng ta cần tránh tâm lý cực đoan, hoặc quá chủ quan coi Covid-19 không nguy hiểm, hoặc quá lo lắng khi nhiễm bệnh. Nguồn lực hiện nay cần tập trung đẩy nhanh tiêm vắc xin cho những người chưa tiêm và trẻ em dưới 12 tuổi, cũng như tiếp tục điều trị giảm số ca tăng nặng, tử vong do Covid-19.
Theo PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu (TNO)

Có thể bạn quan tâm