Phóng sự - Ký sự

Vượt qua lằn ranh sinh tử: Tấm lòng người dân TP.HCM tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi vẫn còn nhớ như in thời điểm đầu tháng 8.2021, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát căng thẳng nhất tại TP.HCM. Chính tấm lòng nồng ấm của người dân TP.HCM đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi…
Thời điểm đó, chúng tôi nhận quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về việc điều các bệnh viện (BV) hạng đặc biệt tuyến T.Ư thiết lập khẩn cấp 3 trung tâm hồi sức tích cực (ICU) tại TP.HCM để cứu chữa bệnh nhân (BN) Covid-19. Trong đó, BV T.Ư Huế được giao thành lập Trung tâm ICU có quy mô 500 giường bệnh, đặt tại địa chỉ số 2 Trường Chinh, P.Tây Thạnh (Q.Tân Phú). Đây là tuyến cuối trong bậc thang điều trị BN Covid-19 tại TP.HCM, có chức năng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị BN nặng, nguy kịch và hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc BN Covid-19 trong khu vực được phân công.
Quãng thời gian khó khăn nhưng ấm áp nghĩa tình
Ngay chiều 2.8.2021, BV T.Ư Huế đã cử đoàn công tác do tôi trực tiếp dẫn đầu cùng với 1 phó giám đốc, 1 bác sĩ cùng 2 kỹ sư, cán bộ của BV gấp rút vào TP.HCM để xây dựng, thiết lập Trung tâm ICU theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Được sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Bộ Y tế, chính quyền TP.HCM và Tập đoàn Novaland, ngay lập tức chúng tôi bắt tay vào thiết lập BV từ nhà kho cũ của một doanh nghiệp không còn hoạt động.
 
Cứu chữa bệnh nhân Covid-19 nặng lúc cao điểm dịch ở TP.HCM tại Trung tâm ICU do BV T.Ư Huế vận hành. Ảnh: NVCC
Nói là “thần tốc” thì hơi quá, nhưng sau đúng 2 tuần vừa thiết kế vừa lắp đặt các hệ thống trang thiết bị, Trung tâm ICU đã sẵn sàng đi vào hoạt động. Ngay ngày dự kiến đi vào hoạt động, TP.HCM bỗng đổ mưa lớn. Nước từ trên dội xuống, nước dưới ống cống trào lên gây ngập lênh láng. Vậy là chúng tôi phải gọi điện cho lãnh đạo UBND TP.HCM đề nghị hỗ trợ. Ngay sau đó, lực lượng của Sở GTVT, Công ty Môi trường đô thị TP.HCM, thoát nước… đã có mặt hỗ trợ. Các đường cống thoát nước được khơi thông, máy bơm, máy hút nước được huy động chạy hết tốc lực để sớm thoát nước cho trung tâm sớm đi vào hoạt động tiếp nhận BN.
Thời điểm ấy, không hiểu sao TP.HCM mưa liên tục 3 ngày, toàn bộ đội ngũ thi công đã chiến đấu với thời tiết, với thời gian để Trung tâm ICU được hoàn thành sớm nhất. Chúng tôi suy nghĩ, trung tâm hoạt động sớm được ngày nào, giờ nào là BN có cơ hội được cứu sống nhiều hơn giờ ấy. Lúc ấy chỉ nghĩ đến sinh mạng của người dân, không còn suy nghĩ gì khác.
Đứng trước sinh mạng của người dân, người làm y tế đã không còn suy nghĩ gì khác ngoài cứu chữa người bệnh. Đó là thiên chức nghề nghiệp mà bất cứ ai mang trên mình chiếc áo blouse trắng đều có chung phẩm chất thiêng liêng ấy
Trong khi một cánh quân gấp rút hoàn thiện Trung tâm ICU tại TP.HCM, thì ở Huế, BV T.Ư Huế đã có thư ngỏ kêu gọi sự chung tay giúp sức của quý cá nhân, tổ chức. Sau 3 ngày (kể từ 7.8.2021), chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ về mọi mặt từ tinh thần, vật chất, bao gồm kinh phí, trang thiết bị, vật tư y tế và các mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác chống dịch từ các tấm lòng vàng với tinh thần tất cả hướng về TP.HCM.
Cùng với đó, hàng trăm cán bộ, y bác sĩ đã viết thư tình nguyện lên đường “chi viện” cho TP.HCM và miền Nam chống dịch. Có những bác sĩ đã viết đến 3 bức tâm thư tha thiết xin được vào chống dịch... Đó là quãng thời gian khó khăn nhưng ấm áp nghĩa tình mà chúng tôi không bao giờ quên được trong nghề.
TP.HCM - những ngày không thể nào quên
Ngày 12.8.2021, sau khi đã cơ bản hoàn thành, chúng tôi cử đoàn thầy thuốc gồm 191 y bác sĩ làm lễ xuất quân vào TP.HCM để vận hành Trung tâm ICU trực thuộc BV T.Ư Huế. Thời điểm đó, chúng tôi xác định vấn đề chính cần quan tâm nhất của TP.HCM là phải cứu chữa được các trường hợp BN nặng, nguy kịch và giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19. Chúng tôi sẽ cố gắng thiết lập một trung tâm có công năng tối ưu, vừa đảm bảo phối hợp hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả trong điều trị BN nặng, vừa đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch, tránh lây nhiễm chéo trong đơn vị...
Sau đó, chúng tôi cứ lần lượt thay quân theo từng đợt, khi nhóm này hoàn thành nhiệm vụ quay về là lập tức có nhóm khác luân phiên vào thay thế. Với lợi thế có đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao đủ mọi lĩnh vực chuyên môn (chống nhiễm khuẩn, nội, ngoại khoa, hồi sức tích cực, tim mạch, sản, nhi...), cùng kinh nghiệm thực tiễn tiếp nhận và điều trị các BN Covid-19 nặng từ các đợt dịch trước, chúng tôi đã xây dựng Trung tâm ICU tại TP.HCM với thiết kế hiệu quả nhất.
Trong đó, đặc biệt quan trọng là hệ thống điều hòa có lọc Hepa (bộ lọc không khí hiệu suất cao), giúp trung tâm đảm bảo điều kiện cho cả BN và đội ngũ y bác sĩ làm việc tốt nhất. Cùng với đó là quy trình kỹ thuật vận hành được xây dựng bài bản, khoa học, nhằm tránh lây nhiễm cho đội ngũ y bác sĩ và lây nhiễm chéo trong trung tâm.
 
GS-TS Phạm Như Hiệp. Ảnh: Bùi Ngọc Long
Sau 4 tháng có mặt tại TP.HCM, cùng với các đồng nghiệp từ BV đa khoa T.Ư Quảng Nam, BV đa khoa Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, BV C Đà Nẵng, BV Phong - da liễu T.Ư Quy Hòa..., Trung tâm ICU BV T.Ư Huế tại TP.HCM đã thực hiện được các kỹ thuật cao và phức tạp như chạy ECMO, lọc máu liên tục, các kỹ thuật về tim mạch... Chúng tôi đã tiếp nhận và điều trị hơn 1.830 BN Covid-19 nặng, nguy kịch; thực hiện 153 phẫu thuật, hơn 128.000 thủ thuật và hơn 244.000 kỹ thuật khác... Qua đó, cứu sống hàng trăm BN nguy kịch.
Trung tâm ICU BV T.Ư Huế cũng là đơn vị có thời gian xây dựng và hoàn thành ngắn nhất (trong vòng 2 tuần), điều trị BN Covid-19 nặng, nguy kịch nhiều nhất trong các trung tâm ICU hỗ trợ TP.HCM. Đặc biệt, đây cũng là trung tâm ICU an toàn nhất cho đội ngũ y bác sĩ: Hơn 4 tháng hoạt động với hơn 800 y bác sĩ được điều động vào TP.HCM, nhưng không có cán bộ, y bác sĩ nào bị lây nhiễm. Trung tâm ICU BV T.Ư Huế tại TP.HCM cũng là trung tâm có thời gian hỗ trợ dài nhất.
Giữa lằn ranh sinh tử vì dịch bệnh khốc liệt, khi chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó đại dịch Covid-19, không chỉ người dân mà kể cả cán bộ y tế, y bác sĩ ai cũng lo sợ bị lây nhiễm. Thế nhưng, đứng trước sinh mạng của người dân, người làm y tế đã không còn suy nghĩ gì khác ngoài cứu chữa người bệnh. Đó là thiên chức nghề nghiệp mà bất cứ ai mang trên mình chiếc áo blouse trắng đều có chung phẩm chất thiêng liêng ấy.
Giữa thời khắc sinh tử của người bệnh, không ai có đủ thời gian để lo nghĩ cho bản thân mình. Chúng tôi cũng thật sự tự hào về trình độ chuyên môn, tinh thần Huế của đội ngũ y bác sĩ… Tất cả những giá trị ấy đã làm nên “thương hiệu” của y bác sĩ Huế trong lòng người dân cả nước.
Trải qua giai đoạn cam go nhất của cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, giờ điểm lại, chúng tôi vẫn còn cảm thấy ấm lòng trước tình cảm mà chính quyền và người dân TP.HCM dành cho y bác sĩ Huế. Những suất ăn nóng hổi, những tin nhắn, những lời động viên trên mạng xã hội, những lá thư xúc động của BN và người nhà BN... vẫn còn in đậm mãi trong ký ức của chúng tôi.
Chính tấm lòng ấm áp của người dân TP.HCM cho chúng tôi thêm sức mạnh hoàn thành nhiệm vụ chiến thắng, đẩy lùi dịch bệnh. (còn tiếp)
Theo GS-TS Phạm Như Hiệp (Giám đốc BV T.Ư Huế, chỉ huy thiết lập và vận hành Trung tâm hồi sức Covid-19 BV T.Ư Huế tại TP.HCM trong đợt dịch thứ 4/TNO)

Có thể bạn quan tâm