Sức khỏe

Y dược cổ truyền

WHO: Tỏi, dầu mè, Vitamin C không thể diệt vi rút Corona

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nhiều bài viết trên mạng xã hội mạo danh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo sai sự thật như tỏi, dầu mè và vitamin C có thể tiêu diệt vi rút Corona mới gây dịch viêm phổi Vũ Hán.
 

Nhân viên bảo vệ kiểm tra thân nhiệt khách hàng tại một siêu thị ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc ngày 5.2 - Ảnh: AFP
Nhân viên bảo vệ kiểm tra thân nhiệt khách hàng tại một siêu thị ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc ngày 5.2 - Ảnh: AFP



WHO khẳng định hiện chưa có bất kỳ phương thuốc nào có thể chữa trị vi rút Corona mới (nCoV), bùng phát từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) cuối năm 2019 và đến nay lây nhiễm cho hơn 24.000 người, làm chết 490 người ở Trung Quốc đại lục.

Tuy nhiên, hàng triệu người trên thế giới đang phải tiếp xúc hàng ngàn thông tin sai lệch về nCoV lan truyền nhanh chóng với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, theo đài CNBC.


“Không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy ăn tỏi, dầu mè và Vitamin C giúp trị khỏi nCoV”, WHO thông báo trên tài khoản Twitter chính thức của tổ chức này, cùng với hashtag #KnowtheFacts (Hãy biết sự thật).


Mới đây, trên ứng dụng Whatsapp xuất hiện một cảnh báo sai lệch mạo danh Bộ Y tế của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cho rằng vi rút sẽ xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng chỉ trong vòng 10 phút nếu không uống đủ nước.
 


Mục hỏi đáp của WHO xuất hiện nhiều câu hỏi xuất phát từ thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội:

Hỏi: Thoa lên da hoặc uống dầu mè có giúp ngăn chặn nCoV xâm nhập vào cơ thể hay không?

WHO: Không. Dầu mè rất ngon nhưng không thể tiêu diệt nCoV.

Hỏi: Ăn tỏi có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm nCoV không?

WHO: Tỏi là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe do có một số đặc tính kháng khuẩn. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy ăn tỏi giúp chống lại nCoV.


Công ty mạng xã hội phối hợp chống tin vịt

Tuần rồi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu và cảnh báo về những tác hại từ thông tin sai lệch tràn lan trên mạng.

Các công ty mạng xã hội như Facebook, Twitter, từng bị lên án gay gắt về cách xử lý thông tin sai lệch, đã tuyên bố tham gia cuộc chiến chống tin giả mạo liên quan đến dịch viêm phổi Vũ Hán.

“Chúng tôi sẽ xóa nội dung hoặc thuyết âm mưu đã bị WHO và các cơ quan y tế địa phương xác nhận là sai lệch, gây hại cho dân chúng, chẳng hạn như uống thuốc tẩy chữa được vi rút Corona mới”, Kang-Xing Jin, đại diện của Facebook, cho biết.



 

Nhân viên y tế làm việc ở trạm y tế dã chiến được dựng lên tại ga xe lửa thành phố Hàng Châu, Trung Quốc ngày 5.2 - Ảnh: AFP
Nhân viên y tế làm việc ở trạm y tế dã chiến được dựng lên tại ga xe lửa thành phố Hàng Châu, Trung Quốc ngày 5.2 - Ảnh: AFP




Tuy nhiên, các công ty mạng xã hội vẫn bị chỉ trích là không thể kiểm soát hết thông tin sai lệch, với nhiều bình luận độc hại vẫn còn tồn tại, chẳng hạn một người Malaysia cho rằng nCoV là do... thánh Allah điều đến tấn công Trung Quốc.

Giữa lúc WHO nỗ lực chống lại tin giả liên quan đến vi rút Corona mới, một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia và Thái Lan đã bắt giữ các đối tượng gieo rắc tin đồn, thông tin sai lệch gây hoang mang trên mạng xã hội.

 

Theo Phúc Duy (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm