Xã hội hóa nhà vệ sinh trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xây dựng, sửa chữa công trình nhà vệ sinh dành cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ đặt ra cho ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) trong năm học 2018-2019. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì sẽ rất khó khăn nên công tác xã hội hóa nhà vệ sinh trường học đang được khuyến khích thực hiện.


Một cách làm hay

Với hơn 600 học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Đak Đoa), niềm vui trong năm học mới đơn giản là khu vệ sinh dành cho các em được tu sửa với kinh phí hơn 80 triệu đồng. Công trình đang được gấp rút hoàn thiện, đưa vào sử dụng ngay trong tuần học tập đầu tiên. “Có một khu nhà vệ sinh sạch sẽ là điều rất thiết thực đối với chúng em. Năm học trước, nhà vệ sinh bị xuống cấp, thường xuyên không có nước nên hầu như chúng em không dám dùng đến”-em Dương Thị Thu Ngân (lớp 11) chia sẻ.

Các bồn nước rửa tay trong khu vệ sinh tại Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Đak Đoa) được lắp mới. Ảnh: N.G
Các bồn nước rửa tay trong khu vệ sinh tại Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Đak Đoa) được lắp mới. Ảnh: N.G



Để các em học sinh có được niềm vui nhỏ ấy là cả một sự quyết tâm lớn của Ban Giám hiệu và tập thể sư phạm Trường THPT Lê Hồng Phong. Thầy Phạm Ngọc Hai-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Tuy công trình đã sắp hoàn thiện nhưng tiền vật liệu và ngày công nhà trường vẫn phải nợ vì còn thiếu nguồn kinh phí vận động xã hội hóa. Nhưng vì sự hữu ích của nó, tôi nghĩ đây không phải là vấn đề quá khó khăn”.     
   
Bỏ tiền ra trả công thợ khi nhà trường chưa vận động được nguồn xã hội hóa, ông Phan Ngọc Anh-chủ thầu nhận tu sửa công trình nhà vệ sinh Trường THPT Lê Hồng Phong-cho biết: “Trước đây, con tôi cũng học ở đây nên tôi hiểu được sự bất tiện của các con, đặc biệt là con gái khi nhà vệ sinh trường học không sử dụng được. Do đó, tôi sẵn sàng hỗ trợ để các cháu có một khu vệ sinh tử tế”. Được biết, để vận động kinh phí, nhà trường không đề ra bất kỳ mức đóng góp nào cho phụ huynh mà hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện. “Ngay trong buổi họp phụ huynh đầu năm, chúng tôi sẽ để phụ huynh kiểm tra khu nhà vệ sinh và tự quyết định mức đóng góp để cùng với nhà trường làm tốt việc tu sửa, giữ vệ sinh chung. Nguồn xã hội hóa chủ yếu là đóng góp từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đứng chân trên địa bàn và UBND các xã có con em học tập tại trường. Nhà trường cũng xác định 1 năm trả không hết nợ thì 2 năm, tuyệt đối không áp mức đóng góp lên phụ huynh”-thầy Phạm Ngọc Hai cho biết.

Trong lúc rất nhiều trường e ngại trước các khoản thu đầu năm, Ban Giám hiệu Trường THPT Lê Hồng Phong vẫn quyết tâm xã hội hóa nhà vệ sinh trường học để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, “Làm việc gì thực sự mang lại lợi ích cho học trò, tuyệt đối không chút tư lợi cá nhân thì chúng tôi mạnh dạn làm và tin sẽ thành công. Nếu cứ e ngại mãi thì đến bao giờ nhà vệ sinh trường học mới thôi là nỗi ám ảnh con trẻ”-thầy Hai bày tỏ.

Ưu tiên xã hội hóa nhà vệ sinh trường học

 


Tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của Bộ GD-ĐT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Năm học 2018-2019, ngành GD-ĐT cần giải quyết bằng được vấn đề nhà vệ sinh dành cho học sinh. Để nguồn ngân sách nhà nước đầu tư toàn bộ khu nhà vệ sinh trường học trong cả nước là rất khó nên các đơn vị, địa phương cần tích cực kêu gọi nguồn xã hội hóa từ cộng đồng. Quan trọng hơn nữa là giáo dục học sinh thói quen giữ gìn vệ sinh chung, đừng để nhà vệ sinh trường học là nỗi ám ảnh đối với các em”.
 

“Vấn đề nhà vệ sinh trường học sẽ được ngành GD-ĐT đặc biệt quan tâm trong năm học này nên tôi rất hoan nghênh cách làm của Trường THPT Lê Hồng Phong. Tôi cho rằng công tác xã hội hóa sẽ nhận được sự ủng hộ khi xuất phát từ lợi ích thiết thực của học sinh. Các đơn vị cần lựa chọn cách làm hợp lý, tạo được đồng thuận trong phụ huynh, tránh tình trạng lợi dụng xã hội hóa dẫn đến lạm thu”-ông Nguyễn Tư Sơn-Giám đốc Sở GD-ĐT-nêu quan điểm. Cũng theo ông Nguyễn Tư Sơn, việc xã hội hóa nhà vệ sinh trường học sẽ được ngành chỉ đạo ưu tiên thực hiện trong năm học 2018-2019 để kịp thời mang lại môi trường học tập an toàn cho học sinh trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, 100% trường chính trên địa bàn tỉnh đã có công trình nhà vệ sinh dành cho học sinh, tuy nhiên hơn 50% trong số đó đã bị xuống cấp. Ngoài ra, nhiều điểm trường lẻ vẫn chưa có khu vệ sinh. Năm học vừa qua, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã phối hợp với Sở GD-ĐT tiến hành kiểm tra công tác y tế, vệ sinh trường học tại 26 đơn vị trường trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có tới hơn 50% công trình nhà vệ sinh dành cho học sinh bị đánh giá là không đạt, xuống cấp trầm trọng, ngay thời điểm kiểm tra không sạch sẽ... Do đó, công tác xây mới, tu sửa nhà vệ sinh trường học được ngành xác định cần nhanh chóng thực hiện bằng 2 nguồn vốn: ngân sách nhà nước và xã hội hóa.

Cũng xác định ưu tiên nguồn xã hội hóa trong năm học này cho khu vệ sinh học sinh, Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Pleiku) đang lên kế hoạch ứng tiền ngân sách tu sửa khu vệ sinh nam với các hạng mục: lắp hệ thống nước tự chảy, lát nền, làm khuôn viên bê tông... Thầy Nguyễn Tâm-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Khu vệ sinh nữ của nhà trường đã được đầu tư khang trang nên năm nay sẽ tập trung cho khu vệ sinh nam. Trường dự định sẽ tiến hành làm trước khi vận động xã hội hóa. Cách làm của chúng tôi là dựa trên tinh thần tự nguyện về mức đóng góp, thời gian đóng góp của phụ huynh bên cạnh việc vận động các doanh nghiệp trên địa bàn”.

Nguyễn Giang
 

Có thể bạn quan tâm