Phóng sự - Ký sự

Xa rồi "ốc đảo" Pờ Yầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiếc ô tô lao nhanh trên đường bê tông phẳng phiu, lâu lâu lại chậm bánh để chúng tôi thưởng ngoạn cảnh đẹp ở những con dốc, khúc cua len lỏi giữa cánh rừng già trùng điệp. Khó có thể hình dung rằng, cách đây hơn 2 năm, làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) vẫn còn là “ốc đảo”.
Lần trở lại này chúng tôi không gặp bất kỳ trở ngại gì, cũng không còn được trải nghiệm cảm giác thót tim khi vào làng Pờ Yầu. Giờ đây, rào cản về giao thông không còn, cuộc sống của người dân nơi đây đang ngày càng khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ trên 60% (năm 2017) xuống còn 17,18% (năm 2021).
Pờ Yầu không xa
Chưa đầy 20 phút từ tỉnh lộ 666, chúng tôi đã có mặt tại điểm trường làng Pờ Yầu với mục đích kiếm tìm sự khác biệt từ khi làng có “con đường mơ ước”. Nằm trên đỉnh núi Lơ Pang hùng vĩ, Pờ Yầu từng là một trong những ngôi làng thuộc diện đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh. Hơn 7 km đường độc đạo, đất đá chênh vênh này đã tách Pờ Yầu ra khỏi sự kết nối với các thôn, làng trong xã. Vào mùa mưa lũ, không có phương tiện giao thông nào đến được “ốc đảo” này. Nhưng giờ thì hạ tầng giao thông được đầu tư, làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt nông thôn, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Tranh thủ trò chuyện giữa giờ giải lao, cô Nguyễn Thị Thu Hiếu-giáo viên điểm trường Pờ Yầu (Trường Tiểu học Lơ Pang) cho hay: Cô cũng cảm nhận rõ sự đổi thay ngoạn mục từ con đường này sau 2 lần “biệt phái” lên đây giảng dạy. Nhớ lại lần đầu đến với Pờ Yầu vào năm 2011, cô Hiếu không khỏi rùng mình. Ngày ấy, ghì chặt tay lái chiếc xe máy, nhìn ngược lên những con dốc dựng đứng vời vợi, nước mắt cô gái trẻ cứ chực rơi vì cảm giác bất an. “Mùa mưa thì càng ám ảnh hơn, mặt đường vừa trơn trượt, vừa sình lầy. Đi bộ đã khó mà đẩy xe vượt dốc lại càng gian nan, vất vả. Ngã xe, trầy xước, lấm lem bùn đất là chuyện thường. Đường khó đi nên nhiều thầy cô “gắn bó” hơn với điểm trường Pờ Yầu, mỗi tuần mới về thăm nhà một lần. Cực chẳng đã, những lúc con ốm đau hay gia đình có việc gấp thì mới vượt núi mất 2-3 tiếng đồng hồ để xử lý việc nhà”-cô Hiếu hồi tưởng.
Các em học sinh vui chơi tại điểm trường làng Pờ Yầu. Ảnh: Minh Nguyễn
Các em học sinh vui chơi tại điểm trường làng Pờ Yầu. Ảnh: Minh Nguyễn
Trong thoáng chốc, cô giáo trẻ hoàn toàn thay đổi trạng thái khi đưa mắt nhìn ra con đường phía trước. Giọng cô phấn chấn khi kể rằng con đường bê tông phẳng lì len lỏi giữa những khoảnh rừng đã khiến cho Pờ Yầu bỗng gần lại hơn bao giờ hết. Giờ chỉ mất hơn 20 phút là các thầy-cô giáo đã có mặt ở điểm trường. Có thể đi-về trong ngày. Cô Hiếu vui vẻ cho hay: “Thong thả nên chúng tôi còn có thời gian vừa chạy xe vừa ngắm cảnh đẹp của núi rừng. Con đường bỗng trở nên thi vị, hữu tình. Giao thông thuận lợi kéo theo kinh tế dần phát triển, phụ huynh quan tâm hơn đến việc học tập của con cái. Các em cũng tự giác học tập, học sinh THCS học dưới xã có thể tự đi học và về trong ngày”.
Từ Bắc Ninh vào “đóng đô” ở Pờ Yầu 14 năm có lẻ, gia đình ông Nguyễn Văn Tiến-chủ tiệm tạp hóa lớn nhất làng hiểu rất rõ những thiệt thòi của người dân thời kỳ đường chưa được cải tạo, nâng cấp. Đồng tiền vất vả làm ra bị con đường “nuốt” mất 1/3 phí vận chuyển. Ông Tiến đưa ra dẫn chứng cụ thể: xe mì 10 tấn, vận chuyển ra đến xã bán được 15 triệu đồng thì phải mất đến 5 triệu đồng tiền cước! “Nhiều lúc người dân năn nỉ lắm tôi mới chở. Không phải làm giá hay không muốn kiếm tiền mà bởi tôi thừa hiểu những rủi ro trên đoạn đường này. Xe lao dốc, hư nằm đường liên tục nên chẳng ai muốn chở”-ông Tiến nhớ lại.
Giá nông sản cao, đường sá thuận lợi nên không còn chuyện bị ép giá hay mất cước vận chuyển lớn, người dân làng Pờ Yầu có đồng ra đồng vào, cải thiện thu nhập
Giá nông sản cao, đường sá thuận lợi, cuộc sống của người dân làng Pờ Yầu ngày càng khởi sắc. Ảnh: Minh Nguyễn
Chỉ 2 năm sau khi con đường bê tông hình thành, mọi chuyện đã khác. Xe tranh nhau vào tận rẫy chở nông sản ra, tiền cước chỉ 2 triệu đồng/chuyến. Còn nếu vận chuyển ngay tại làng thì chỉ mất khoảng 1,4 triệu đồng. Đặc biệt, năm nay mì được giá, hơn 100 hộ dân ở đây ai nấy đều phấn khởi, nhà nào cũng bỏ túi 50-70 triệu đồng. Hộ neo công nhất, trừ tiền thuê người thu hoạch cũng còn 40 triệu đồng. Ông Tiến đưa ra đánh giá chẳng khác gì một chuyên gia kinh tế: “Con đường mất kinh phí xây dựng hơn 20 tỷ đồng, nhưng tôi nghĩ chỉ cần 4 năm hưởng lợi từ các mặt hàng nông sản cũng lấy lại đủ số tiền này. Đủ hiểu là nó thiết thực với người dân như thế nào. Giá nông sản cao, đường sá thuận lợi nên không còn chuyện bị ép giá hay chi phí vận chuyển lớn, người dân có đồng ra đồng vào”. Thêm một đổi thay ngoạn mục: Ai ốm đau thì chỉ cần điện thoại là taxi từ phố xuống hay từ thị trấn huyện vào chở thẳng đến bệnh viện. Hình ảnh thanh niên trai tráng trong làng thay nhau khiêng võng đưa người bệnh vượt đường núi đi cấp cứu đã thành chuyện… ngày xửa ngày xưa.
Xóa “danh hiệu” làng nghèo nhất tỉnh
Trở lại Pờ Yầu lần này, chúng tôi được nghe chuyện gia đình ông Srong thoát nghèo. Trước đó, tuy sở hữu nhiều đất đai trồng mì, bời lời, cà phê nhưng gia đình ông nghèo vẫn hoàn nghèo. Giải đáp thắc mắc của chúng tôi, ông Srong lý giải hết sức đơn giản: “Lâu nay không biết cách chăm sóc cà phê, hồ tiêu hay trồng lúa Đông Xuân nên thu hoạch chẳng được bao nhiêu thì nghèo thôi!”. Giờ đường sá thuận lợi, cán bộ nông nghiệp của xã, huyện có điều kiện sâu sát hơn với bà con, họ thường xuyên đến tận làng “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cách chăm sóc vườn cây; mở lớp tập huấn, chỉ cho bà con cách bón phân, làm hố, chăm sóc cà phê, hồ tiêu, lúa nước…
Nhờ vậy, chỉ sau gần 2 năm, gia đình ông Srong đã ra khỏi danh sách hộ nghèo. Ông phấn khởi kể: Năm ngoái, từ 400 trụ hồ tiêu, ông thu được 1,6 tấn, bán với giá 75.000 đồng/kg, thế là có trong tay 120 triệu đồng. Cộng với 2 sào cà phê, ông  thu thêm hơn 2 tấn tươi, bán được gần 20 triệu đồng. Chưa kể 3 đám bời lời khoảng 3 ha dự tính sang năm sẽ bán cho thương lái, nhẩm tính cũng được 50-60 triệu đồng… Chi phí vận chuyển lại rất “mềm” so với trước đây. Các nguồn thu nhập đó dư sức giúp ông thoát nghèo.
Còn với hộ anh Hyưk, đời sống cũng đang ngày một thay đổi khi được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân để cây trồng phát triển tốt. Năm nay, với 3 ha mì, anh đã bán một phần được 20 triệu đồng, dự tính số còn lại sẽ cho thu gấp đôi. Thêm vào đó, năm ngoái, anh còn được hỗ trợ 500 cây cà phê để trồng trên diện tích 5 sào, được cấp phân bón, hướng dẫn trồng, chăm sóc; con bò sinh sản được một dự án hỗ trợ cũng sắp đẻ bê con. Anh Hyưk tươi cười: “Chắc sang năm mình không còn trong danh sách hộ nghèo”.
Chỉ sau gần 2 năm được tiếp cận với những kiến thức nông nghiệp tiến bộ, thu nhập của gia đình ông Srong-làng Pờ Yầu đã thay đổi rõ rệt, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Minh Nguyễn
Sau gần 2 năm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu nhập của gia đình ông Srong (làng Pờ Yầu) đã thay đổi rõ rệt. Ảnh: Minh Nguyễn
Ông Lê Lợi-Bí thư Đảng ủy xã Lơ Pang-thông tin: Thời điểm cuối năm 2017, làng Pờ Yầu có đến 60% hộ nghèo. Cái nghèo cứ đeo lấy chân, mãi chưa dứt ra được. Thế nhưng, với quyết tâm đưa Pờ Yầu ra khỏi danh sách những làng nghèo nhất của tỉnh, UBND huyện đã có nhiều kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững. Phát huy lợi thế mang lại từ việc tháo gỡ nút thắt giao thông, các ban ngành từ huyện đến xã đã cùng vào huy động các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ bà con phát triển sản xuất giai đoạn 2021-2025 với kinh phí 20 tỷ đồng. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện các mô hình phát triển sản xuất như: nuôi dê cỏ, bò, ngan, trồng cà phê vối…; xây dựng các mô hình điểm về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nhân rộng ra trên địa bàn nhằm từng bước tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện lồng ghép tổ chức đào tạo nghề chăn nuôi, trồng trọt cho bà con. Nhờ đó, làng hiện chỉ còn 22/128 hộ nghèo, chiếm 17,18%.
Trước kia, Pờ Yầu không những bị cô lập về giao thông mà còn mù tịt thông tin liên lạc. Muốn trao đổi gì thì phải đi tìm từng người thông báo; làng có việc đột xuất cũng phải vượt đường ra xã thông báo, thành ra công việc thường xuyên chậm trễ. Từ ngày làng được đầu tư lắp đặt trạm thu phát sóng điện thoại di động, dân làng ai nấy đều hồ hởi, vui mừng vì giờ đã có điện thoại liên lạc với nhau. Những câu chuyện bi hài do sóng điện thoại chập chờn, lúc được lúc mất đã không còn.
Đất khó Pờ Yầu đã đổi thay từng ngày. “Danh hiệu” làng nghèo nhất tỉnh cũng được xóa sổ. Cung đường mới đã đẩy những ký ức tối tăm lùi xa. Chúng tôi rời Pờ Yầu với hy vọng sẽ được chào đón bằng những bất ngờ mới mẻ khác trong lần trở lại tiếp theo.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm