Xã triệu phú với công tác giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được đánh giá là một trong những “xã triệu phú” của huyện Chư Sê, nhưng nhiều năm nay xã Ia Blang vẫn luôn “đánh vật” với công tác giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Nhiều hộ thoát nghèo, rồi lại tái nghèo mà đến nay các giải pháp cụ thể giúp họ thoát nghèo bền vững vẫn còn là vấn đề nan giải của các cấp chính quyền.

Nhìn nhận về những mặt tồn tại trong công tác giảm nghèo, ông Trương Thanh Hoài-Chủ tịch UBND xã Ia Blang-trăn trở: Công tác tuyên truyền vận động của các cấp, các ngành chưa được thường xuyên, sâu rộng; sự phấn đấu, nỗ lực nông dân nghèo chưa cao, còn mang tính ỷ lại. Số hộ cận nghèo trong toàn xã đang có chiều hướng tăng lên với 123 hộ (năm 2013 chỉ là 74 hộ).

 

Anh Siu Lin bên vườn cà phê của mình. Ảnh: Minh Nguyễn
Anh Siu Lin bên vườn cà phê của mình. Ảnh: Minh Nguyễn

Cũng theo ông Hoài, khó khăn nhất hiện nay là công tác thoát nghèo bền vững, số hộ nghèo, thoát nghèo rồi tái nghèo cứ lặp đi lặp lại, không có tính ổn định lâu dài. “Muốn thoát nghèo bền vững phải có yếu tố đảm bảo cho những hộ vừa thoát nghèo không có nguy cơ tái nghèo, đó là đất sản xuất. Nhưng hiện nay, còn nhiều hộ người dân tộc thiểu số không có đất sản xuất phải làm thuê như hái tiêu, làm cỏ, bón phân cho những hộ có rẫy, công việc bấp bênh, lúc có, lúc không”-ông Hoài phân tích.

Ngoài ra, nhiều hộ nghèo chưa được hỗ trợ về nhà ở, một số hộ sống theo kiểu tự cung tự cấp, từ đó khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng cao. “Có hộ đồng bào thu nhập mỗi năm 300-400 triệu đồng, nhưng đó chỉ là cá biệt, toàn xã có 450 hộ dân tộc thiểu số thì chỉ khoảng 50 hộ thuộc diện khá, chỉ khoảng 5 hộ có thu nhập 400-500 triệu đồng/năm”-ông Hoài chia sẻ.

Chính vì vậy, trong những năm qua huyện, xã đã có nhiều chủ trương, biện pháp thiết thực giúp người dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tạo sản phẩm có giá trị cao góp phần xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo như: phân bón, giống cây trồng, bò sinh sản; miễn giảm học phí cho con em thuộc diện nghèo, hộ cận nghèo; cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện mỗi tháng… Những hộ nghèo còn được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện hỗ trợ vay vốn hàng năm ước tính từ 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Chính quyền huyện, xã còn quan tâm xây dựng các mô hình giúp người dân phát triển kinh tế như: Mô hình nuôi heo bản địa thuần chủng sinh sản tại làng Koái năm 2013; mô hình trồng cây ca cao năm 2012 hay mô hình lắp đặt hệ thống bình khí Biogas; quản lý bệnh chết nhanh ở cây hồ tiêu… Nhờ đó, số hộ nghèo trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực: Năm 2012 số hộ nghèo của toàn xã là 381 hộ, đến năm 2013 con số này giảm còn 313 hộ (giảm 68 hộ, chiếm 3,3%). Đầu năm 2014, số hộ nghèo trên địa bàn toàn xã tiếp tục giảm còn 259 hộ. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo hiện nay tăng 85%: từ 200.000 đồng/người/tháng năm 2011 thì đến nay là 350.000 đồng/người/tháng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,63%, bình quân mỗi năm giảm 3%.

Để có được những kết quả này một phần nhờ vào công tác tuyên truyền sâu rộng đến tận các thôn làng và nhân dân các mô hình, cách làm hay có hiệu quả giúp nhau thoát nghèo bền vững. Anh Siu Lin-Trưởng thôn làng Nhá, xã Ia Blang-cho biết: Với vai trò là Trưởng thôn, ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, anh còn hướng dẫn bà con trong thôn mình mùa mưa thì bón phân gì, phun thuốc gì để mang lại hiệu quả cho cây tiêu, cây cà phê. Không những sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm giúp nhiều hộ trong thôn cách làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo, anh Siu Lin còn là một trong những gương điển hình sản xuất giỏi thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm