Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Xác định 3 mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày làm việc cuối cùng của Đại hội Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chư Prông lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, các đại biểu đã tập trung phân tích thảo luận các giải pháp để phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn, trong đó đã xác định các mũi đột phá.



Xác định 3 mục tiêu đột phá

Đại hội đã xác định 3 mũi đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 là: “Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, nhất là giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong huyện”.

Quang cảnh Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2024) huyện Chư Prông. Ảnh: Hoàng Nam



Trên cơ sở 3 mục tiêu đột phá đó, Đại hội đã đề ra 20 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Ông Ngô Ngọc Tiến-Chủ tịch UBND xã Ia Mơr cho rằng: Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của huyện đạt 9,74%, tăng 1,64% so với Nghị quyết. Qua số liệu đó cho thấy Chư Prông là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng khá của tỉnh. Chính vì thế, bên cạnh các “trụ đỡ” kinh tế, Đại hội xác định phát triển nông nghiệp công nghiệp cao là một trong những hướng đi chủ đạo. "Theo tôi, Công trình thủy lợi Ia Mơr có năng lực tưới cho 8 ngàn ha trên địa bàn xã và các xã lân cận, dự kiến đến cuối năm sẽ hoàn thiện, khi ấy năng lực tưới của công trình này sẽ phát huy hiệu quả cho phát triển nông nghiệp. Cùng với đó, gần 10 nhà đầu tư đã khảo sát lập dự án và tiến hành đầu tư chăn nuôi, trồng trọt với số vốn hàng trăm tỷ đồng. Để đón đầu, huyện đã quy hoạch và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn xã. Đây chính là thế mạnh để chúng ta tin tưởng vào các chỉ tiêu đã đề ra".

Trong khi đó, để phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%, ông Huỳnh Văn Mỹ-Trưởng phòng Lao động- Thương binh-Xã hội huyện phân tích: Năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của huyện 16,2%, đến năm 2020 giảm còn 4,39% (giảm bình quân 2,36%/năm); tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2015 là 29,88%  và đến nay còn dưới 8%. "Do đó, để tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3% vào cuối nhiệm kỳ theo tôi cần quan tâm, giải quyết việc làm cho người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế cần được triển khai có hiệu quả. Đặc biệt, cần khơi dậy ý thức vươn lên thoát nghèo của các hộ gia đình, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để không có tình trạng trông chờ ỉ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước"-ông Mỹ yêu cầu.

 

Các đại biểu biểu quyết thông qua các chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Hoàng Nam


Một trong những nội dung mà Đại hội thảo luận sôi nỗi đó là công tác xây dựng Đảng, bởi mục tiêu trọng tâm mà đại hội đưa ra rong nhiệm kỳ tới là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Để thực hiện nhiệm vụ này, ông Phạm Văn Xứng-Bí thư Đảng ủy xã Ia Drăng lý giải: Với mục tiêu phấn đến cuối nhiệm kỳ có 95% chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có cấp ủy 95%; hàng năm, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ là hơn 90%; tỷ lệ kết nạp đảng viên mới hằng năm là trên 4%/tổng số đảng viên đầu nhiệm kỳ. Đây là những chỉ tiêu tương đối cao, thể hiện quyết tâm của toàn đảng bộ. Ông Xứng đề xuất: "Để thực hiện điều đó, trước tiên cần đổi mới phương thức lãnh đạo trong tổ chức và sinh họat đảng, đa dạng hình thức quán triệt và thực hiện các chỉ thị nghị quyết của cấp trên. Đặc biệt là giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên để họ thể hiện rõ vai trò, rách nhiệm của mình, xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức giàu khát vọng cống hiến".

Giữ vững an ninh-quốc phòng

Chư Prông là huyện có 42 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia, địa bàn rộng thứ 2 toàn tỉnh, toàn huyện có 22 dân tộc anh em sinh sống. Chính vì vậy, theo Thượng tá Bùi Hữu Nam-Phó trưởng Công an huyện: Để thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện phát triển thì công tác đảm bảo an ninh trật tự là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Để thực hiện tốt công tác này, cần sự phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng-chống tội phạm. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp trong công tác đấu tranh phòng-chống các loại tội phạm. Đồng thời cũng cố và kiện toàn 20 tổ tự quản ở các địa bàn. Với trách nhiệm được giao, Công an huyện sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để làm tốt công tác này.

Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông, Gia Lai). Ảnh: Đức Thụy



Cùng quan điểm này, Thượng tá Võ Văn Vui-Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện nhận định: Đảm bảo quốc phòng trên địa bàn là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ huyện. Thời gian tới, chúng ta cần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc. Cùng với đó, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện; nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp huyện, xã; chất lượng chính trị, độ tin cậy và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dân quân, tự vệ và dự bị động viên. Theo chỉ tiêu Nghị quyết trong nhiệm kỳ tới số lượng dân quân, tự vệ đạt từ 1,5% đến 1,6% so với dân số; tuyển quân hàng năm đạt 100% theo kế hoạch. Để thực hiện nhiệm vụ đó cần nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng-an ninh cho các đối tượng; nâng cao hiệu quả của Hội đồng giáo dục quốc phòng an ninh các cấp.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chư Prông nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Hoàng Nam



Riêng về công tác đối ngoại nhân dân, ông Đinh Văn Dũng-tân Bí thư Huyện ủy khóa XVII cho rằng: Trong nhiệm kỳ qua, công tác đối ngoại, giao lưu nhân dân đã được Đảng bộ huyện chú trọng. Theo đó, huyện đã chi hơn 3 tỷ đồng công tác đối ngoại và đảm bảo an ninh biên giới. Huyện đã tiếp đón 192 đợt với 1.153 lượt cán bộ của tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) sang thăm, làm việc. Đồng thời cử lực lượng chức năng của huyện sang thăm, làm việc với các cơ quan chức năng của nước bạn 58 lần với 487 lượt cán bộ. Qua đó, trao đổi, hợp tác, ký kết quy chế phối hợp hoạt động trong công tác đảm bảo an ninh biên giới. Tuy nhiên với chiều dài đường biên giới là 42 km nên thời gian tới công tác đảm bảo an ninh biên giới, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Để thực hiện nhiệm vụ đó, huyện sẽ tăng cường công tác đối ngoại, giao lưu nhân dân, tạo điều kiện để bà con 2 bên biên giới thăm thân, qua đó lồng ghép để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và tình đoàn kết giữa nhân dân 2 nước. Cùng với đó, xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn, tăng cường tiềm lực an ninh quốc phòng, sẵn sàng xử lý tốt các tình huống xảy ra.

VĨNH HOÀNG-LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm