Xăng "nhảy cóc", lương vẫn chưa chuyển động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cứ như là quy luật, hễ giá xăng tăng là giá cả hầu hết các loại hàng hóa cũng rục rịch tăng. Trong khi đó, lương, lẽ ra đã phải tăng từ đầu tháng 5 theo quy định thì tới nay vẫn chưa có động tĩnh gì.

Từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ xăng trong nước đã tăng 5 lần với mức tăng khoảng 2.700 đồng/lít. Lần tăng mạnh nhất là 680 đồng/lít diễn ra hôm 4-6. Theo quyết định điều hành giá bán lẻ của Liên bộ Tài chính-Công thương, giá bán tối đa của các doanh nghiệp đối với mỗi lít xăng RON 92 sẽ ở mức 16.509 đồng/lít, tăng gần 700 đồng so với trước. Còn xăng E5 có giá tối đa 15.983/lít, dầu diesel là 11.908 đồng/lít, và các loại dầu khác cũng tăng 241-650 đồng/kg. Như vậy, so với đầu năm, mỗi lít xăng đã đắt thêm 2.750 đồng, sau khi về mức thấp kỷ lục-dưới 14.000 đồng/lít vào giữa tháng 2-2016.

 

Tranh minh họa
Tranh minh họa

Giá xăng tăng liên tục trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân khiến giá các mặt hàng trong 5 tháng đầu năm tăng nhẹ. Theo thống kê từ Sở Công thương, riêng tháng 5 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh, ước đạt 3.866,31 tỷ đồng, tăng 4,78% so với tháng trước và tăng 6,69% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 17.794,14 tỷ đồng, đạt 40,26 % kế hoạch và tăng 6,37% so với cùng kỳ năm trước.

Trong một diễn biến khác, theo Nghị quyết 99/2015/QH13 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, từ ngày 1-5-2016, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng, tức tăng 60.000 đồng (tương đương 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng. Vì thế, Bộ Nội vụ đã đề xuất xây dựng Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; trong đó, đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở từ mức 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng, bắt đầu thực hiện từ ngày 1-5-2016.

Nhiều người cho rằng, khi lương tăng, giá hàng hóa theo đó cũng lên cao, vì thế, mức tăng lương của cán bộ, công nhân viên chỉ là bù vào tăng giá. Tuy nhiên, cho tới nay, việc tăng lương vẫn chưa thấy có biến chuyển nào. Về vấn đề tăng tiền lương, trong một lần trao đổi gần đây với P.V Báo Gia Lai, ông Nguyễn Đắc Ứng-Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, Sở vẫn chưa nhận được nghị định hay thông tư hướng dẫn cụ thể về tăng lương nên chưa thể triển khai.

Giá xăng tăng, thông tin tiền lương tăng sẽ là cái cớ để giá cả hàng hóa càng đẩy lên cao, trong khi tổng thu nhập hàng tháng của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nói riêng, người dân nói chung không tăng. Và thực tế thì đã có nhiều mặt hàng tăng giá, chẳng hạn các nhu yếu phẩm như thịt, cá, rau củ quả... Chị Huỳnh Thị Kim Loan-một giáo viên Tiểu học tại xã Ia Sol (huyện Phú Thiện) tỏ ra lo lắng: “Mặt bằng giá cả đã tăng lên khá nhiều đã đẩy các khoản chi phí thường ngày của gia đình tôi lên rất cao. Để đảm bảo ở mức đủ sống, gia đình tôi sẽ phải tự lên phương án tiết giảm tối đa chi phí ở mức thấp nhất”. Còn với vợ chồng anh Lê Tuấn Hoàng (254 Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku) thì: “Tháng nào cũng vậy, vợ chồng tôi phải luôn ngồi nhẩm tính các khoản buộc phải chi trong tháng, khoản nào để riêng khoản ấy, số tiền nộp học cho 2 đứa con, các khoản chi điện nước cố định..., số còn lại mới tính toán để chợ búa, chi tiêu xăng xe, điện thoại... Tính toán không cẩn thận là đói như chơi”.

Điệp khúc “xăng tăng-giá tăng”, “lương tăng-giá tăng” tới thời điểm này gần như là tất yếu. Song với tình hình hiện tại, khi xăng đã tăng nhiều lần trong thời gian ngắn, giá cả cũng đã tăng nhưng lương vẫn giẫm chân tại chỗ thực sự đã khiến nhiều gia đình, nhất là cán bộ, viên chức, người lao động khó khăn.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm