Xây dựng bể bơi trong trường học phòng tránh đuối nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước nguy cơ trẻ em bị đuối nước, đặc biệt là các vụ đuối nước trong học sinh ngày càng gia tăng, thời gian qua, một số trường học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chú trọng đầu tư xây dựng bể bơi và dạy bơi cho học sinh. Đây là giải pháp hiệu quả trong việc phòng-tránh đuối nước ở trẻ.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 5 trường học đã đầu tư bể bơi dành cho học sinh. Tại huyện Chư Pah, Trường Tiểu học số 2 Nghĩa Hưng được UBND huyện trích ngân sách đầu tư gần 500 triệu đồng xây dựng bể bơi thông minh, gồm một bể bơi có kích thước 6 m x16 m x1,2  m, có mái vòm và phòng thay đồ. Bể bơi được xây dựng và đưa vào hoạt động từ ngày 14-7-2017.

 

Trường Mầm non, Tiểu học, THCS Sao Việt (TP. Pleiku) dạy bơi cho học sinh. Ảnh: Đ.Y
Trường Mầm non, Tiểu học, THCS Sao Việt (TP. Pleiku) dạy bơi cho học sinh. Ảnh: Đ.Y

Cô Phan Thị Thanh Thủy-Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Sau gần 1 năm bể bơi đi vào hoạt động, nhà trường đã tổ chức được 4 khóa học bơi cho gần 100 học sinh. Trước khi đưa vào vận hành bể bơi, Ban Giám hiệu nhà trường được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cử đi tập huấn, tham quan mô hình bể bơi thông minh tại TP. Đà Nẵng. Lương giáo viên dạy bơi và chi phí mua sắm cơ sở vật chất nhỏ để phục vụ dạy bơi cho học sinh được vận động từ nguồn xã hội hóa. Trường tăng giờ dạy vào tất cả các ngày trong tuần, xếp ca phù hợp với thời khóa biểu để tận dụng hết công suất của bể bơi.

Thầy Nguyễn Dương Huy-giáo viên Thể dục kiêm dạy bơi tại Trường Tiểu học số 2 Nghĩa Hưng, cho hay: “Khi trường được đầu tư bể bơi, tôi được nhà trường cho đi đào tạo chứng chỉ bơi để tăng cường dạy cho các em. Đối với các em, tôi dạy kỹ thuật bơi ếch và kỹ năng phòng tránh đuối nước. Các trường hợp đuối nước thường tập trung chủ yếu là học sinh Tiểu học nên việc phổ cập kỹ năng bơi là rất quan trọng”. Em Nguyễn Vũ Đức-học sinh lớp 5A nói: “Từ khi có bể bơi, em được thầy dạy kỹ năng bơi và kỹ năng cứu hộ cứu nạn. Do còn nhỏ nên chúng em được dạy là đối với các tình huống đuối nước xảy ra ở ao, hồ. Nếu phát hiện đuối nước thì cần hô hoán nhờ người đến cứu”.

Bà Trần Thị Nhung (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) cho biết: “Nhà tôi có 2 cháu học ở Trường Tiểu học số 2 Nghĩa Hưng. Trước đây, khi trường chưa có bể bơi, hè nào bố mẹ các cháu cũng đưa xuống TP. Pleiku học bơi. Hè này chỉ cần đến trường là có hồ bơi. Việc cho trẻ em học bơi có rất nhiều lợi ích, không chỉ phòng tránh đuối nước mà còn là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, giúp các cháu phát triển chiều cao, tăng cường sức đề kháng”.

Từ hiệu quả hoạt động của bể bơi ở Trường Tiểu học số 2 Nghĩa Hưng, hơn một tháng sau, huyện Chư Pah đưa thêm một bể bơi vào hoạt động tại Trường Tiểu học Ia Nhin. Năm 2018, UBND huyện giao kinh phí cho Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai đầu tư thêm 2 bể bơi ở 2 trường Tiểu học khác trên địa bàn huyện. Bà Hồ Thị Thảo-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pah, cho biết: “2 bể bơi ở các trường Tiểu học trên địa bàn huyện bước đầu cho thấy những hiệu quả tích cực khi trang bị cho học sinh những kỹ năng phòng tránh đuối nước cần thiết. Chúng tôi luôn đặt vấn đề an toàn trong vận hành hồ bơi lên trên hết. Trước khi xây dựng bể bơi, Phòng đã tổ chức cho các trường đi tham quan, học tập về cách vận hành, quản lý, cử giáo viên đi học chứng chỉ bơi để dạy bơi cho học sinh”.

Theo ghi nhận của P.V, bể bơi ở các trường học trên địa bàn tỉnh nhìn chung được sử dụng hiệu quả. Thầy Đàm Văn Ngọc-Hiệu trưởng Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương (TP. Pleiku), cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu học bơi của học sinh, nhà trường đang nâng cấp, đầu tư công nghệ lọc nước bằng phương pháp điện phân muối, không dùng chlorine hóa chất nhằm hạn chế ảnh hưởng với  một số em mẫn cảm với chất khử trùng. Bể bơi của nhà trường có kích thước 15 m x 25 m, có mái vòm và phòng thay đồ. Từ năm 2009 đến nay, trường chọn môn bơi là môn học chính. Theo đó, gần 100% học sinh học ở trường đều biết bơi và có kỹ năng cứu hộ cứu nạn”.

 

Nhiều hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa được địa phương gắn biển cảnh báo nguy cơ đuối nước. Ảnh: Đ.Y
Nhiều hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa được địa phương gắn biển cảnh báo nguy cơ đuối nước. Ảnh: Đ.Y

Thực hiện đề án tăng cường công tác phòng-tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2017-2020, trong năm 2018, tỉnh ta tiếp tục sử dụng ngân sách mỗi huyện, thị xã, thành phố thí điểm đầu tư 1 bể bơi tại trường học. Việc xây dựng bể bơi từ nguồn kinh phí địa phương và các nguồn xã hội hóa tiếp tục được khuyến khích với mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là mỗi huyện, thị xã, thành phố sẽ có ít nhất 2 bể bơi để phổ cập bơi cho học sinh. Trao đổi với P.V, bà R’Com Sa Duyên-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội , nhận định: Một trong những nguyên nhân khiến trẻ em tử vong do đuối nước là do không biết bơi. Hiện nay, tỷ lệ trẻ em ở tỉnh ta biết bơi chỉ ở dưới mức 20%.

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh có nhiều sông suối có độ dốc cao, nước chảy xiết; cùng với đó là có nhiều hồ thủy lợi phục vụ nước tưới cho cây công nghiệp. Tại nhiều vị trí nguy hiểm lại thiếu biển cảnh báo, nhiều học sinh chưa nhận biết được khu vực có thể dẫn đến đuối nước, chưa được trang bị kỹ năng bơi lội, chưa được tập huấn kỹ năng thoát hiểm hoặc sơ cứu người bị đuối nước...

Bên cạnh đó, một số phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc quản lý hoạt động của con em trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè. “Vì thế, việc hỗ trợ kinh phí của tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các ban, ngành liên quan cũng như việc các trường học vận động từ nguồn xã hội hóa để xây bể bơi, dạy bơi cho học sinh là giải pháp tích cực nhằm hạn chế tình trạng đuối nước, nhất là đuối nước trong học sinh”-bà Duyên nhấn mạnh.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm