Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng vấn đề có ý nghĩa sống còn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), ngoài việc xem xét, cho ý kiến chỉ đạo, hoàn thiện các nội dung liên quan đến quan điểm, chủ trương phòng-chống dịch Covid-19, phát triển kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách nhà nước, thực hiện chính sách cải cách tiền lương… Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta.

1. Xây dựng Đảng cách mạng-đại diện cho “danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại” trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng lao động, giải phóng con người, giải phóng các dân tộc bị áp bức, nô dịch… là chủ đề lớn của nhân loại tiến bộ trong suốt nửa đầu thế kỷ XIX đến nay. Ở Việt Nam, từ rất sớm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Sự lựa chọn hợp quy luật và những khát vọng cao đẹp đó là niềm cảm hứng, sức mạnh giúp những người Cộng sản cùng toàn thể Nhân dân Việt Nam viết nên “cả một pho lịch sử bằng vàng” trong cuộc đấu tranh vì nền độc lập của dân tộc, mở ra con đường để hiện thực hóa các khát vọng nhân văn cộng sản chủ nghĩa: Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và thịnh vượng.

Đảng cầm quyền đánh dấu sự chuyển biến căn bản trong tiến trình cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và của đất nước ta. Bên cạnh những thế và lực mới do vị thế cầm quyền mang đến, điều đó cũng đặt ra hàng loạt yêu cầu mới đối với Đảng, xét về quy mô, tầm vóc, chiều sâu và thách thức. Tất nhiên, không thể phủ nhận lịch sử, phủ nhận những gì Đảng ta đã mang lại cho dân, cho nước trong suốt hơn 90 năm qua. Nhưng lịch sử vẫn chỉ là một căn cứ chứ không phải toàn bộ hiện thực vốn luôn vận động, biến đổi. Bởi lẽ, trong thực tế vẫn có hiện tượng cá nhân, tổ chức, cộng đồng trong khó khăn, thiếu thốn thậm chí là ác liệt… thì tỏ rõ khí tiết anh hùng, bất khuất, dám nghĩ, dám làm, xả thân vì nước, vì dân. Tuy nhiên, khi có địa vị, có quyền lực thì cán bộ vẫn có thể “mắc bệnh tự cao, tự đại”, tự đánh mất mình, quên hết trách nhiệm, thậm chí, một bộ phận không nhỏ rơi vào tình trạng “tự tha hóa”, phản bội lý tưởng... Với một Đảng cầm quyền như ở Việt Nam, điều đó cũng không phải ngoại lệ. Đó là lý do trong suốt thời kỳ 1945-1969, với tư cách là người đứng đầu Đảng, Chính phủ, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; thường xuyên rèn giũa bản lĩnh, dũng khí để nhận ra khuyết tật, thậm chí sai lầm và kịp thời sửa chữa sai lầm; thường xuyên và tích cực chống bệnh quan liêu, xa rời quần chúng, thoái hóa biến chất, rơi vào đặc quyền, đặc lợi, cắt đứt mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân.

Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Trí Dũng


Kế thừa và vận dụng những kinh nghiệm về xây dựng đảng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay, Đảng ta cũng đã nhiều lần chỉ ra các nguy cơ, thách thức và đề ra yêu cầu thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn để nâng tầm “đạo đức, văn minh” của Đảng. Đặc biệt, từ Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa VII đến nay, Đảng ta đã chỉ rõ 4 nguy cơ, thách thức đặt ra trong lãnh đạo kinh tế phát triển, trong thực hiện dân chủ và công bằng xã hội, trong đánh giá, sử dụng con người cũng như trong phân bổ lợi ích. Đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), Đảng đã chỉ rõ 80 biểu hiện của 27 hình thức tiêu cực mà mỗi tổ chức Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên có thể mắc phải. Đó là những “bệnh” nảy sinh từ những định chế quan liêu, lợi dụng quyền lực để nhũng nhiễu dân, để trục lợi hoặc phung phí công quỹ… Đúc kết kinh nghiệm, thành quả và những hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, tại Đại hội XIII, Đảng ta đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản để “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện, trong đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.

2. Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bên cạnh thời cơ, vận hội mới cũng đã “xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới, gay gắt và nặng nề hơn so với dự báo”... Tình hình mới đòi hỏi các cấp độ chủ thể lãnh đạo, quản lý phải tư duy lại nhiều vấn đề về thế giới, đồng thời, phải cấu trúc lại các thành tố cấu thành xã hội hiện đại. Việc nhận thức và hành động như thế nào để có thể giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa thỏa mãn nhu cầu không ngừng tăng lên của con người với sự bền vững của môi trường, quan hệ lợi ích giữa con người với con người, giữa nhà nước và công dân, giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới vẫn là bài toán lớn mà cả nhân loại tiến bộ đang không ngừng tìm kiếm lời giải. Dĩ nhiên, trong phạm vi một quốc gia, sứ mệnh đó phụ thuộc rất lớn vào tầm vóc, bản lĩnh của lực lượng cầm quyền. Cũng vì thế, ở nước ta, giải pháp có ý nghĩa quyết định vẫn là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bởi lẽ, với tư cách là linh hồn của hệ thống và để xứng đáng với vai trò đó, Đảng ta cần chăm lo làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thực sự “đạo đức, văn minh”.

Những hiện tượng sa sút phẩm chất đạo đức, lối sống trong một số không ít cán bộ, đảng viên và xã hội ta thời gian qua rõ ràng không thể tách khỏi việc xem xét và giải quyết cả từ phương diện thể chế lẫn đạo đức. Để ngăn ngừa suy thoái về đạo đức, lối sống, phải nghiêm khắc tự tu dưỡng, tự rèn luyện. Nhưng chỉ từng đó chưa đủ, quan trọng là phải thiết lập, hoàn thiện từng bước thể chế, cơ chế kiểm tra, kiểm soát quyền lực đủ sức ngăn ngừa sự lạm quyền, lộng quyền của cá nhân và tổ chức bộ máy có thẩm quyền quyết định trong nắm và phân bổ giá trị. Đạt được điều đó trong thực tế cũng có nghĩa là đã xây dựng Đảng ta trở thành môi trường của lòng khoan dung, của sự trong sạch, ngay thẳng. Đó là môi trường mà mỗi cán bộ, đảng viên đều biết qua đối thoại để cảm hóa, thuyết phục, đoàn kết trong Đảng và tạo lập sự đồng thuận xã hội.

Từ tư duy hệ thống, các giải pháp cho vấn đề đặt ra là củng cố, hoàn thiện thêm về mặt thể chế theo hướng “cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải tích cực phòng ngừa và chủ động, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực”. Việc Bộ Chính trị đã thống nhất bổ sung tên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng, tiêu cực là một minh chứng. Trong hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương cũng thảo luận để ban hành quy định mới về những điều đảng viên không được làm, đáp ứng yêu cầu chính xác, đầy đủ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, góp phần điều chỉnh nhận thức và hành vi của đảng viên theo hướng tích cực, đúng đắn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét hơn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian tới. Xét về góc độ hành vi, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cần thực hiện đồng bộ giữa “xây” và “chống”. “Xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. “Xây” là tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, là động viên cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng bộ các địa phương, cơ quan, đơn vị đã đề ra. Còn “chống” là đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; là phê phán, xử lý nghiêm những việc làm sai trái, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngừng nghỉ, không bị tác động bởi bất cứ tổ chức, cá nhân có hành vi không lành mạnh nào. Điều này nâng cao tính cảnh tỉnh, răn đe đối với những tư tưởng, biểu hiện tiêu cực, đồng thời khuyến khích, cổ vũ cán bộ, đảng viên suy nghĩ, hành động vì lợi ích chung, vì hạnh phúc của Nhân dân, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh.

Lẽ dĩ nhiên, điều kiện chính trị cần thiết cho việc đạt được mục tiêu nhân văn, tiến bộ đó là xây dựng một thể chế chính trị dân chủ, mà trung tâm của nó là nhà nước pháp quyền tương thích với thể chế kinh tế có khả năng dung nạp và khuyến khích tối đa khát khao cống hiến, làm giàu của mỗi người dân. Nói cách khác, Nhà nước cần kiến tạo thể chế kinh tế được đặc trưng bởi sự bảo đảm quyền tài sản cá nhân, thượng tôn pháp luật và bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ công. Có thể khẳng định rằng, chỉ trên nền tảng dân giàu, nước mới mạnh, và cũng chỉ trên nền của những chỉ báo này mới kiểm chứng được tài năng, đức độ của một Đảng cầm quyền, một Chính phủ vì nước, vì dân.


 

 PGS-TS. HỒ TẤN SÁNG

Có thể bạn quan tâm