Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Xây dựng Chính phủ điện tử ở Gia Lai đi vào thực chất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, việc xây dựng Chính phủ điện tử ở Gia Lai đã được chú trọng đúng mức và ngày càng đi vào thực chất. Tuy nhiên, so với sự phát triển chung của cả nước, việc triển khai Chính phủ điện tử ở tỉnh ta vẫn còn hạn chế.

Giảm thiểu thời gian xử lý công việc

Đến nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng, chỉ cần đầu tư đầy đủ trang-thiết bị, máy tính... đã là xây dựng Chính phủ điện tử. “Chúng ta nên hiểu Chính phủ điện tử theo nghĩa rộng là việc các cơ quan Chính phủ sử dụng một cách có hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông để thực hiện các giao dịch với công dân, doanh nghiệp và các cơ quan hành chính. Lợi ích thu được sẽ là giảm thiểu tham nhũng, tăng cường tính thông suốt, sự tiện lợi, sự tăng trưởng và giảm chi phí”-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hùng cho biết.

 

Hệ thống hội nghị truyền hình phục vụ công tác họp trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, giảm thiểu chi phí đi lại, tăng thêm số người tham dự. Ảnh: H.D
Hệ thống hội nghị truyền hình phục vụ công tác họp trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, giảm thiểu chi phí đi lại, tăng thêm số người tham dự. Ảnh: H.D

Theo đó, đối với việc xây dựng Chính phủ điện tử, giai đoạn đầu là tập trung xây dựng, phát triển hạ tầng, các cơ sở dữ liệu, công khai thông tin lên mạng thông qua các trang/cổng thông tin điện tử (Website/Portal). Báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông cho thấy, hiện đã có 100% UBND cấp huyện, 100% cơ quan chuyên môn trực thuộc tỉnh có trang thông tin điện tử phục vụ công dân, doanh nghiệp tìm kiếm thông tin, thủ tục hành chính... Cổng thông tin điện tử của tỉnh hoạt động ổn định, cung cấp hơn 1.530 thủ tục hành chính công trực tuyến ở mức độ II, 340 dịch vụ công trực tuyến mức độ III và 117 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ IV, đồng thời được tích hợp tại Cổng dịch vụ công của tỉnh http://dvc.gialai.gov.vn.

Phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp cũng đã được triển khai cho tất cả các cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện kết nối liên thông văn bản điện tử 4 cấp (trung ương-tỉnh-huyện-xã) từ tháng 7-2016 và đã có 95% văn bản hành chính được trao đổi dưới dạng văn bản điện tử. Tính đến tháng 6-2018, có 92/222 UBND cấp xã, 100% UBND cấp huyện và 19/21 sở, ban, ngành đã được triển khai mô hình “Một cửa điện tử liên thông”. Ngoài ra, hơn 7.000 tài khoản thư điện tử công vụ đã được tạo lập; tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử phục vụ công việc đạt trên 60%.

Hệ thống hội nghị truyền hình qua mạng của tỉnh hoạt động ổn định, phục vụ công tác hội họp trực tuyến giữa Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố. Nhờ vậy góp phần giảm thiểu việc họp tập trung, tiết kiệm thời gian, giảm thiểu chi phí đi lại cho địa phương, tăng thêm số người tham dự họp.

Cần thay đổi nhận thức

Mặc dù đã nỗ lực rất lớn trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, tuy nhiên, so với sự phát triển chung của cả nước, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên, việc triển khai Chính phủ điện tử ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế. Năm 2017, Gia Lai được Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam xếp hạng 37/63 tỉnh, thành phố về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (năm 2016 là 38/63, năm 2015 là 44/63), thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có mức độ sẵn sàng thấp.

Ngoài các hệ thống phần mềm dùng chung toàn tỉnh, còn ít đơn vị, địa phương xây dựng các phần mềm và cơ sở dữ liệu chuyên ngành; cũng chỉ một số ít phần mềm quản lý chuyên ngành được triển khai như kế toán, quản lý tài sản công, quản lý nhân sự, quản lý việc lập và thực hiện kế hoạch, quản lý đất đai... Người đứng đầu các cơ quan cũng chưa quan tâm đúng mức đến việc triển khai Chính phủ điện tử. Hầu hết thủ trưởng cơ quan giao cho cấp phó chịu trách nhiệm, không kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện, không quan tâm bố trí kinh phí, cán bộ...

Bên cạnh đó, doanh nghiệp và người dân còn thiếu phương tiện, kỹ năng và thói quen, niềm tin đối với việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ III và IV; chưa tin tưởng vào các dịch vụ bưu chính công ích trong việc gửi hồ sơ và nhận kết quả qua bưu điện. “Ngay cả những dịch vụ hành chính công liên quan tới quyền lợi sát sườn của người dân và doanh nghiệp cũng chưa được tiếp nhận đúng mức”-ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho hay.

“Quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức và tâm lý, thói quen không chỉ của người dân mà còn ở chính cán bộ, công chức. Bởi thực tế, không ít cán bộ, công chức nghĩ rằng xây dựng văn phòng điện tử làm rắc rối thêm công việc, tốn thêm thời gian, bị bó buộc thời giờ, không muốn công khai thông tin lên mạng vì sợ nhiều người biết và giám sát, do đó không quan tâm hoặc không cho đưa thông tin lên Website cơ quan. Phần khác sợ phải học thêm về kiến thức công nghệ thông tin, sợ phải thay đổi phong cách và thói quen làm việc từ trên giấy tờ sang làm việc trên môi trường mạng”-ông Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm