Phóng sự - Ký sự

Xây dựng công nghiệp văn hóa - Bắt mạch đúng, hành động bài bản - Bài 1: Đánh thức tiềm năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến hết tháng 5-2024, doanh thu của hai bộ phim Mai và Lật mặt 7: Một điều ước đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Chắc hẳn trong tương lai gần, một phim Việt có thể cán mốc doanh thu ngàn tỷ không còn là điều viển vông.

LTS: Phát triển công nghiệp văn hóa đang là chương trình mục tiêu quốc gia với những thành tựu bước đầu cùng tiềm năng và dư địa lớn. Tuy nhiên, tiến trình ấy vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản và thách thức, nhất là không thể tách rời việc xây dựng thương hiệu quốc gia - để không chỉ phản ánh năng lực cạnh tranh, mà còn thể hiện bản sắc và vị thế của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Góp gió thành bão

Tiếp đà thành công ở thị trường trong nước, từ ngày 14-6, Lật mặt 7 chính thức khởi chiếu tại 12 quốc gia, như: Mỹ, Canada, Australia, New Zealand, Anh, Đức... Theo đạo diễn Lý Hải, đây là bộ phim Việt đầu tiên được khởi chiếu cùng ngày với số lượng nhiều quốc gia nhất ở cả 3 châu lục: châu Âu, châu Mỹ, châu Úc.

Trước Lật mặt 7, không ít phim Việt cũng đã đạt thành công nhất định khi chiếu ở nước ngoài. Đáng chú ý, Bố già từng thu về hơn 820.000 USD (gần 19 tỷ đồng) khi chiếu ở Mỹ. Anh Thiên A Phạm, đại diện 3388 Films, đơn vị phát hành nhiều phim Việt ở thị trường nước ngoài, trong đó có Lật mặt 7, chia sẻ: “Tôi tin trong tương lai, việc mang phim Việt ra nước ngoài sẽ dễ dàng hơn. Chúng tôi cố gắng tìm kiếm những thị trường mới và đặt mục tiêu phải thành công”.

Cùng trong lĩnh vực này, Skyline Media, một sale agent (đại diện bán hàng) Việt Nam, đã vươn lên trở thành đại diện phân phối bản quyền quốc tế các phim thuộc khu vực Đông Nam Á và gần đây đã bán thành công phim kinh dị của Campuchia - The Night Curse Of Reatrei tại Đài Loan (Trung Quốc) và Cộng đồng Các quốc gia độc lập (CIS). Trên thực tế, mục tiêu “không chỉ là đại diện bán hàng cho phim Việt, mà cả phim quốc tế”, từng được bà Hằng Trịnh, đại diện Skyline Media, chia sẻ với PV Báo SGGP cách đây 1 năm. Đến nay, những kết quả bước đầu thật đáng khích lệ cho hành trình khẳng định thương hiệu một sale agent đến từ Việt Nam.

Chưa thể so sánh với các ngành công nghiệp hoạt hình hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản…, nhưng thị trường hoạt hình Việt Nam cũng đang có những tín hiệu đáng mừng khi sáng tạo những tác phẩm có giá trị, có sức ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng. Thậm chí, nhiều studio Việt đã chủ động học hỏi, cải tiến và áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất, hướng tới sản xuất nội dung phục vụ thị trường quốc tế. Điển hình là Sconnect Việt Nam đã phát triển 18 bộ nhân vật hoạt hình, với tổng số lượng sản xuất hơn 50.000 video, phát hành bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Series Sói Wolfoo của Sconnect Việt Nam đã thu hút hơn 30 tỷ lượt xem trên YouTube, trong đó có phần đông khán giả của Mỹ, châu Âu, châu Á…

Nhóm nhạc Tempest (Hàn Quốc) biểu diễn tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế TPHCM lần thứ 3 (Hò Dô). Ảnh: BTC
Nhóm nhạc Tempest (Hàn Quốc) biểu diễn tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế TPHCM lần thứ 3 (Hò Dô). Ảnh: BTC

Các lĩnh vực khác của các ngành công nghiệp văn hóa cũng có nhiều khởi sắc. Hai đêm nhạc Black Pink tại Hà Nội vào trung tuần tháng 10-2023, chỉ tính riêng doanh thu từ du khách đã đạt khoảng 630 tỷ đồng (theo báo cáo từ Sở Du lịch Hà Nội). Liên hoan Âm nhạc Hò Dô 2023 tại TPHCM thu hút 200.000 lượt khán giả với hơn 100 nghệ sĩ trong nước và quốc tế tham gia. Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế đến Việt Nam, như: Westlife, Maroon 5, Charlie Puth, Katy Perry, Super Junior, EXO…; những concert, sự kiện giải trí, fan meeting (sự kiện thần tượng nói chuyện trực tiếp với người hâm mộ) thu hút hàng chục ngàn khán giả của các nghệ sĩ nước ngoài cũng diễn ra liên tục, thường xuyên tại TPHCM, Hà Nội, Nha Trang, Hội An…

Không chỉ đón các nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam, một điều đáng mừng là các nghệ sĩ Việt cũng dần tự tin chinh phục thị trường nước ngoài. Trong năm 2024, Xin chào Entertainment, đơn vị chuyên tổ chức các sự kiện văn hóa giải trí, đã xác nhận 3 sự kiện nằm trong chuỗi TKO concert - sự kiện văn hóa giải trí định kỳ tại Nhật Bản, mang văn hóa Việt, nghệ sĩ Việt phục vụ cộng đồng người Việt tại Nhật Bản và giới thiệu nền giải trí Việt đến khán giả Nhật Bản.

Tháng 4 vừa qua, đơn vị này vừa tổ chức thành công buổi biểu diễn cho ca sĩ Văn Mai Hương tại Nhật Bản và sau đó là ca sĩ Ngô Kiến Huy vào trung tuần tháng 6. Ngày 11 và 12-6, ca sĩ Hà Anh Tuấn lần đầu tổ chức thành công concert ở tại nhà hát Esplanade, Singapore mang tên Sketch a Rose; sắp tới là đêm diễn tại Sydney Opera House, Australia vào ngày 29-9. Đầu năm 2024, ca sĩ Trọng Hiếu cũng tổ chức thành công Live tour 2024 tại 5 thành phố của Đức…

Trong lĩnh vực thời trang, 17 thiết kế của các nhà thiết kế: Nguyễn Công Trí, Lê Thanh Hòa, Phạm Đăng Anh Thư, Nguyễn Minh Tuấn, Trà Linh, Phan Huy... cũng đã được các ngôi sao quốc tế chọn khi xuất hiện trên thảm đỏ Liên hoan phim quốc tế Cannes.

Không chờ ăn may

Trở lại với câu chuyện doanh thu ngàn tỷ của điện ảnh, đó chắc chắn không phải là thành công mang tính “ăn xổi”, dù vẫn có quan điểm là thị trường đang phát triển nóng với nhiều bất cập. Thực tế cho thấy, trong vai trò đạo diễn, Lý Hải đã có 10 năm khẳng định bản thân từ một người “ngoại đạo”. Tương tự, Trấn Thành dù mới chỉ có phim thứ 3 làm đạo diễn, nhưng từng có hơn chục năm là một diễn viên. Hầu hết giới chuyên môn và cả khán giả đều thừa nhận Lý Hải và Trấn Thành không chỉ liên tục phá vỡ các kỷ lục phòng vé mà quan trọng hơn, họ cho thấy những tiến bộ về mặt nghề nghiệp, phim sau có nhiều điểm tốt hơn phim trước.

Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc BHD, năm 2023, tổng doanh thu phòng vé của Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia (có dân số hơn gấp đôi). Đặc biệt, doanh thu phòng vé Việt Nam cao hơn 2,5 lần so với Thái Lan, quốc gia có nền điện ảnh phát triển trong khu vực.

Sự phát triển, nhất là về doanh thu của điện ảnh Việt ở thời điểm hiện tại, cũng là kết quả của mô hình xã hội hóa đã được manh nha từ những năm 1990. Đặc biệt, từ đầu những năm 2000, khi dòng phim nhà nước không còn vị trí độc tôn, điện ảnh tư nhân trỗi dậy mạnh mẽ với một thế hệ nhà làm phim mới, đội ngũ làm phim Việt kiều được đào tạo bài bản, giỏi về nghề, nhanh nhạy tiếp cận thị trường, cùng hệ thống rạp chiếu phim hiện đại, phát triển rộng khắp các tỉnh thành trên cả nước, là tiền đề quan trọng để có được những thành quả như hiện tại. So sánh con số chỉ 90 màn hình chiếu với doanh thu chưa đến 15 triệu USD năm 2010 và 1.100 màn hình chiếu với doanh thu 150 triệu USD trong năm 2023, chúng ta dễ thấy sự tăng trưởng vượt bậc.

“Công nghiệp điện ảnh Việt Nam hiện được xem là có tốc độ tăng nhanh nhất nhì thế giới với mức 21% trong nhiều năm gần đây. Dân số đông, kinh tế đang phát triển nên Việt Nam có tiềm năng trở thành tốp 10 nước có doanh thu phòng vé lớn nhất thế giới trong những năm sắp tới”, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc BHD lạc quan.

Nét cổ truyền kết hợp phong cách hiện đại tại lễ khai mạc Liên hoan phim quốc tế TPHCM lần thứ nhất (HIFF). Ảnh: BTC

Nét cổ truyền kết hợp phong cách hiện đại tại lễ khai mạc Liên hoan phim quốc tế TPHCM lần thứ nhất (HIFF). Ảnh: BTC

Lý giải về thành công của Liên hoan Phim quốc tế TPHCM (HIFF) vừa qua, đạo diễn Trần Thanh Huy phân tích: Việc các nhà làm phim quốc tế hùng hậu “đổ bộ” về Việt Nam là do chúng ta đã có một nền tảng được xây dựng từ nhiều năm về trước, từ hệ thống đào tạo chính quy đến các workshop tư nhân… Chúng ta cũng có thế hệ các nhà làm phim trẻ đi ra thế giới và những nhà làm phim thương mại thu được nhiều tiền. Tất cả đã góp phần tạo nên tiếng nói của điện ảnh Việt khi bước ra thế giới.

Tiền đề vững chắc và ngày càng được củng cố ấy, cũng đã và đang được xây dựng ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong ngành công nghiệp văn hóa. Trước khi mạnh dạn tổ chức các lễ hội âm nhạc, giải trí trong nước, Xin chào Entertainment từng tổ chức dự án đầu tiên mang tên Phòng trà online, chuỗi liveshow Top series trước khi đổi tên thành Xin chào live music.

Bản thân các nghệ sĩ Việt trước khi quyết định tổ chức những show diễn ở nước ngoài cũng đã có sự chuẩn bị quan trọng từ trong nước với những thành công được ghi nhận. Ngay cả việc chúng ta đón các nghệ sĩ quốc tế về Việt Nam biểu diễn cũng cho thấy khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về sân khấu, âm thanh, ánh sáng cũng như điều kiện về hậu trường như ăn, ở, đi lại, an ninh…

Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng bậc nhất trong thành công của một số lĩnh vực của công nghiệp văn hóa chính là khán giả. “Lực lượng khán giả rất trẻ mà theo ước tính của chúng tôi, có đến 80% dưới 29 tuổi”, đại diện nhà phát hành CJ HK chia sẻ. Justin Kim, Giám đốc Sản xuất phim quốc tế của CJ ENM, trong chia sẻ trên tờ Deadline Hollywood, cũng nhấn mạnh: Các nhà làm phim Việt rất tích cực trên mạng xã hội, nhất là TikTok và Instagram. Và họ cũng sẽ phản ứng nhanh nếu cho rằng chất lượng phim không tốt.

Những tiềm năng đã có cần được đánh thức!

Có thể bạn quan tâm