"Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau 3 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tập hợp được đông đảo cán bộ, hội viên tích cực hưởng ứng tham gia. Và hiệu quả mà cuộc vận động mang lại đã góp phần thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
 

Một góc làng phụ nữ kiểu mẩu Klũ. Ảnh: Phương Dung
Một góc làng phụ nữ kiểu mẩu Klũ. Ảnh: Phương Dung

Cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, bao gồm các tiêu chí không đói nghèo; không có người thân tham gia “Tin lành Đê-ga”, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ 3 trở lên; không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà; sạch bếp; sạch ngõ và các tiêu chí này ứng với 8/19 tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đặc biệt quan tâm đến 3 tiêu chí: “3 sạch”, “không đói nghèo”, “không sinh con thứ 3” và đã chủ động đăng ký với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Cùng với đó, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như những tiêu chí về xây dựng nông thôn mới gắn với tiêu chí “5 không, 3 sạch” đến đông đảo cán bộ, hội viên, nhờ đó đã tạo được sự đồng thuận cao. Và sau 3 năm triển khai thực hiện cuộc vận động đã có hàng ngàn hội viên phụ nữ thoát nghèo thông qua các phong trào, cuộc vận động… do các cấp Hội phát động.

Đặc biệt, thông qua dịch vụ ủy thác, tín chấp với các ngân hàng cùng cấp, mỗi năm, các cấp Hội đã giúp cho hàng ngàn hội viên phụ nữ được tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Các cấp Hội còn đẩy mạnh nhiều phong trào, cuộc vận động: “phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo”, “giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “mái ấm tình thương”… để giúp cho nhiều hội viên phụ nữ nghèo và hội viên phụ nữ nghèo làm chủ hộ có cơ hội thoát nghèo bền vững. Chưa hết, để huy động sức mạnh nội lực trong cán bộ, hội viên, Hội Phụ nữ các cấp đã vận động những hội viên có điều kiện kinh tế giúp đỡ cho những phụ nữ hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Tùy vào hoàn cảnh gia đình của từng hội viên để có hình thức giúp phù hợp, có thể là cho vay tiền, vàng không tính lãi suất hoặc tính lãi suất thấp; có thể giúp cây-con giống, giúp ngày công lao động và hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi sao cho hiệu quả... Bên cạnh việc giúp giống, vốn, các cấp Hội còn là “cầu nối”, tạo điều kiện để hội viên tham gia các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; lớp dạy nghề và tư vấn việc làm... thông qua đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề tạo việc làm” giai đoạn 2012-2015.

Riêng ở tiêu chí gia đình không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học, gia đình không sinh con thứ 3, gia đình không bạo lực, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức tuyên truyền các nội dung của Pháp lệnh Dân số năm 2003, Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 năm 2008... Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng và phát triển 226 câu lạc bộ “phụ nữ không sinh con thứ 3” với gần 6.000 thành viên, góp phần giảm số tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn tỉnh. Hơn nữa, các cấp Hội cũng tích cực tham gia chiến dịch truyền thông dân số-kế hoạch hóa gia đình; phối hợp vận động chị em tham gia thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình, tham gia khám phụ khoa, đặt vòng, khám thai, phát thuốc tránh thai...

Đồng thời, Hội cũng duy trì 41 câu lạc bộ “nuôi dạy con tốt” với 1.312 thành viên; xây dựng nhiều mô hình “Địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng nhằm tư vấn, giải quyết những mâu thuẫn, bạo lực gia đình, trợ giúp nạn nhân bị bạo lực gia đình... và nhiều câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”... Mặt khác, Hội tiếp tục hướng dẫn các cấp Hội xây dựng mô hình “Làng phụ nữ kiểu mẫu” gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, 17 Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, thị xã, thành phố đã đăng ký và triển khai xây dựng “Làng phụ nữ kiểu mẫu” và có một số làng phụ nữ kiểu mẫu đã và đang mang lại hiệu quả: Làng Klũ (xã Ia Drăng, huyện Chư Prông), làng Phung (xã Biển Hồ, TP. Pleiku)…

Các cấp Hội cũng triển khai đến từng chi hội việc thực hiện công tác kết nghĩa giữa Hội phụ nữ người kinh và Hội Phụ nữ người dân tộc thiểu số, nâng tổng số điểm kết nghĩa trong toàn tỉnh lên 359 điểm và 138 hộ phụ nữ dân tộc kết nghĩa 138 hộ phụ nữ người kinh.

Ngoài ra, các cấp Hội thường xuyên vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ biết cách sắp xếp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, phát động hội viên thu gom rác thải quanh nhà, nơi công cộng, khơi thông cống rãnh, giữ vệ sinh nguồn nước... góp phần bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp. Đồng thời, Hội cũng xây dựng các mô hình: “Bếp ăn sạch”, “Thực phẩm sạch, tiêu dùng sạch”, phong trào “Phụ nữ đi chợ bằng giỏ xách nhựa”...

Có thể thấy, điểm nhấn của phong trào “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới” chính là cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và khi các tiêu chí của cuộc vận động mang lại hiệu quả cũng đồng nghĩa với việc cán bộ, hội viên phụ nữ đã và đang chung sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm