Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2024

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 3617/KH-UBND về xúc tiến thương mại năm 2024.
Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng tại hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tỉnh Gia Lai năm 2023. Ảnh: V.T

Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng tại hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tỉnh Gia Lai năm 2023. Ảnh: V.T

Theo kế hoạch, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa của tỉnh thông qua việc xây dựng các phóng sự, video, ấn phẩm, bài viết quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng, kết nối tiêu thụ, xuất khẩu. Tiếp tục duy trì và cập nhật thông tin giới thiệu về các sản phẩm hàng hóa trên các website thương mại điện tử, cổng thông tin điện tử của tỉnh, Sở Công thương và các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan. Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng kinh doanh, phương thức tổ chức mạng lưới phân phối, bán lẻ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế trong tỉnh nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng trong lĩnh vực thương mại, thương mại điện tử đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Tổ chức hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối giao thương, phiên chợ, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; tổ chức các hội nghị, hội thảo về xúc tiến thương mại, phát triển dịch vụ logistics để hỗ trợ cho tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm hàng hóa, nhất là các sản phẩm nông sản đặc trưng có sản lượng lớn của tỉnh như cà phê, tiêu, chè...

Bên cạnh đó, tham gia trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm nông sản đặc trưng, an toàn của tỉnh tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khu du lịch, khu công nghiệp của các tỉnh, thành phố. Tiếp tục nghiên cứu lựa chọn phát triển thêm các điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại các điểm du lịch, khách sạn, khu dân cư tập trung... trong và ngoài tỉnh. Ứng dụng thương mại điện tử nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá hỗ trợ, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm…

Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, nhiều doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: V.T

Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, nhiều doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: V.T

Đối với chương trình xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương, sẽ tăng cường công tác thông tin về thị trường nước ngoài; tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên sâu về lộ trình cắt giảm thuế quan, quy tắc xuất xứ hàng hóa. Tăng cường công tác thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp về các văn bản pháp luật, các chính sách mới có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu; các khuyến cáo của cơ quan chức năng liên quan đến hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu đặc biệt tình hình xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Tích cực mời gọi, vận động, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia tìm kiếm thị trường xuất khẩu theo các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại của Bộ Công thương và các đơn vị khác. Đồng thời, tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm quốc tế chuyên ngành và đa ngành dưới nhiều hình thức. Tham gia gặp gỡ, đối thoại với các hiệp hội ngành hàng, thiết lập mối quan hệ với các cơ quan Thương vụ, Tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài... để kịp thời cung cấp thông tin, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị sản xuất kinh doanh xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh.

Có thể bạn quan tâm