Xã hội

Gia đình

Xây dựng mô hình học tập gắn kết với các tiêu chí xây dựng mô hình văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa-Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội thảo vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp tổ chức chiều 15-8.

Hội nghị được kết nối từ điểm cầu Hội trường Khối các Cơ quan Đảng Trung ương (Hà Nội) đến 63 điểm cầu trên toàn quốc. Đồng chủ trì hội thảo còn có các đồng chí: GS. TS Nguyễn Thị Doan-nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Đoàn Văn Việt-Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch.

Tham dự hội thảo tại điểm cầu Trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hoàng Bình cùng đại diện lãnh đạo: Ban Dân vận Tỉnh ủy; Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh; Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; các Sở: Giáo dục-Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn hóa-Thể thao và Du lịch; Hội Khuyến học tỉnh.

Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: Anh Huy

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nêu rõ: Hội thảo nhằm đánh giá một cách toàn diện vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Đồng thời nâng cao nhận thức của mọi người dân và toàn xã hội về vai trò, tác dụng của gia đình, dòng họ học tập trong cộng đồng, xã hội hiện nay. Qua đó thúc đẩy phong trào học tập trên địa bàn dân cư, gắn kết các gia đình, dòng họ thành một lực lượng đoàn kết, nhất trí, đồng thuận trong phong trào toàn dân thi đua học tập suốt đời. Hội thảo sẽ góp phần thực hiện tốt chiến lược văn hóa, tìm ra yếu tố cốt lõi để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch nghiên cứu, lồng ghép, sớm đề xuất việc gắn kết mô hình “Gia đình học tập” vào việc bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận với các nội dung: Gia đình và dòng họ là cái nôi để hình thành nhân cách của các thế hệ con cháu; phát huy vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, góp phần giữ gìn, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái; kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng mô hình “Gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập” gắn kết với phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”; kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” trên địa bàn tỉnh Thái Bình; xây dựng dòng họ học tập góp phần thúc đẩy học tập suốt đời tại TP. Hồ Chí Minh; gia đình học tập giữ vị trí then chốt trong xây dựng xã hội học tập tại tỉnh Nam Định; chăm lo cho việc học của bản thân và con cháu theo mục tiêu “Học để làm người”-từ truyền thống của gia đình, dòng họ góp phần xây dựng xã hội học tập; xây dựng mô hình dòng họ học tập góp phần xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền cơ sở trong sạch vững mạnh theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 10-5-2019 của Ban Bí thư về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”;...

Các tham luận và trao đổi tại hội thảo đều tập trung làm rõ vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, giáo dục truyền thống quý báu của dân tộc trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời thời kỳ hiện nay; mối quan hệ giữa gia đình học tập với gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, cộng đồng văn hóa trong triển khai các danh hiệu thi đua; mối quan hệ giữa phát triển văn hóa giáo dục với phát triển văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Việc tổ chức hội thảo nhằm góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; cụ thể hóa định hướng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, gia đình là tế bào của xã hội, là nơi nuôi dưỡng, trao truyền các giá trị văn hóa; gia đình là môi trường đầu tiên khuyến khích, tạo điều kiện cho gia đình học tập, thúc đẩy sự phát triển sáng tạo và tư duy logic của mỗi thành viên. Phát triển xã hội học tập là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia. Con người Việt Nam chỉ có thể trang bị phẩm chất, giá trị tốt đẹp nếu có được môi trường học tập tốt từ mỗi gia đình.

Trong bối cảnh hiện nay với những thời cơ, thách thức, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cần coi học tập là chìa khóa mở đường để mỗi con người, gia đình, dòng họ, đất nước bước vào thế giới hiện đại. Học tập là yếu tố hình thành năng lực tiếp cận và tiếp biến văn hóa từ bên ngoài. Do đó, phải nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về vai trò gia đình, dòng họ trong việc nuôi dưỡng, giáo dục, vun đắp nguồn lực con người và giữ gìn ổn định xã hội, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững của đất nước. Tăng cường xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, tạo môi trường học tập đa dạng và tạo điều kiện để mọi người được tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng. Xây dựng mô hình học tập trong thời đại cách mạng 4.0 phải được gắn kết với các tiêu chí xây dựng mô hình văn hóa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi người dân cần quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục nói chung, xây dựng xã hội học tập nói riêng và xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên trong thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết về công tác xây dựng gia đình, giáo dục con người Việt Nam; đổi mới mạnh mẽ công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của gia đình, dòng họ...

Có thể bạn quan tâm