Các nhà khoa học tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã thực hiện nghiên cứu trên 10.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 65 - 75 không có tiền sử ung thư.
Ung thư vú qua phim chụp X-quang. ẢNH: SHUTTERSTOCK |
Kết quả xét nghiệm máu kết hợp quét hình ảnh toàn thân cho thấy 26 người trong số họ mang khối u ác tính.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Science vào đầu tháng 5. Đến nay, tất cả bệnh nhân được phát hiện khối u vẫn còn sống và hầu hết đều có dấu hiệu thuyên giảm.
GS Bert Vogelstein, một trong những tác giả của nghiên cứu, đã dành nhiều năm tìm hiểu về phương pháp phát hiện ung thư sớm. GS Vogelstein phân tích: Hầu hết các loại ung thư đều mang ít nhất một trong 16 chủng đột biến gien. Phương pháp xét nghiệm máu hiện tại có thể giúp tìm thấy ADN đó và chẩn đoán loại ung thư.
Các loại ung thư đã được phát hiện thông qua xét nghiệm bao gồm ung thư: buồng trứng, phổi, tử cung, đại trực tràng và vú. Những trường hợp này đều đã trải qua sàng lọc thông thường nhưng không phát hiện được ung thư.
Theo ông Vogelstein, nguyên nhân dẫn đến tử vong vì ung thư thường là do nó được phát hiện sau khi đã lan quá rộng. Xét nghiệm này không thay thế cho các xét nghiệm sàng lọc đã có, nhưng là cách để có thể phát hiện sớm. Ung thư sẽ dễ điều trị hơn nhiều nếu chúng bị ngăn chặn trước khi kịp lây lan.
Những phương pháp sàng lọc phổ biến hiện nay đang tồn tại một số nhược điểm. Việc quét hình ảnh toàn thân khó phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu, trong khi những đợt sinh thiết khiến bệnh nhân phải trải qua nhiều đau đớn và khó thực hiện nhiều lần.
Kết quả đầy hứa hẹn trên sẽ dẫn đến nhiều nghiên cứu hơn trong tương lai, giúp giảm các biện pháp sàng lọc xâm lấn không cần thiết.
Theo tạp chí Smithsonian, nhờ phân tích được ADN tế bào ung thư của từng bệnh nhân, các bác sĩ có thể cá nhân hóa đơn thuốc đặc trị cho bệnh nhân, không áp dụng chung một phác đồ điều trị.
Theo Ngọc Minh Khuê (Thanh Niên)