"Xóa bỏ hủ tục để xây dựng cuộc sống ấm no"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là chia sẻ của già Ksor Anech (làng Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai,). Ở tuổi 64, ông vẫn miệt mài đi vận động dân làng xóa bỏ các tập tục lạc hậu, chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới.
Chúng tôi theo chân ông Phùng Trung Toàn-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai-về thăm làng Hek giữa tiết trời tháng 3 nóng bức. Ngôi làng dần hiện ra với con đường bê tông thẳng tắp rộng 8 m, dài 2,4 km kết nối với tỉnh lộ 666. Từng ngôi nhà sàn được sắp đặt ngay ngắn, cạnh nhà là vườn rau xanh non.
Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà thoáng mát với rất nhiều huân huy chương, bằng khen, giấy khen được các cấp trao tặng, già Anech cho hay, ông lớn lên nhờ nắng gió đại ngàn. Năm 20 tuổi, già Anech khi đó là một chàng trai Bahnar khỏe mạnh, dũng cảm đã tham gia chiến trường Tây Nguyên. Trở về sau giải phóng, già đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như: Trưởng Công an xã Hbông (huyện Chư Sê), Bí thư xã Hbông, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện)...
 Già Anech (ngoài cùng bên phải) vận động bà con thay đổi nhận thức, tập quán canh tác. Ảnh: N.T
Già Anech (ngoài cùng bên phải) vận động bà con thay đổi nhận thức, tập quán canh tác. Ảnh: N.T
Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng khi dân làng bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, già Anech vẫn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” mẫu mực, tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động dân làng xây dựng khối đại đoàn kết, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Bản thân già cùng gia đình cũng đi trước làm gương cho dân làng như vệ sinh nhà cửa gọn gàng, sạch đẹp, di dời chuồng bò ra khỏi gầm sàn nhà. Đặc biệt, già đã khoan giếng để tưới cho cây lúa, nhờ đó diện tích 1,5 ha từ 1 vụ lên 2 vụ đã cho thu nhập gấp đôi so với trước kia. Già Anech chia sẻ: “Lâu nay, tập quán canh tác lạc hậu cùng các hủ tục đã khiến dân làng cứ nghèo mãi thôi. Mình mà đi nói không không thì dân không nghe đâu. Phải làm trước rồi bày lại dân thì họ mới làm theo. Hiểu được suy nghĩ của bà con, vì lợi ích của bà con thì mình dễ dàng tâm sự, chia sẻ cách làm hay, cách làm mới để thay đổi nhận thức, phát triển kinh tế cho bà con”.
Nhờ vậy, trong đợt di dời 13 hộ dân từ núi Cheng Leng về làng Hek, già Anech đã góp phần không nhỏ trong việc vận động người dân chấp hành chủ trương của tỉnh. Đồng thời, ông còn động viên bà con xây dựng nhà ở khang trang, di dời được 76 chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn và làm hơn 70 vườn rau xanh. Ông Ksor Dom (làng Hek) vui vẻ nói: “Nhờ ông Anech chia sẻ, hướng dẫn nên tôi hiểu được lợi ích của việc di dời chuồng bò, tách riêng ra khỏi gầm sàn nhà. Sau đó, tôi làm vườn rau cải 25 m2 và trồng hoa trước cổng nhà cho đẹp. Đối với ruộng lúa, tôi cũng tiến hành khoan giếng lấy nước tưới cho cây lúa và trồng 2 vụ/năm. Thấy cuộc sống đổi thay từng ngày, tôi vui lắm”.
Ông Đinh Mớp (cùng làng) từng là một trong những trường hợp không hợp tác trong việc di dời cầu thang để lấy đất làm đường giao thông. Nhờ già Anech kiên trì vận động, ông đã thay đổi suy nghĩ. “Ban đầu không hiểu rõ lợi ích, tôi đã không chịu bỏ cầu thang đi. Sau khi già Anech đến nhà trò chuyện, tôi đã tự tay dỡ bỏ cầu thang. Tôi cũng di dời chuồng trâu bò ra khỏi gầm sàn, làm nhà vệ sinh phục vụ sinh hoạt gia đình”. 
Từ một ngôi làng thâm sơn cùng cốc, làng Hek đã khoác lên mình chiếc áo mới, trở thành làng nông thôn mới kiểu mẫu, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Thành quả ấy có một phần công sức không nhỏ của già Anech trong việc thay đổi nhận thức của bà con, từ đó xóa bỏ những tập quán lạc hậu, tập trung phát triển kinh tế gia đình. Nhận xét về già Anech, ông Phùng Trung Toàn nhận định: “Bản thân ông Anech là người đảng viên gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, cuộc vận động do các cấp phát động và nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền. Đồng thời, là người có uy tín trong làng, ông Anech đã tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ hủ tục để xây dựng cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc”.
 NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm